Công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều cơ hội khởi nghiệp
VOV.VN - Quốc gia nào biết tận dụng công nghệ mới sẽ là cơ hội vượt trội để phát triển toàn diện nền kinh tế.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo nên những thay đổi đột phá trong sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, thương mại điện tử.
Nhận định này được đưa ra tại Hội thảo “Khởi nghiệp 4.0 - Ứng dụng công nghệ Blockchain – Fintech trong thương mại điện tử - thanh toán trực tuyến, cơ hội khởi nghiệp tại Việt Nam” do Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia VINEN tổ chức chiều 15/10, tại Hà Nội.
Trong làn sóng khởi nghiệp toàn cầu, Việt Nam được xếp hạng có tinh thần khởi nghiệp đứng đầu thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam thích ứng với xu thế mới trong nền công nghiệp 4.0 để có những đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập kinh tế thế giới.
Ông Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia (VINEN) |
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong đó nền tảng công nghệ Blockchain – Fintech sẽ làm thay đổi rất nhiều định chế cũ, quốc gia nào biết tận dụng sẽ là cơ hội vượt trội để phát triển toàn diện nền kinh tế. Cuộc cách mạng này sẽ thúc đẩy tất cả các ngành nghề trong đó có thương mại điện tử, xuất nhập khẩu…
Đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, với sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, cánh cửa xuất khẩu hàng hóa trực tiếp với khách hàng nước ngoài trở nên thuận tiện và bình đẳng, giúp nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa trực tiếp ra thế giới trong thời gian nhanh nhất, thanh toán an toàn và hiệu quả cao.
Thực tế, tại Việt Nam, 50% dân số đã sử dụng mạng internet, trong đó khoảng 30% số người dùng internet để mua sắm trực tuyến, toàn thị trường bán lẻ Việt Nam khoảng 4 tỷ USD, nhưng thương mại điện tử mới chiếm khoảng 3-4%. Do đó, cơ hội cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này còn rất lớn.
PGS. Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia (VINEN) nhận định, ở Việt Nam mới có hơn 600.000 doanh nghiệp, cơ hội khởi nghiệp là rất lớn, đặc biệt cho doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ và thương mại điện tử. Nhiều nhà sản xuất muốn tung sản phẩm ra thị trường và họ cần công cụ về thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng nhanh nhất, nhiều nhất.
“Người tiêu dùng cũng cần công cụ tìm các sản phẩm có nhu cầu, so sánh giá, tìm kiếm sản phẩm chất lượng qua thương mại điện tử được đáp ứng nhanh nhất. Thanh toán tài chính trên thương mại điện tử không chỉ người kinh doanh mà ngay cả khách hang cũng rất cần, đấy là cơ hội tốt cho doanh nghiệp”, ông Hòa cho biết.
Theo các chuyên gia, xu thế tới đây, các lĩnh vực có giá trị thanh toán cao như bất động sản, ô tô…đều có thể giao dịch thông qua đồng tiền kỹ thuật số ứng dụng công nghệ Fintech. Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý, đòi hỏi có những định hướng chính sách và hành lang pháp lý mới, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, song vẫn phải ngăn chặn được những tác động tiêu cực đến người tiêu dùng cũng như nền kinh tế./.
Dàn thí sinh đa dạng trong “1 tỷ khởi nghiệp cùng Saigon Co.op”