Condotel - chuyện thị trường và trách nhiệm cơ quan quản lý
VOV.VN - Việc “vỡ trận” dừng trả lợi nhuận cho các nhà đầu tư của Công ty CP Xây dựng và Phát triển Thành Đô đã có những góc nhìn rất khác nhau từ sự việc này.
Nhìn vào mối quan hệ 3 bên: chủ đầu tư dự án – các nhà đầu tư (khách hàng mua căn hộ khách sạn) và ngân hàng tài trợ vốn, các nhà đầu tư và nhiều người quan tâm tới thị trường BĐS hiện nay đang đưa ra những quan điểm khác nhau trước sự việc “vỡ cam kết” lợi nhuận từ dự án Cocobay tại Đà Nẵng.
Phân tích ở góc độ mối quan hệ kinh tế giữa lợi nhuận và rủi ro, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho rằng: “Theo ý kiến cá nhân tôi, condotel không có tội tình. Bản chất condotel là hình thức cá biệt. Nhưng không may dự án Cocobay là chọn vị trí, định giá tỷ lệ hưởng lợi nhuận quá cao tới 12%. Về pháp luật không bị cấm đoán, nhưng đã đánh trúng lòng tham và sự kém hiểu biết của người mua”.
Condotel là một loại hình mới và thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia. |
Ở góc độ vận hành của thị trường BĐS, condotel là một loại hình mới và thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia. Câu chuyện về rủi ro và lợi nhuận kỳ vọng và các cam kết ban đầu đã bị phá vỡ, trách nhiệm của các bên đến đâu sẽ dần được làm rõ và ai vi phạm tới đâu sẽ chịu trách nhiệm tới đó. Nhưng theo một số nhà đầu tư, chủ đầu tư có cái nhìn bình tĩnh và lạc quan hơn thì cho rằng, đây cũng chính là cách thanh lọc thị trường.
Câu hỏi về giải pháp xử lý sự cố “vỡ trận” từ dự án Cocobay Đà Nẵng, đại diện các chuyên gia, nhà doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng đưa ra quan điểm và hướng xử lý, khắc phục. Ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Hải Phòng cho rằng, tùy thuộc vào những cam kết trong hợp đồng mua – bán và luật pháp cũng đã quy định sẽ tiếp tục giải quyết mối quan hệ giữa các bên. Nhưng dù là giải pháp nào thì cũng đảm bảo nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người mua.
“Thị trường đang điều tiết hành vi của người mua và người bán. Chúng ta không quá lo ngại, căn cứ theo quy định pháp luật để xử lý rõ về việc này. Phải xét đoán từng trường hợp cụ thể vì đây là quan hệ dân sự mua bán giữa hai bên, họ đã cam kết những gì, giải quyết như thế nào. Theo tôi, muốn giải pháp như thế nào vẫn phải tuân thủ nguyên tác phải bảo vệ được quyền lợi của người mua”, ông Nguyễn Ngọc Thành nói.
Còn ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội môi giới BĐS Việt Nam đưa ra giải pháp mà ông cho là tối ưu với chủ đầu tư dự án – nhà đầu tư cá nhân và phù hợp với thị trường, quan trọng là tránh hệ lụy cho xã hội.
“Kinh doanh có nhiều phương án, có phương án an toàn và phương án rủi ro cao, lợi nhuận cao. Câu hỏi về trách nhiệm ở đây thì cứ theo hợp đồng. Khi có sự việc xảy ra thì quan trọng là ngồi lại với nhau giữa nhà đầu tư và chủ đầu tư, các cổ đông cần xem xét sai ở khâu nào, ở mô hình hay cách vận hành sai. Mô hình thì khó, còn cách vận hành sai thì có thể điều chỉnh lại. Còn phương án nhận lại căn hộ làm chung cư là điều tối kỵ. Vì đây là BĐS nghỉ dưỡng nếu mỗi người nhận về ở giống chung cư thì sẽ gây hệ lụy lớn”, ông Nguyễn Chí Thanh cho hay.
Trao đổi với các chuyên gia pháp lý về câu chuyện “vỡ trận” Cocobay Đà Nẵng và những hệ lụy và trách nhiệm của các bên đặt ra như thế nào?
Luật sư Nguyễn Minh Anh, Giám đốc Công ty Luật Trí Minh, cho rằng: “Tôi cho rằng, hệ lụy của Cocobay rất lớn, nó làm giảm niềm tin, gây nên tình trạng đổ vỡ thị trường. Chính việc cơ quan nhà nước chưa ban hành chính sách, dẫn đến chủ đầu tư sẵn sàn “lấy ngắn nuôi dài”, huy động tài chính bằng mọi cách, chấp nhận bị khởi kiện nhưng lại được hưởng lợi từ các dự án xung quanh. Trong trường hợp này, lỗi phần lớn là chủ đầu tư nhưng không thể bỏ ngoài trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường condotel này”.
Những loại hình BĐS như condotel – căn hộ khách sạn; officestel – căn hộ văn phòng đã từng phát triển trên thế giới, thị trường BĐS Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nhưng ở Việt Nam chính do sự “thả nổi” trong quản lý, để mặc chủ đầu tư “tự tung tự tác”, tự thổi phòng sự thật để bán bằng được hàng cho các khách hàng, nên hệ lụy chắc chắn rất lớn. Cơ quan quản lý không thể vô can!
Tới đây, giải quyết vấn đề này, ngoài việc thượng tôn pháp luật, cần chú trọng tới đạo đức kinh doanh để hướng tới phát triển thị trường bền vững. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát và có giải pháp tối ưu đối với những trường hợp đã xảy ra thiệt hại. Trong trường hợp chủ đầu tư có yếu tố gian dối, có hành vi quảng cáo sai sự thật, lừa dối khách hàng thì có thể bị chế tài hình sự để bảo vệ quyền lợi người mua các sản phẩm bất động sản như hình thức condotel.
Giải pháp chung trong tương lai, cơ quan Nhà nước cần sớm ban hành khung pháp lý điều chỉnh các sản phẩm bất động sản đa chức năng, xem xét năng lực tài chính của chủ đầu tư và cam kết với khách hàng để điều chỉnh cho phù hợp, nhằm phát triển thị trường BĐS một cách bền vững, hiệu quả, tránh lãng phí và gây hệ lụy cho xã hội./.
Condotel tại Cocobay "vỡ trận": Khách hàng có thể khởi kiện?