Con số tài trợ không còn là quan tâm của CG

(VOV) -CG không còn nhằm huy động nguồn lực viện trợ nữa mà đây là điễn đàn để Chính phủ và nhà đầu tư trao đổi.

Chiều nay (5/12), Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức họp báo trước thêm Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ 2012.

Ngày mai (6/12), trước khi hội CG diễn ra cũng sẽ có một phiên đối thoại về tham nhũng với Chính phủ Việt Nam tại Hà Nội.

Hội nghị CG cho Việt Nam có sự tham gia của đại diện Chính phủ Việt Nam, các nhà tài trợ song phương và đa phương, và các tổ chức phi Chính phủ.

Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu của Chính phủ Việt Nam, cùng với đại diện cấp cao của các bộ ngành quan trọng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và Giám đốc ngân hàng Thế giới tại Việt Nam bà Victoria Kwakwa sẽ chủ trì hội nghị.   

Tại  họp báo chiều nay, bà Victoria Kwakwa và các chuyên gia kinh tế đã trả lời các câu hỏi của báo chí.

PV: Xin bà cho biết, số tiền tài trợ tại Hội nghị lần này sẽ được công bố như thế nào?

Bà Victoria Kwakwa: Tôi không ngạc nhiên, vì năm nào chúng tôi cũng nhận được câu hỏi này. Nhiều người quá trông đợi vào con số này. 20 năm trước, Việt Nam bắt đầu hòa nhập vào tiến trình CG. Đến nay, cộng đồng quốc tế đã biết hơn về Việt Nam. Việt Nam cũng đã hiểu rõ hơn về cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế. Chính vì vậy, Việt Nam có thể trình các kế hoạch, đề án phát triển của mình để các nhà tài trợ có thể quyết định mức đầu tư.

Vấn đề đối với Việt Nam hiện nay không phải là số lượng tài trợ là bao nhiêu nữa. Mục đích của CG cũng không còn nhằm để  huy động nguồn lực viện trợ nữa mà đây là điễn đàn để Chính phủ và nhà đầu tư cùng đánh giá lại những thành tựu, thách thức để làm thế nào cùng ngồi được với nhau. CG là nơi đối thoại chính sách chứ không phải là huy động tài trợ. Hiện nay, con số này đã được thể hiện trong các cam kết của Chính phủ Việt Nam và các đối tác.

Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư sẽ thông báo con số cam kết của nhà tài trợ cho năm 2013.

PV: Con số cam kết năm ngoái đến nay đã được thực hiện như thế nào, thưa bà?

Bà Victoria Kwakwa: Việc quan tâm đến các cam kết có được thực hiện hay không là hoàn toàn xác đáng. Bởi khi thực hiện dự án hiệu quả thì mới đạt được mục tiêu đề ra. Việc đánh giá cần có cái nhìn xác đáng hơn. Hiện nay, trong tay tôi chưa có con số cụ thể.

PV: Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu hoàn thành xử lý nợ xấu và cổ phần hóa DNNN trong giai đoạn 2015-2020. Bà có lạc quan về mục tiêu này?

Bà Victoria Kwakwa: Chúng ta đã biết, thời gian qua các quốc gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử, khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á năm 1997, nhiều quốc gia như Indonesia, Thái Lan… đã phải nợ nần rất lớn. Nhưng đến nay họ đã thoát ra được tình trạng này.Vì vậy, không có lý do gì Việt Nam không làm được. Trong quá khứ, Việt Nam cũng đã từng gặp khó khăn như hiện nay trong ngành tài chính-ngân hàng.Vấn đề quan trọng hiện nay là quyết tâm chính trị để thực hiện cải cách đó.

Việt Nam cần tiếp thu kinh nghiệm của các nước trên thế giới để thực hiện công việc của mình. Tôi tin rằng, giai đoạn 2015-2020 Việt Nam có thể làm được nhưng cần phải có lộ trình và ưu tiên.

PV: Theo đánh giá của WB, kinh tế Việt Nam hiện nay có đi đúng hướng hay không?

Ông Deepak Mishra (kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam): Khó có thể đưa ngay câu trả lời có hay không với câu hỏi này. Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI đã giải quyết một số vấn đề lớn. Nhiều người hy vọng sẽ có hành động cụ thể về tái cơ cấu nhưng đến năm2012 vẫn chưa có diễn biến gì cả.

Kinh tế Việt Nam hoàn toàn đúng hướng và đã có một số hoạt động nhưng cần có thêm thời gian để đánh giá.

PV: Ông đánh giá thế nào về môi trường kinh doanh hiện nay của DN Việt Nam?

Ông Christopher Jeffery (Thành viên hội đồng quản trị Liên minh diễn đàn Việt Nam): Môi trường kinh doanh hiện nay đầy thách thức. Tuy nhiên, thách thức đang đi cùng cơ hội. Đối với DN, điều quan trọng  nhất là môi trường kinh doanh và thủ tục hành chính. Môi trường này không phải là đầu tư tiền nhiều hay ít mà là sự tin tưởng lẫn nhau giữa Chính phủ và DN.

Ông Deepak Mishra: Vẫn còn quá nhiều rủi ro

Hầu hết người dân Việt Nam quan tâm đến ổn định kinh tế vĩ mô. Trong 12 tháng qua và 12 tháng tới người ta nói nhiều đến ổn định, trong khi trước đây mối quan tâm này là tăng trưởng. Chi phí sinh hoạt là mối quan tâm hàng đầu của người dân Việt Nam, ngoài ra còn các vấn đề liên quan đến việc làm, thu nhập, giá cả, lạm phát.

Kinh tế vĩ mô của Việt Nam so với 18 tháng trước khá sáng sủa, dự trữ ngoại tệ tăng, lạm phát giảm, tỷ giá ổn định, thanh khoản dồi dào hơn. Lần đầu tiên, Việt Nam có cán cân thặng dư vãng lai lớn nhất, xuất siêu và tăng FDI. Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là DN FDI tăng xuất khẩu khoảng 30% trong khi DN nhà nước và tư nhân lại không tăng.

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn còn quá nhiều rủi ro: Lạm phát cơ bản vẫn cao; Mức dự trữ ngoại tệ thấp so với thế giới; Việc nới lỏng các chính sách sách tài khóa hoặc tiền tệ có thể làm lạm phát tăng trở lại; Chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng xấu đi; nợ công tăng nếu tính cả nợ dự  phòng của các ngân hàng và DNNN; Triển khai chậm trễ và kém hiệu quả quá trình cải cách cơ cấu  kinh tế kể cả giải quyết nợ xấu trong ngân hàng và các DNNN đang là những vật cản tới tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hội nghị CG bàn về những ưu tiên trong năm 2013
Hội nghị CG bàn về những ưu tiên trong năm 2013

(VOV) -Dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam tham dự hội nghị này.

Hội nghị CG bàn về những ưu tiên trong năm 2013

Hội nghị CG bàn về những ưu tiên trong năm 2013

(VOV) -Dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam tham dự hội nghị này.