Cửa hàng tiện lợi, kênh phân phối hiệu quả trong mùa dịch
VOV.VN - Khi nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách vì dịch, các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini đã phát huy được khả năng cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho người dân.
Thu nhập của người dân gia tăng cũng đồng nghĩa những nhu cầu thiết yếu, sinh hoạt đời sống của người dân cũng được nâng cao. Nắm bắt xu thế này, các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini mọc lên ngày một nhiều các ngõ ngách phố phường nhằm tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng.
Tiện lợi và an toàn trong mùa dịch
Không chỉ đáp ứng nhu cầu thiết yếu, tâm lý tiêu dùng của người dân về tính nhanh gọn, thuận tiện, các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi còn đảm bảo những yêu cầu về chất lượng, xuất xứ hàng hóa, tính thẩm mỹ, sạch đẹp... Đặc biệt, trong những đợt cao điểm của dịch Covid-19, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách, các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini đã phát huy được khả năng cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho người dân.
Nói về sự thuận tiện của các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, anh Hoàng Văn Độ ở chung cư 249A Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết, khi có nhu cầu mua đồ ăn, thức uống, chỉ cần đi cầu thang máy xuống dưới chân chung cư là đã có thể vào ngay siêu thị Thành Gia, đi thêm vài bước chân là Vinmart+, không thiếu bất cứ thứ gì từ thịt cá, rau củ quả, đến đồ gia dụng...Điều này ngoài việc tạo ra sự thuận tiện còn đảm bảo an toàn cho cộng đồng dân cư khi có dịch bùng phát.
“Mua sắm ở các cửa hàng tiện lợi có xuất xứ rõ ràng, hàng hóa được niêm yết giá, không phải mặc cả và an tâm về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như chủ trương phòng chống dịch Covid-19. 3 năm nay từ khi chuyển về khu chung cư này sống, tôi đã thay đổi thói quen mua sắm, thay vì mua ở các chợ dân sinh, cửa hàng tạp hóa, tôi chọn cửa hàng tiện lợi vì sự tiện lợi đúng nghĩa”, anh Độ cho biết.
Nếu như trước đây, cứ mỗi dịp cuối tuần, chị Kiều Nga (Giang Văn Minh, Ba Đình, Hà Nội) lại đến các siêu thị lớn để mua sắm những mặt hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ sinh hoạt trong một tuần, nhưng nay thói quen này đã được thay đổi.
Theo chia sẻ của chị Nga, từ ngày gần nhà mọc lên các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, nhà chị không còn phải tích trữ thực phẩm trong tủ lạnh để dùng dần như trước mà hàng ngày chỉ càn dành 10 -15 phút là có thể mua được đồ tươi ngon về chế biến bữa ăn cho cả nhà. “Mua hàng ở các chuỗi cửa hàng tiện lợi hoàn toàn yên tâm về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như các yếu tố thuận tiện, nhanh chóng về thời gian lại đảm bảo phòng chống dịch bệnh”, chị Nga nói.
Kênh bán hàng truyền thống vẫn còn nhiều dư địa
Theo xu thế và nhu cầu chung, khi hệ thống các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini xuất hiện ngày càng nhiều đã đặt ra một thách thức lớn đối với các kênh bán hàng truyền thống như cửa hàng tạp hóa, truyền thống, chợ dân sinh trước những nguy cơ bị biến mất khỏi thị trường.
Phải chăng đó là sự quan ngại cũng như lời cảnh báo đối với “số phận” của các kênh bán lẻ truyền thống? Nhất là khi Việt Nam đã mở cửa sâu rộng, sự thâm nhập của các đại gia bán lẻ nước ngoài với cơ sở hạ tầng hiện đại, cung cách phục vụ thân thiện… chắc chắn sẽ là mối đe dọa lớn đối với các cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống của Việt Nam.
Theo nhận định của TS. Lê Huy Khôi (Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công thương (Bộ Công thương), trong nhiều năm trở lại đây, sự gia tăng ngày càng mạnh siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi cho thấy sự bắt nhịp của các DN trong nước trước xu thế mới của hội nhập.
“Chúng ta thấy sự xuất hiện len lỏi của các siêu thị nhỏ vào từng ngõ ngách, khu dân cư. Đây cũng là một thế mạnh của ngành bán lẻ nước nhà trước sự thâm nhập mạnh mẽ của các nhà bán lẻ ngoại”, ông Khôi nêu quan điểm.
Mặc dù bày tỏ những lo ngại về sự tồn tại của các kênh bán hàng truyền thống, song theo TS. Khôi, đây vẫn là kênh còn nhiều dư địa vì thói quen tiêu dùng của người Việt Nam vẫn chuộng kênh truyền thống. Đặc biệt, các hệ thống siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi cũng chưa thể vươn xa được đến các khu vực nông thôn, vùng sâu xa, miền núi, do đó, các kênh bán lẻ truyền thống vẫn có nhiều “đất sống”.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, với xu hướng tiêu dùng ngày càng thay đổi của người dân Việt Nam chuộng sự tiện ích và cung cách phục vụ ân cần, niềm nở cũng như các yếu tố khác… thì các kênh bán hàng truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa) rất cần phải có sự thay đổi, cải tiến mạnh mẽ mới có thể cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay./.