Cử nhân công nghệ thông tin thu lãi 700 triệu đồng mỗi năm từ trồng mận hữu cơ
VOV.VN - Biết áp dụng khoa học kỹ thuật, mạnh dạn chuyển đổi phương pháp canh tác truyền thống sang trồng mận hậu theo hướng hữu cơ, gia đình anh Nguyễn Đình Thuận ở Mộc Châu (Sơn La) mỗi năm đã có thu nhập hàng tỷ đồng, từng bước làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Năm 2008, sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh hệ đào tạo từ xa, anh Nguyễn Đình Thuận ở thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La quyết định mở cửa hàng kinh doanh dịch vụ công nghệ thông tin, thiết bị điện tử cho các trường học và các xã, thị trấn ở huyện. Tuy nhiên, sau đó, nhận thấy gia đình có lợi thế về đất đồi, anh đã quyết định chuyển sang đầu tư sản xuất nông nghiệp.
Anh Thuận cho biết, sau khi tiếp quản trang trại, nương vườn của bố mẹ, anh đã vay thêm vốn từ người thân, Ngân hàng Chính sách xã hội và một số nguồn vốn khác để mua thêm đất, mở rộng diện tích vườn để trồng cây mận hậu. Vốn là cử nhân công nghệ thông tin, lúc đầu mới bắt tay vào sản xuất nông nghiệp, anh gặp không ít khó khăn.
“Khó khăn thì rất nhiều, đầu tiên là trên nương Mu Náu này không có nước, nên tôi phải xây rất nhiều bể để đến mùa mưa thì chứa nước dùng cho mùa khô. Thứ 2 là đường, ngày xưa không có đường xe máy, cũng không có đường ô tô nên là toàn phải dùng bằng ngựa; cả cái nương này ngày xưa trồng cỏ với trồng ngô để nuôi ngựa, sau khi có đường xe máy và đường ô tô thì tôi phá nương cỏ đi để trồng cây mận này”, anh Thuận chia sẻ.
Để trồng và chăm sóc mận hậu theo hướng hữu cơ, trước tiên, anh Thuận cắt tỉa khoảng 700 cây mận già, mận to đã trồng từ năm 1994; sau đó chăm sóc, bón phân theo quy trình oganic, mỗi tháng bón phân một lần, cứ một lần bón phân hữu cơ lại một lần bón phân vô cơ; đến cuối năm thì cắt tỉa, phun vôi, phun sun-phát đồng cho khỏi rêu; sau khi cắt tỉa xong lại bón phân theo đúng quy trình...
Cùng với chăm sóc vườn cây, anh Thuận cũng bàn bạc với người thân trong gia đình và các hộ lân cận đầu tư hơn 3 tỷ đồng để mở đường bê tông vào tận nương mận; vừa thuận lợi hơn cho quá trình chăm sóc cây mận, vừa vận chuyển sản phẩm khi thu hoạch đảm bảo dễ dàng.
“Tôi cảm thấy rất vui nhưng cũng đầy trách nhiệm, vì tôi làm theo mô hình này đầu tư rất nhiều, mà bây giờ mọi thứ rất đắt đỏ, phân đắt, công thợ đắt, tất cả đều ảnh hưởng đến chi phí; một năm tôi chi phí cho vườn mận hết khoảng 500 triệu đồng”, anh Thuận nói.
Hiện nay, gia đình anh Thuận đã có 5 hecta đất trồng cây mận hậu, trong đó hơn một nửa diện tích đang cho thu hoạch. Nếu chăm sóc đúng quy trình và thời tiết thuận lợi, không bị mưa đá, sương muối, sâu bệnh…, bình quân 1 năm, vườn mận của gia đình sẽ cho thu hoạch từ 45 đến 60 tấn quả; thậm chí có thể đạt 100 tấn nếu thu hoạch triệt để. Với giá bán dao động từ 15.000 đến 50.000 đồng/kg, mỗi năm, gia đình anh có thu nhập hàng tỷ đồng, trừ chi phí các loại cũng còn thu lãi từ 500 đến 700 triệu đồng.
Anh Thuận cũng thường tạo việc làm cho 20 đến 30 lao động thời vụ và từ 5 đến 7 lao động thường xuyên, với mức thu nhập hơn 5 triệu đồng/người/tháng.
“Trong mô hình phát triển kinh tế của Hội Nông dân thị trấn Mộc Châu thì có rất nhiều gương điển hình tiên tiến, trong đó có mô hình kinh tế của gia đình anh Nguyễn Đình Thuận là một trong những mô hình tiêu biểu của Hội Nông dân thị trấn Mộc Châu. Anh Thuận là một gương hội viên nông dân trẻ, nhiệt huyết và dám nghĩ, dám làm, tích cực tham gia các phong trào của Hội cũng như mạnh dạn tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Phạm Hoàng Thiện, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu cho hay.
Sản phẩm sạch luôn là xu hướng được người tiêu dùng lưạ chọn để đảm bảo sức khỏe tốt hơn. Việc phát triển mô hình trồng mận theo hướng hữu cơ của gia đình anh Nguyễn Đình Thuận không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, mà còn tạo ra nông sản an toàn, góp phần nâng cao sức khỏe người tiêu dùng, cũng như cải tạo và bảo vệ môi trường./.