Cơn sốt bất động sản có nhiều điểm tương đồng 13 năm trước
VOV.VN - Tình trạng “sốt” đất tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước hiện nay đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với các nhà đầu tư và có những điểm tương đồng so với thời kỳ cách đây 13 năm.
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp Báo cáo thị trường bất động sản Quý I năm nay của Kênh thông tin Batdongsan.com được tổ chức sáng nay 6/4, tại Hà Nội.
Theo khảo sát của kênh Batdongsan.com.vn, các thị trường mới nổi đang thu hút giới đầu tư như: Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Vũng Tàu. Thậm chí, tỉnh Bắc Giang có lượng quan tâm tăng đến 256% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 3 vừa qua, lượng người truy cập vào Website của Batdongsan.com.vn tăng lên mức kỷ lục, hơn 12,5 triệu lượt. Trong đó, có 5 triệu lượt người dùng.
Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong 3 tháng đầu năm nay, lượng doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp hoạt động trở lại đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái, thì số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới tăng đến 27%. Giá bất động sản tại một số địa phương tăng trên 30% so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí có nơi tăng gấp đôi.
Câu hỏi đang được đặt ra là thị trường bất động sản hiện nay có điểm gì tương đồng với thời kỳ rơi vào “bong bóng” những năm 2006-2007? Thời điểm đó, dòng vốn chuyển sang thị trường chứng khoán rất mạnh, chỉ số VN-Index tăng từ 300 lên 1.000 điểm. Sau đó, những thông tin về quy hoạch được đưa ra, dòng vốn lại ồ ạt chuyển sang bất động sản. Chỉ một thời gian tăng trưởng nóng, thị trường rơi vào suy thoái, nợ xấu đã xuất hiện. Sau đó, nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư phá sản.
“Câu chuyện của năm 2007-2009 có điểm đáng chú ý là kiểm soát về mặt tín dụng chưa thực sự tốt, tăng trưởng tín dụng lên đến 40%. Hiện nay, kiểm soát tín dụng của chúng ta đã tốt hơn rất nhiều. Chúng ta so sánh để thấy rằng, thị trường có những bước thay đổi như thế nào và chúng ta đặt ra vấn đề này để cùng tìm hiểu”, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc kênh thông tin Batdongsan.com.vn nói.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, những điều chỉnh trong chính sách tín dụng cần phải thực hiện kịp thời để tránh tình trạng dư cung ở một số phân khúc, nhất là phân khúc bất động sản nhà ở cao cấp và đất nền. Việc thông tin về quy hoạch cần được công bố rộng rãi và minh bạch. Tuy nhiên, thời điểm này, việc kiểm soát dòng tiền đổ vào bất động sản vẫn là quan trọng nhất.
“Thị trường bất động sản vẫn chủ yếu dựa vào vốn từ ngân hàng. Khoảng 80% vốn của thị trường bất động sản đến từ ngân hàng. Đây là những rủi ro về thanh khoản. Nếu ngân hàng tiếp tục đổ vốn vào thì khi thị trường khủng hoảng ngân hàng sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất. Giá bất động sản giảm mạnh thì sẽ có nhiều nợ xấu và nợ mất vốn”, ông Nguyễn Trí Hiếu lo ngại./.