Cổng Dịch vụ công quốc gia sẽ giúp ích nhiều cho doanh nghiệp
VOV.VN - Cổng dịch vụ công trực tuyến là xu thế của thời đại, song vẫn còn nhiều bất cập, ví như xây dựng đường cao tốc nhưng chưa có đường dẫn.
Hội nghị thu hút sự quan tâm của nhiều đại diện doanh nghiệp, tổ chức ngành hàng và địa phương. |
Ông Vũ Đức Giang cũng đồng tình việc xây dựng xuyên suốt đồng bộ Cổng dịch vụ công từ Chính phủ đến các Bộ, ngành, Trung ương và địa phương. Trong đó, cần tăng cường nhận thức và trách nhiệm của cán bộ công quyền trong việc thực hiện các thủ tục hành chính công.
Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam dẫn chứng việc đã ký 25 văn bản về cơ chế chính sách nhưng 2 năm nay vẫn chưa được giải quyết. Ngành dệt may khi nhận một đơn hàng lớn, doanh nghiệp không phải lúc nào cũng có đủ năng lực giải quyết được ngay mà cần đưa tới các doanh nghiệp khác để gia công lại. Quá trình đi gia công lại thì về doanh nghiệp phải đóng thuế nhập khẩu. "Điều này cực kỳ phi lý và vướng mắc. Vấn đề này chưa được giải quyết một năm nay. Một doanh nghiệp vừa gửi văn bản lên Hiệp hội dệt may vì phải nộp 98 tỷ đồng tiền thuế do gia công lại", ông Vũ Đức Giang nêu thực tế.
Đưa ra một số kiến nghị liên quan đến tư duy cải cách thủ tục hành chính, ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM cho biết, thế giới số mở ra những cách làm khác, ví dụ với những lao động thất nghiệp tại một số quốc gia thì tiền chuyển thẳng vào tài khoản của họ. Việc tổng hợp dữ liệu cũng giúp ích trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
"Sắp tới, cần có cơ chế tiếp cận nguồn tài nguyên này, xây dựng các chiến lược đúng đắn", ông Phương nêu ý kiến. Doanh nghiệp có lợi gì khi dùng Cổng Dịch vụ công Quốc gia?
Ghi nhận các ý kiến, phản hồi từ phía doanh nghiệp, ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, quá trình triển khai chính phủ điện tử Việt Nam còn chậm. Song trong giai đoạn này, Việt Nam đang đi rất nhanh. Dẫu vậy, cơ sở dữ liệu còn thiếu. Hai cơ sở dữ liệu quan trọng về dân cư và đất đai Việt Nam còn chưa có.
"Để đảm bảo đồng bộ, chúng ta chưa thực hiện được ngay, cần vừa làm vừa xử lý các vướng mắc... Doanh nghiệp tham gia còn thờ ơ với các dịch vụ hành chính công, trong khi đây là những thủ tục ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mình", ông Mai Tiến Dũng nói.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng mong muốn, các doanh nghiệp sẽ tiếp sức xây dựng Chính phủ điện tử. Hướng tới cập nhật các dịch vụ công đa dạng và chất lượng hơn, đáp ứng mọi yêu cầu của đời sống xã hội.
"Tương lai, người dân và doanh nghiệp chỉ cần đăng ký 1 lần duy nhất trên cổng, thay vì phải nộp nhiều lần... Điều cốt lõi là thay đổi tư duy của tất cả chúng ta, chứ không phải phần mềm hay công nghệ", ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh./.