Công nhân lao động và doanh nghiệp chung sức vượt qua dịch Covid-19

VOV.VN - Trước những tác động xấu của dịch Covid-19, người lao động, doanh nghiệp và các tổ chức liên quan cần sát cánh bên nhau để ứng phó với đại dịch.

Một tháng trở lại đây, công nhân lao động ở khu công nghiệp VSip tỉnh Bắc Ninh gặp khá nhiều khó khăn. Nguồn hàng không ổn định nên công việc không được đều đặn như trước. Có tuần làm, tuần nghỉ, thậm chí vài ngày có việc rồi lại nghỉ vài ngày, chứ đừng nói là được tăng ca kiếm thêm thu nhập như trước đây.

Ở những thời điểm khó khăn như thế này, mỗi công nhân lao động đều tự ý thức trách nhiệm và đoàn kết hơn để cùng công ty vượt khó. Với họ, công ty không chỉ là nơi làm việc giúp họ kiếm thêm thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình, mà còn là ngôi nhà thực sự với những đồng nghiệp thương mến cùng chia sẻ vui buồn khó khăn suốt nhiều năm qua.

“Em hài lòng với công việc hiện tại, môi trường làm việc ở đây khá tốt. Em học được thêm nhiều kinh nghiệm cuộc sống cần thiết khác nên dẫu nơi khác có trả mức lương cao hơn thì em cũng không muốn chuyển đổi công việc hiện có”, một công nhân đang làm việc tại công ty cho biết.

Công nhân lao động và doanh nghiệp cần chung sức vượt qua dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)

Dịch Covid-19 tiếp tục có nhiều biến động nghiêm trọng, các chuyên gia dự báo, tình hình lao động việc làm đặc biệt là các ngành dệt may, giày da và thủy sản sẽ càng khó khăn hơn. Trước mắt, nhiều doanh nghiệp xin hoãn, miễn đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn trong năm nay, thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019, VAT 2020 để dùng số tiền này trả lương cho lao động và tạo dòng tiền tốt hơn đảm bảo an sinh, trật tự xã hội.  

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, đơn vị này đang tập trung sản xuất các mặt hàng phòng chống dịch phục vụ thị trường trong nước và đàm phán với khách hàng, các nhà cung cấp nguyên liệu, lùi thời gian thanh toán để có đủ vốn tiếp tục duy trì sản xuất.

“Chúng tôi cũng đang tiếp tục giữ ổn định lao động, có thể phải giảm bớt giờ làm, cố gắng giữ được thu nhập trên mức tối thiểu để giữ được người lao động, ổn định an sinh xã hội. Trên cơ sở đó, chúng tôi có kiến nghị một số chính sách mà Nhà nước cần quan tâm, hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may trong giai đoạn này. Doanh nghiệp dệt may Việt Nam sản xuất mặt hàng phòng dịch được phép tổ chức sản xuất để xuất khẩu và không ảnh hưởng đến năng lực cung ứng thị trường trong nước”, ông Lê Tiến Trường nói.

Theo thống kê sơ bộ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), tính đến cuối tháng 3/2020, cả nước có khoảng gần 3 triệu người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, thiếu nguồn nguyên liệu và do doanh nghiệp không xuất khẩu được hàng hóa phải tạm dừng hoạt động, giải thể. Riêng quý 1, số người tới đăng ký làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp đã tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, nếu dừng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 4  đến tháng 12, các doanh nghiệp sẽ có số tiền là 12,8 nghìn tỷ đồng để đầu tư sản xuất. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung còn đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ lao động phải tạm ngưng việc trong giai đoạn khó khăn này.

“Nên có một chính sách cho doanh nghiệp vay tiền không lãi suất để trả lương cho người lao động trong giai đoạn tạm thời. Số lao động này là lao động đang tạm ngưng việc. Thời gian hỗ trợ là 3 tháng. Mức vay chỉ tập trung vào mức lương tối thiểu 3,71. Kinh phí đóng góp công đoàn  2% tức là khoảng 20.000 tỷ đồng/ năm, nên điều chỉnh mức có thể giảm 50%, như vậy chúng ta sẽ có một gói khoảng 10.000 tỷ đồng cho người lao động” ông Đào Ngọc Dung cho hay.

Các cấp công đoàn cơ sở đang phối hợp chặt chẽ với chủ sử dụng lao động kiểm soát tốt an toàn vệ sinh lao động tránh để dịch bệnh lan rộng, đảm bảo quyền lợi của những lao động phải cách ly vẫn được chi trả từ 60 - 70% lương và chế độ đãi ngộ.

Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: “Các cấp công đoàn chủ động, tích cực kịp thời triển khai các văn bản, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động biết được thông tin chủ động phòng chống nhằm hạn chế thấp nhất mức độ lây lan của dịch bệnh; bảo đảm sức khỏe cho người lao động cũng như động viên người lao động bình tĩnh, yên tâm lao động sản xuất, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, không để xảy ra nghỉ việc tập thể”.

Theo tổ chức Lao động quốc tế, dịch Covid-19 sẽ khiến khoảng 25 triệu người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm và rớt xuống dưới chuẩn nghèo. Nếu cộng đồng quốc tế sớm đưa ra giải pháp chính sách đối phó với tình hình này một cách đồng bộ như thế giới đã chứng kiến trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, thì tác động của dịch bệnh đến tình trạng thất nghiệp toàn cầu có thể giảm đi đáng kể./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhiều doanh nghiệp du lịch nguy cơ phá sản nếu dịch Covid-19 kéo dài
Nhiều doanh nghiệp du lịch nguy cơ phá sản nếu dịch Covid-19 kéo dài

VOV.VN - Các doanh nghiệp du lịch đang rất cần sự đồng hành và hỗ trợ từ chính quyền địa phương.

Nhiều doanh nghiệp du lịch nguy cơ phá sản nếu dịch Covid-19 kéo dài

Nhiều doanh nghiệp du lịch nguy cơ phá sản nếu dịch Covid-19 kéo dài

VOV.VN - Các doanh nghiệp du lịch đang rất cần sự đồng hành và hỗ trợ từ chính quyền địa phương.

Thấy gì từ con số 18.600 doanh nghiệp ngừng hoạt động trong quý 1?
Thấy gì từ con số 18.600 doanh nghiệp ngừng hoạt động trong quý 1?

VOV.VN - Có hai nhóm nguyên nhân khiến doanh nghiệp dừng hoạt động trong quý 1, trong đó phải kể đến tác động của đại dịch Covid-19.

Thấy gì từ con số 18.600 doanh nghiệp ngừng hoạt động trong quý 1?

Thấy gì từ con số 18.600 doanh nghiệp ngừng hoạt động trong quý 1?

VOV.VN - Có hai nhóm nguyên nhân khiến doanh nghiệp dừng hoạt động trong quý 1, trong đó phải kể đến tác động của đại dịch Covid-19.

Nhiều doanh nghiệp đau đầu xoay sở để cầm cự vượt qua dịch Covid-19
Nhiều doanh nghiệp đau đầu xoay sở để cầm cự vượt qua dịch Covid-19

VOV.VN - Nhiều doanh nghiệp đang điêu đứng vì khó khăn chồng chất khó khăn: bài toán về nguyên liệu, thị trường xuất khẩu, nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh…

Nhiều doanh nghiệp đau đầu xoay sở để cầm cự vượt qua dịch Covid-19

Nhiều doanh nghiệp đau đầu xoay sở để cầm cự vượt qua dịch Covid-19

VOV.VN - Nhiều doanh nghiệp đang điêu đứng vì khó khăn chồng chất khó khăn: bài toán về nguyên liệu, thị trường xuất khẩu, nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh…