Cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm đến tình hình kinh tế - xã hội
VOV.VN - Cử tri và nhân dân mong muốn kỳ họp này đặt ra giải pháp tháo gỡ ngay khó khăn nội tại, để đưa nền kinh tế quay lại đà phục hồi, không chỉ đạt được mục tiêu đề ra cho năm 2023 và là tiền đề phát triển cho những năm tới.
Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và nhân dân bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối vào vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Vui mừng phấn khởi với kết quả quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng nhất là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt, nói đi đôi với làm, thật sự không có ngoại lệ, không có vùng cấm, trở thành xu thế không thể đảo ngược, là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Đảng.
“Cử tri và nhân dân hoan nghênh Quốc hội đã kịp thời tổ chức các kỳ họp bất thường để xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước về chính sách phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, về xây dựng pháp luật, về công tác nhân sự… Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến sâu rộng của nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Hoạt động chất vấn, giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thu hút được sự quan tâm của đông đảo cử tri và nhân dân vì đã lựa chọn được nội dung trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, đúng những vấn đề nổi lên mà cử tri và nhân dân quan tâm. Từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, hàng tháng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều họp, cho ý kiến về công tác dân nguyện để đôn đốc, giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, cho ý kiến về những vấn đề nổi lên mà dư luận quan tâm”, ông Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cũng đề cập cử tri và nhân dân ghi nhận sự cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác điều hành, liệt, linh hoạt, hiệu quả; trình Quốc hội quyết định các chính sách tín dụng, thuế, hỗ trợ lao động tại các khu công nghiệp. Thường trực Chính phủ sâu sát thực tiễn thành lập nhiều tổ công tác để tháo gỡ khó khăn trong phục hồi phát triển kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Khánh thành 2 dự án đường cao tốc, giải quyết được một số dự án thua lỗ kéo dài; tập trung xử lý kịp thời một số hệ lụy sau đại dịch Covid - 19, bước đầu tháo gỡ khó khăn về thiếu thuốc và trang thiết bị y tế, phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân. Quan tâm bảo đảm an sinh xã hội, đã chi từ NSNN và vận động xã hội gần 7.000 tỷ đồng, cấp 20.000 tấn gạo cho người nghèo, người yếu thế đón Xuân, vui Tết Quý Mão.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng cho biết, do những bất ổn của tình hình thế giới tác động vào nước ta, các đơn hàng bị cắt giảm, lao động, việc làm, thu nhập của một bộ phận lao động rất khó khăn. Sản xuất kinh doanh của nhiều DN không hiệu quả, thua lỗ, thu nhập của người lao động ở nhiều ngành, nghề giảm sút khá nghiêm trọng, đời sống của một bộ phận người dân chưa được ổn định sau đại dịch Covid-19.
“Cử tri và nhân dân lo lắng nếu kéo dài tình trạng này sẽ dẫn đến nhiều DN tiếp tục rời khỏi thị trường, đời sống của người lao động sẽ khó khăn hơn. Do đó, cử tri và nhân dân mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh khác để bảo vệ sức khỏe của người dân, an toàn để phục hồi phát triển KTXH”, ông Chiến chuyển đề nghị.
Cùng với việc đẩy mạnh phục hồi phát triển kinh tế, cử tri và nhân dân cũng kiến nghị với Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư thêm để phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Nhiều cử tri và nhân dân mong muốn có được chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng văn hóa để xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Cử tri mong muốn đưa nền kinh tế quay lại đà phục hồi
Chia sẻ ý kiến bên lề kỳ họp, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho biết, đây là kỳ họp quan trọng, kỳ họp giữa nhiệm kỳ, vì vậy, cần phải nhìn lại những kết quả đã đạt được và đặt ra phương thức hành động để đến cuối nhiệm kỳ đạt được mục tiêu đề ra.
“Quốc hội và các đại biểu phải có cái nhìn toàn diện, tổng quát đề ra những giải pháp không chỉ trước mắt và dài hạn. Trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế đất nước cũng chịu tác động của bối cảnh kinh tế thế giới, với những khó khăn vướng mắc trong nội tại, tăng trưởng kinh tế quý I mặc dù đạt được mục tiêu đề ra nhưng mức tăng trưởng còn yếu, sẽ rất khó thực hiện kế hoạch phát triển KTXH cả năm 2023. Chính vì vậy, kỳ họp này phải đưa ra giải pháp tháo gỡ ngay khó khăn nội tại, để đưa nền kinh tế quay lại đà phục hồi, không chỉ đạt được mục tiêu đề ra cho năm 2023 và là tiền đề phát triển cho những năm tới”, ông Cường bày tỏ.
Cũng theo ông Cường, kỳ họp lần này nhân dân không chỉ quan tâm đến vấn đề đất đai, các vấn đề KTXH mà phải nhìn lại cả quá trình, những vấn đề vướng mắc hiện nay trong các dự án luật dự kiến thông qua trong kỳ họp này. Có nhiều dự án luật liên quan trực tiếp đến tháo gỡ vướng mắc về thể chế như Luật Đấu thầu, Luật giá, Luật Giao dịch điện tử…
“Tôi kỳ vọng việc sửa đổi các luật sẽ tạo ra sự thay đổi khá lớn, đó là khắc phục được những vấn đề tồn tại như chậm, kéo dài thời gian thực hiện dự án do thủ tục đấu thầu không hiệu quả; khắc phục sai phạm trong đấu thầu, định giá thời gian qua nhiều dự án đã phát hiện đều liên quan đến vướng mắc trong dự án luật. Đặc biệt, việc sửa đổi Luật Đấu thầu, Đấu giá kỳ này sẽ đưa ra khuôn khổ pháp lý để bịt được các kẽ hở, cũng là chỗ dựa vững chắc cho người thực thi trong quá trình quyết định các dự án đầu tư sẽ tránh được các sai phạm. Tôi kỳ vọng các quyết sách thay đổi đó sẽ tạo được các tiền đề tháo gỡ vướng mắc về thể chế kinh tế trước mắt cũng như thời gian tới”, ông Cường tin tưởng.
Theo Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương), kỳ họp lần này có Nghị quyết về phát triển KTXH năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 là những vấn đề cử tri rất quan tâm nhất. Bởi năm trước KTXH tăng trưởng 8,02% và năm nay được xác định là 1 năm khó khăn Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn này như thế nào. Ngoài ra, các Luật sẽ được thông qua trong kỳ họp này đang thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri như Luật Đất đai sửa đổi lần 2, Luật Tài nguyên nước sửa đổi lần đầu và các Luật Kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở…
“Đây là những Luật mang tính thời sự, tác động trực tiếp không chỉ đến đời sống của người dân, ảnh hưởng nhiều đén ngành kinh tế xã hội khác. Tất cả những vấn đề này đều được các cử tri quan tâm. Với tinh thần làm việc khẩn trương và quyết tâm của Chính phủ cùng sự đẩy mạnh của Quốc hội, việc triển khai thể chế hoá một số Nghị quyết của Đảng đã nêu và chưa hoàn thành như Nghị quyết 18 của Luật Đất đai hiện hành là điều nhiều cử tri mong muốn”, Đại biểu Nguyễn Quang Huân cho biết./.