Công nghiệp hỗ trợ

Kể từ khi các doanh nghiệp có vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam (doanh nghiệp FDI), chúng ta được nghe bàn nhiều về một loại hình công nghiệp, đó là công nghiệp phụ trợ

Tuy nhiên, sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ chưa tương xứng với sự phát triển đầu tư và chưa có biểu hiện tốt đẹp góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa của nước ta.

Trong bài này, chúng tôi muốn đề cập một góc nhìn nền công nghiệp phụ trợ. Đó là cách nhìn về mặt khoa học công nghệ của vấn đề.

Hiểu thế nào là "công nghiệp phụ trợ"?

Nền công nghiệp hiện nay cung cấp cho loài người hàng triệu loại sản phẩm công nghiệp dùng cho đời sống, giao thông vận tải, nông nghiệp, khoa học, văn hóa giáo dục, tái sản xuất… Các sản phẩm đó ít nhất cũng gồm một chi tiết - thường gọi là chi tiết máy; nhiều nhất thì gồm có hàng triệu chi tiết lắp ghép gắn kết lại với nhau.

Hãy lấy một ví dụ dẫn chứng: Một chiếc ô tô thành phẩm thời nay có khoảng chục vạn chi tiết máy hợp thành. Một hãng ô tô A sản xuất một loại ô tô mang nhãn hiệu A ra thị trường. Mặc dù hãng A là một đơn vị công nghiệp hùng mạnh có nhiều nhà máy, viện nghiên cứu và thiết kế, một bộ máy điều hành, quản lý kinh tế và công nghệ có đẳng cấp nhưng họ cũng chỉ tự chế tạo những bộ phận quan trọng có vị trí nòng cốt trong tổng lắp thành phẩm cuối cùng. Nhiều bộ phận và linh kiện còn lại thì họ phải nhờ sự hỗ trợ của các nhánh công nghiệp khác chế tạo và lắp ráp.

Khái niệm "công nghiệp phụ trợ" ra đời từ đó. Thật ra về ngôn từ cũng như bản chất chữ supporting industries không có nghĩa cái này là phụ, cái kia là chính mà chỉ là nhánh công nghiệp này hỗ trợ cho nhánh công nghiệp kia. (Theo ông Đỗ Mạnh Hồng - Đại học Obirin Tokyo thì tiếng Nhật cũng có nghĩa tương tự).

Một số người bị ám ảnh bởi chữ “phụ” trong “phụ trợ” cho đó là loại việc dễ làm, có FDI ắt có phụ trợ, xét thành quả theo kiểu "đếm cua trong lỗ", quên đi bản chất vấn đề hợp tác chuyên môn hóa của các nhánh công nghiệp phát triển trong một nước phát triển.

Trong phần tiếp theo của bài này, chúng tôi dùng chữ SI để chỉ "công nghiệp hỗ trợ".

Công nghiệp hỗ trợ trước hết được thành hình tại các nước phát triển. Nơi đó đã có khả năng công nghệ tương xứng; sự phát sinh và việc chuyển giao công nghệ diễn ra thuận lợi. Nay doanh nghiêp FDI đầu tư sản xuất sang các nước kém phát triển như Việt Nam, muốn lập SI cần khảo sát hoàn cảnh và khả năng tại chỗ, nhất là khả năng công nghệ.

"Trông người mà ngẫm đến ta"

Trên đây chúng tôi cố ý nhấn mạnh với độc giả rằng, xây dựng ngành SI tại các nước phát triển khác với việc xây dựng nó ở Việt Nam.

Khác nhau và giống nhau có nhiều điểm. Song cái khác cơ bản là các nước phát triển đã hoàn thành cuộc cách mạng kỹ thuật lần thứ hai dẫn tới cuộc cách mạng công nghiệp một cách sâu sắc và toàn diện (hiện nay còn đi xa hơn).

Còn ở Việt Nam thì cuộc cách mạng công nghiệp đang nham nhở. Chuyển SI từ quốc gia gốc, có môi trường và điều kiện công nghiệp hoàn chỉnh sang Việt Nam đang có thị trường công nghệ ngổn ngang thì cần xem xét kỹ mới tới thành công.

Đối với các doanh nghiệp FDI, Chính phủ ta luôn thúc đẩy việc nội địa hóa chế tạo các sản phẩm. Phải chăng là trong khuôn khổ FDI thì công nghệ đó chưa phải đích thực của Việt Nam? Và nội địa hóa chính là tăng cường cho khả năng công nghệ Việt Nam. Vậy nói một cách khác là: Phát triển công nghiệp hỗ trợ (SI) - bao trùm cả việc nội địa hóa - là một phần quan trọng của sự nghiệp công nghiệp hóa.

