Cục đăng kiểm phản hồi về việc sử dụng vật liệu PPC trong đóng tàu
VOV.VN - Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa thông tin về việc sử dụng vật liệu polypropylen copolyme (PPC) trong chế tạo phương tiện thủy nội địa.
Theo Cục đăng kiểm, thời gian qua, một số cơ quan báo chí đã có thông tin khác nhau về việc sử dụng vật liệu PPC, trong đó có một số thông tin chưa chính xác liên quan đến quy định về chế tạo và đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.
Cụ thể, ngày 20/12/2016, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ký Thông tư số 43/2016/TT-BGTVT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 95: 2016/BGTVT) về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa chế tạo bằng vật liệu polypropylen copolyme (gọi tắt là vật liệu PPC). Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 28/7/2017.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 95: 2016/BGTVT là căn cứ để thiết kế, chế tạo và kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường đối với phương tiện thủy nội địa chế tạo bằng vật liệu PPC theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Ảnh minh họa |
Vật liệu PPC có các ưu điểm như nhẹ, dễ sản xuất, không cần sơn chống ăn mòn, không hấp thụ nhiệt. Tuy nhiên, theo tài liệu và thông tin do nhà sản xuất vật liệu này cung cấp, cũng như các kết quả có được từ việc thử nghiệm vật liệu này cho thấy PPC còn có nhiều hạn chế như dễ cháy, dễ biến dạng nhiệt, độ bền không cao, bị rão và đặc tính cơ học sẽ suy giảm theo thời gian.
Đánh giá về vật liệu PPC và việc nghiên cứu thử nghiệm tại Việt Nam, Cục ĐKVN đã trao đổi với các tổ chức đăng kiểm hàng đầu thế giới như Ấn Độ (IRS), Nhật Bản (NK), Nga (RS), Hàn Quốc (KRS), Pháp (BV),… được biết các tổ chức đăng kiểm này đều chưa từng đăng kiểm tàu, thuyền chế tạo bằng vật liệu PPC cũng như chưa có quy chuẩn, quy phạm về tàu đóng bằng vật liệu này.
Đồng thời, từ ngày 11/1 - 15/1/2016, Đoàn công tác bao gồm các thành viên của Vụ Khoa học công nghệ - Bộ GTVT và Cục ĐKVN đã sang Cộng hòa Séc để thăm và làm việc với Tổ chức CS Lloyd, Công ty Rochling (Cộng hòa Liên bang Đức, là nhà chế tạo vật liệu PPC) và khảo sát thực tế việc sản xuất, sử dụng tàu thuyền chế tạo bằng vật liệu PPC tại Cộng hòa Séc.
Đoàn công tác đã tham quan tìm hiểu thực tế, đồng thời được Tổ chức CS Lloyd cho biết tại Cộng hòa Séc: PPC mới chỉ sử dụng để chế tạo tàu thuyền vui chơi giải trí, tàu thuyền công tác với chiều dài lớn nhất không quá 17m, sức chở tối đa không quá 12 người; tại thời điểm khảo sát, phía đối tác cho biết, không còn bất cứ cơ sở nào chế tạo phương tiện thủy, tàu thuyền vui chơi giải trí bằng vật liệu PPC; trang thiết bị và công nghệ của cơ sở chế tạo tàu thuyền bằng vật liệu PPC duy nhất tại nước này đã được chuyển giao sang Việt Nam.
Tổ chức CS Lloyd cũng cho biết, họ chỉ có Hướng dẫn T-202 về “Vật liệu và hàn vật liệu phi kim loại - nhựa” và sử dụng một số tiêu chuẩn về nhựa nói chung của châu Âu (không phải tiêu chuẩn chuyên dùng cho đóng tàu) phục vụ cho việc giám sát kỹ thuật tàu đóng mới bằng vật liệu PPC.
Về thử kéo mẫu vật liệu PPC lấy từ tàu đã qua sử dụng: Cục ĐKVN và Công ty cổ phần công nghệ James Boat đã lấy mẫu vật liệu từ tàu đóng bằng vật liệu PPC đã qua sử dụng đang được lưu giữ tại nhà xưởng của công ty này để tiến hành thử nghiệm theo quy định. Các kết quả thử nghiệm trên một số mẫu đều cho trị số ứng suất chảy và ứng suất kéo lớn nhất của vật liệu là tương đương nhau trong khoảng từ 22 MPa đến 25 MPa.
Doanh nghiệp đóng tàu thuyền thiệt hại nhiều tỷ đồng do liên tục “vấp” đăng kiểm
Trong nước hiện có 2 doanh nghiệp dùng PPC để chế tạo phương tiện thủy (Công ty cổ phần công nghệ James Boat, Công ty cổ phần Công nghệ Việt Séc). Hai cơ sở này nhập khẩu vật liệu PPC, thiết bị, công nghệ và dùng PPC chế tạo thử nghiệm phương tiện thủy nội địa từ trước khi Thông tư 43 được ban hành.
Để đáp ứng nhu cầu chế tạo phương tiện thủy nội địa của các doanh nghiệp trong nước nhằm mang lại hiệu quả kinh tế, đồng thời, làm cơ sở thu thập dữ liệu và kinh nghiệm cho việc xây dựng quy chuẩn với mục tiêu áp dụng cho mọi loại phương tiện thủy chế tạo bằng PPC, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục ĐKVN vận dụng các quy chuẩn kỹ thuật tương đương để kiểm tra kỹ thuật, cấp chứng nhận đăng kiểm cho 11 phương tiện có sức chở từ 12 người trở xuống (không kể thuyền viên và người lái phương tiện) và 2 bến nổi; cấp hồ sơ đăng kiểm thử nghiệm cho 2 tàu khách là Ferry 42 có sức chở 32 người (không kể thuyền viên) và Ferry 56 có sức chở 56 người (không kể thuyền viên).
Hai tàu khách này đã và đang được sử dụng thử nghiệm tại vịnh Nha Trang và hiện là các tàu khách lớn nhất thế giới chế tạo bằng vật liệu PPC. Hiện tại, Cục ĐKVN tiếp tục theo dõi tình trạng kỹ thuật của các phương tiện chế tạo bằng vật liệu PPC. Kết quả thử nghiệm trong thời gian vừa qua cho thấy: Đối với 11 phương tiện có sức chở từ 12 người trở xuống, đến nay các đơn vị sử dụng đều không có phản hồi hoặc thông báo về việc các phương tiện này không bảo đảm an toàn hoặc có khiếm khuyết.
Đối với tàu khách Ferry 42 và Ferry 56: tháng 11/2014, Công ty cổ phần Công nghệ James Boat có văn bản số 171114/JBT-VN đề nghị Bộ GTVT và Cục ĐKVN cho đóng thử nghiệm phương tiện Ferry 42 và Ferry 56 để có mẫu sản phẩm thử nghiệm nhằm mục đích đánh giá kết quả ứng dụng vật liệu PPC vào thiết kế, chế tạo phương tiện thủy. Sau khi xin ý kiến của các cục, vụ liên quan, Bộ GTVT đã có văn bản số 4497/BGTVT-KHCN ngày 10/4/2015 chấp thuận đề xuất của Công ty công nghệ James Boat thiết kế, chế tạo, thử nghiệm phương tiện Ferry 42 và Ferry 56 trong thời gian không quá 3 năm, làm cơ sở nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng vật liệu PPC trong đóng tàu thủy Việt Nam.
Thực hiện văn bản chỉ đạo này của Bộ GTVT, Cục ĐKVN đã tiến hành việc thẩm định thiết kế, kiểm tra, giám sát trong quá trình chế tạo, cấp hồ sơ đăng kiểm cho phương tiện Ferry 42 và Ferry 56 hoạt động thử nghiệm với các yêu cầu chặt chẽ phải tuân thủ trong quá trình khai thác để bảo đảm an toàn cho con người và phương tiện.
Theo báo cáo mới nhất của đơn vị sử dụng là Công ty cổ phần VinPearl tại văn bản số 37/CV-VPL/2017 ngày 15/02/2017: tàu Ferry 42 thường xuyên hư hỏng máy nên hiện tại chỉ dùng để hỗ trợ vận chuyển hành lý khi cần thiết; tàu Ferry 56 đã dừng hoạt động từ ngày 07/10/2015 vì hai máy chính bị hỏng do nước biển tràn vào, đến ngày 07/11/2016 đã khắc phục sự cố và được cấp hồ sơ đăng kiểm để hoạt động trở lại, nhưng hiện rất ít hoạt động, chủ yếu vận hành để duy trì, bảo dưỡng. Hiện nay việc thử nghiệm vẫn đang được tiếp tục theo đúng chỉ đạo của Bộ GTVT để thu thập số liệu, kinh nghiệm nhằm mục đích xây dựng, hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật tàu PPC.
Trên thế giới, chưa có nước nào hay tổ chức đăng kiểm nào có quy chuẩn, quy phạm về tàu đóng bằng vật liệu PPC và vật liệu này mới chỉ được sử dụng để chế tạo tàu thuyền vui chơi giải trí, tàu thuyền công tác với chiều dài lớn nhất không quá 17 m, sức chở tối đa không quá 12 người. Chưa có nước nào thực hiện việc thử nghiệm đối với tàu, thuyền có sức chở trên 12 người bằng vật liệu PPC.
Vật liệu PPC có những nhược điểm cần phải xem xét thận trọng khi sử dụng trong đóng tàu thuyền, đó là: PPC là vật liệu dễ cháy, dễ biến dạng nhiệt, mật độ quang của khói khi cháy cao hơn mức cho phép, có ứng suất chảy cho phép thấp hơn nhiều so với các loại vật liệu đóng tàu; đồng thời, vật liệu PPC bị rão (creep) và đặc tính cơ học sẽ suy giảm theo thời gian do tác động của các yếu tố về điều kiện làm việc như nhiệt độ, tải trọng, liên kết hàn, môi trường./.