Công nghiệp hỗ trợ vẫn tập trung ở khối doanh nghiệp FDI
VOV.VN - Hiện có nhiều hồ sơ đề nghị xác nhận ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ nhưng tập trung phần lớn vào các doanh nghiệp FDI.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện nay việc nhập siêu linh kiện, phụ tùng cho các ngành công nghiệp còn rất lớn, khả năng tự cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) từ các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ lệ rất thấp, cụ thể như ngành dệt may, da giày mới chỉ đạt 40 – 45%; ngành sản xuất, lắp ráp ô tô mới đạt 7 – 10%; điện tử, viễn thông đạt 15%, điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ chỉ đạt 5%.
Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội.
Tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam do Văn phòng Chính phủ tổ chức sáng 19/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương – ông Trần Tuấn Anh cho biết, để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), thời gian qua đã có hàng loạt các văn bản liên quan được ban hành. Tuy nhiên, do nhu cầu hỗ trợ rất lớn nhưng nguồn kinh phí để phát triển còn hạn chế nên hiện có 35 hồ sơ đề nghị xác nhận ưu đãi trong lĩnh vực CNHT, nhưng các dự án này tập trung phần lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, hạn chế nhất hiện nay của CNHT là chính sách và khuôn khổ pháp luật được ban hành chậm, chưa đáp ứng thực tiễn và chưa đồng bộ như các chính sách về thuế, tín dụng, đất đai và môi trường nên chưa tạo ra cơ chế mạnh mẽ thúc đẩy ngành CNHT phát triển.
Bên cạnh đó, quy mô cũng như năng lực của doanh nghiệp CNHT ở Việt Nam còn hạn chế, số lượng còn ít. Cả nước mới chỉ có khoảng 2.000 doanh nghiệp nội địa và chỉ có 300 doanh nghiệp tham gia vào tập đoàn đa quốc gia nhưng hiện vẫn đang khó tìm nguồn cung ứng cho chuỗi sản xuất.
“Phần lớn doanh nghiệp CNHT có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trong khi đông đảo doanh nghiệp nước ngoài đang tham gia sâu vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu nên doanh nghiệp CNHT Việt Nam rất khó cạnh tranh. Năng lực sản xuất của doanh nghiệp CNHT trong nước còn yếu, sản phẩm chủ yếu là linh kiện, phụ tùng đơn giản có hàm lượng công nghệ còn thấp và chưa tuân thủ tiêu chuẩn theo chuỗi sản xuất của tập đoàn đa quốc gia”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.
Nguyên nhân, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, là dư địa để can thiệp bằng chính sách vào phát triển CNHT vẫn còn hạn chế do phải tuân thủ các cam kết quốc tế. Cùng với đó, dung lượng thị trường trong nước còn nhỏ, trong khi doanh nghiệp phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với các quốc gia. CNHT hiện chưa có các tập đoàn lớn tầm cỡ khu vực và toàn cầu, gần như không có sản phẩm công nghiệp chủ lực để tạo tính lan toả, dẫn dắt nền công nghiệp.
Nguyên nhân chủ quan là do trình độ doanh nghiệp nội địa chưa đáp ứng được yêu cầu chuỗi sản xuất, chất lượng các chính sách còn hạn chế, môi trường kinh tế mặc dù đã cải thiện nhưng vẫn chưa hấp dẫn thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp. Việc khởi tạo các doanh nghiệp công nghiệp chế tạo còn nhiều khó khăn và rủi ro.
Đó là chưa kể nguồn lực đầu tư của nhà nước còn quá ít ỏi, chưa tương xứng với quy mô; chính sách thu hút vốn FDI chưa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp CNHT nên chưa tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết với tập đoàn đa quốc gia.
Để phát triển CNHT thời gian tới, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cần quá trình kiên trì lâu dài. Nhà nước đóng vai trò là bà đỡ, đặc biệt hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ trong việc đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, chi phí gia nhập thị trường thấp, khuyến khích nguồn vốn tư nhân xã hội.
Các giải pháp tập trung là tiếp tục xây dựng hoàn thiện chính sách, thúc đẩy một số ngành công nghiệp ưu tiên phát triển, có chính sách ràng buộc và khuyến khích các địa phương trong bố trí ngân sách phát triển CNHT; thúc đẩy phát triển thị trường cho các ngành hạ nguồn, chú trọng ngành ô tô, điện tử, dệt may, da giày, ngành công nghiệp vật liệu, thu hút đầu tư.
Nâng cao năng lực doanh nghiệp trên cơ sở triển khai hiệu quả chương trình, bố trí vốn đầu tư xây dựng và phát triển 3 trung tâm hỗ trợ; hỗ trợ tín dụng, vốn vay, tháo gỡ vướng mắc thuế, hỗ trợ xử lý môi trường.../.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng: Đầu tư cho nghiên cứu phát triển CNHT ở nước ta chưa được chú trọng. CNHT phần lớn thuộc về các doanh nghiệp FDI hoặc doanh nghiệp trong nước phải thuê nghiên cứu ở nước ngoài. Doanh nghiệp CNHT mới chỉ nhìn đến thị trường trong nước, chưa nhìn được thị trường toàn cầu.
Ngay sau Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp phụ trợ. Các chính sách dài hạn sẽ giao Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành./.