Người ta thường luận rằng: Đánh giá việc có làm chủ công nghệ hay không là ở chỗ có thể vận dụng công nghệ đó vào nhiều dây chuyền sản xuất ra các sản phẩm khác.

Chúng ta cần có nhiều xí nghiệp SI

Giả sử mỗi xí nghiệp đảm trách một sản phẩm SI thì ta cần 100 xí nghiệp cho 100 quá trình công nghệ. (Chắc rằng không ai làm đơn độc một sản phẩm). Để sản xuất ra một loại ô tô, hãng Toyota cần có 1.600 nhà cung cấp các loại chi tiết linh kiện. Hãng Mercedes cũng có khoảng 1.400 xí nghiệp cung cấp. Nếu suy rộng ra các ngành công nghiệp khác thì nước Nhật, nước Đức phải có vây cánh sản xuất tới hàng chục vạn xí nghiệp SI. Đương nhiên, chúng ta không nghĩ rằng Toyota Việt Nam sẽ từ bỏ phần lớn SI tại Nhật mà trông chờ vào SI Việt Nam hóa. Tuy nhiên, vì lợi ích kinh tế, ta có cơ hội thành lập hàng vạn SI tại Việt Nam.

Đây là cơ hội có thật vì đó là sự phát triển có tính cách quy luật của một nước muốn công nghiệp hóa thực sự. Đối với FDI các xí nghiệp được thành lập là thuộc công nghiệp hỗ trợ; nhưng đối với Việt Nam, họ là một loạt xí nghiệp mới phong cách mới, chế tạo ra các sản phẩm đạt quy chuẩn quốc tế (vì bắt buộc theo FDI).

Để có nhiều SI, chúng ta không chỉ chọn con đường độc đạo là mua hết công nghệ mà ta có nhiều lựa chọn nếu ta hiểu được bản chất công nghệ. Ai đã đi qua những bãi máy công cụ nước ngoài thải ra được các thương lái mua về trong đó có nhiều máy CNC (điều khiển số có máy tính) đều biết việc công nghiệp quận 5 TP HCM biết sử dụng độ chính xác còn giữ được của máy, tự lập trình trên máy (dùng phần NC) tạo những tọa độ chính xác cho dụng cụ cắt để chế tạo những phần chính xác của khuôn cối… Còn nghèo nên dân Việt Nam cũng biết chắt chiu đồng tiền bát gạo…

Trong hàng ngàn quá trình công nghệ cần thiết lập cho SI có thể chọn được hàng trăm đề tài nghiên cứu triển khai về công nghệ cho Bộ Khoa học - Công nghệ. Chắc hẳn những đề tài đó có giá trị sử dụng hơn một số đề tài "múa gậy vườn hoang".

Mỗi dân tộc có những truyền thống tốt đẹp của mình: lòng yêu nước, sự hy sinh khi bảo vệ Tổ quốc, nhưng truyền thống công nghiệp, tác phong công nghiệp thì cần kinh qua hoạt động công nghiệp một thời gian đủ dài. Các nước châu Âu cần tới hàng trăm năm.

Nếu để băng hoại truyền thống tốt đẹp, lại nhiễm lấy thói hư tật xấu của giai đoạn phi công nghiệp là một tội lớn với dân tộc. Vì vậy, nếu phát động được một nền công nghiệp trải khắp nước thì đó là tiền đề cho nền văn hóa công nghiệp: Đi trái đường, gây va chạm lại gây gổ với người khác thì khi vào xí nghiệp khó mà giữ được kỷ luật công nghệ của dây chuyền. Một kích thước làm sai ở nguyên công đầu là nguyên nhân gây nên phế phẩm ở nguyên công cuối. Tính trung thực, tính cộng đồng trách nhiệm là một điểm của đạo đức công nghiệp… một ví dụ chưa thể nói đủ. Câu ngạn ngữ: “Lành làm gáo, vỡ làm muôi” không còn đúng chỗ nữa.

Trở lại tình hình thực tế

Người viết xin phép dùng những dòng cuối cùng để bày tỏ lòng mong muốn các nhà lãnh đạo và quý độc giả quan tâm tới vấn đề cơ bản là tính khoa học công nghệ của SI để đánh giá đúng tầm quan trọng của nó. Tuy nhiên, việc nóng hổi nhất, cấp bách nhất hiện nay là tổ chức cho được hệ thống SI.

Nhiều ý kiến tâm huyết đã được nêu ra trong các bài báo. Nhưng hình như chúng ta đang trống dong cờ mở ở vòng ngoài. Cần có ai đó được chính quyền giao cho quyền lực, tập hợp liên ngành, các phía chủ thể, các chuyên gia tâm huyết để thảo ra đề cương hoạt động cơ chế, quy chế phân công trách nhiệm… nhằm thẳng vào việc tạo nên phong trào thành lập SI. Mong được chỉ giáo./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên