Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Dòng đầu tư vào Việt Nam có chao đảo?
VOV.VN - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể làm chao đảo dòng đầu tư vào Việt Nam.
Tại buổi toạ đàm công bố báo cáo Kinh tế vĩ mô quý II/2018 do Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức tại Hà Nội chiều 11/7, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, thương mại với Trung Quốc luôn là vấn đề phải quan tâm.
Dòng đầu tư vào Việt Nam có thể sẽ chao đảo do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. (Ảnh minh họa: KT) |
Bà Lan lưu ý, Trung Quốc là nước tăng nhập khẩu từ Việt Nam, là nhà nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam, và chuyện vấn nạn xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc không còn mới.
Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng quan ngại, tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể làm chao đảo dòng đầu tư vào Việt Nam.
"Có thể đầu tư vẫn vào Việt Nam nhưng không loại trừ có những loại đầu tư mình không mong muốn", bà Lan nhận định.
Trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với khoảng 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu, Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc với khoảng 1/4 tổng kim ngạch nhập khẩu. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và sự mất giá của đồng Nhân dân tệ thời gian qua có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam, Viện trưởng VEPR đánh giá.
Để đối phó với tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, TS. Thành khuyến nghị, Việt Nam nên theo đuổi chính sách tỷ giá mềm dẻo, giảm giá đồng Việt Nam so với USD nhưng không giảm mạnh bằng Nhân dân tệ.
Hiện nay, đồng VND vẫn đang được neo giá theo đồng USD. Khi đồng Nhân dân tệ mất giá, cán cân thương mại của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng do hàng hóa Trung Quốc giá rẻ ồ ạt chảy vào thị trường nội địa.
Viện trưởng VEPR phân tích, với đặc thù là một nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc để chế biến và xuất khẩu, việc điều chỉnh tỷ giá như vậy khiến các nhà nhập khẩu nguyên liệu có lợi từ thị trường Trung Quốc, đồng thời các nhà nhập khẩu có lợi thêm từ việc xuất khẩu.
Đề cập đến tỷ giá, chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết, từ tháng 4 đến thời điểm này đồng Nhân dân tệ đã mất giá 5,4% trong 3 tháng khi Mỹ bắt đầu nhăm nhe trừng phạt Trung Quốc còn Việt Nam giữ ổn định với đồng USD nên đã lên giá so với đồng Nhân dân tệ.
"Chính phủ Trung Quốc giảm dự trữ ngoại tệ, đối phó với Mỹ, Chính phủ Trung Quốc đã giảm giá Nhân dân tệ bù trừ cho thiệt hại đã đang xảy ra và họ đã phá giá động thái rất mạnh. Tôi cho rằng Trung Quốc còn nhiều room để phá giá đồng Nhân dân tệ", TS. Hiếu nhận định.
Chuyên gia này lưu ý: Từ nay đến cuối năm cuộc chiến tranh thương mại Trung – Mỹ tiếp tục và biện pháp đáp trả của Trung Quốc mạnh mẽ hơn, Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng Nhân dân tệ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến Việt Nam. Việc nhập siêu với Trung Quốc có thể sẽ mạnh hơn./.