Cuộc đua tranh ngoạn mục trên thị trường bán lẻ Việt Nam
VOV.VN - Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất khu vực, phát triển tích cực cả về khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư...
Thị trường bán lẻ Việt Nam sau 10 năm mở cửa hoàn toàn đã có nhiều thay đổi khó lường. Sự cạnh tranh khốc liệt ở thị trường bán lẻ dự kiến có quy mô 180 tỷ USD vào năm 2020 khiến một số đại gia bán lẻ toàn cầu phải “tháo chạy” sau thời gian thua lỗ.
Thị trường bán lẻ Việt Nam đã phát triển rất mạnh mẽ. (Ảnh minh họa) |
Về cơ hội và thách thức trên thị trường này, Báo Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam.
PV: Thưa bà, vì sao khi Việt Nam ký kết WTO lại lùi thời gian cam kết mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ 2 năm? Phải chăng do ngành bán lẻ có sức cạnh tranh yếu?
TS. Đinh Thị Mỹ Loan: Khi chúng ta gia nhập WTO thì một trong những cam kết đó là mở cửa thị trường bán lẻ theo lộ trình và đến ngày 1/1/2009 mới mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ cho các doanh nghiệp nước ngoài. Ngành bán lẻ của nước ta đến thời điểm gia nhập WTO còn non trẻ, cho nên để đạt được sự công bằng với các quốc gia khác tham gia WTO, trong đó nhiều nước thành viên đã phát triển về kinh tế, đã có một lộ trình dành riêng cho các nước đang phát triển, trong đó có bán lẻ.
PV: Sau 10 năm mở cửa, theo đánh giá của bà, sự phát triển của thị trường bán lẻ có như những gì chúng ta đã dự tính?
TS. Đinh Thị Mỹ Loan: Cách đây 10 năm, khi chúng ta bắt đầu mở cửa thị trường, có nhiều ý kiến cho rằng mở cửa thị trường trong bối cảnh hệ thống phân phối bán lẻ nước ta rất non trẻ sẽ dễ bị các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm tực tài chính cũng như kinh nghiệm thương trường lấn át trên thị trường, gây đổ vỡ và thiệt hại cho các nhà bán lẻ nội địa. Tuy nhiên, thực tế 10 năm cho thấy chúng ta không phải quá lo lắng về khả năng phát triển của các nhà bán lẻ Việt Nam.
Sau 10 năm, thị trường đã phát triển rất mạnh mẽ. Điều này được chứng minh qua các con số thể hiện mức tăng trưởng của tổng mức luân chuyển hàng hóa dịch vụ bán lẻ, năm nào cũng tăng trưởng đều đặn hằng năm ở mức xấp xỉ 10%, là một trong những ngành luôn luôn có mức tăng trưởng dương, mức tăng trưởng thường xuyên cao hơn tăng trưởng GDP, thậm chí có thời điểm tăng gấp 150% so với tăng trưởng GDP. Và thị trường bán lẻ có sự phát triển về mạng lưới, về chất lượng phục vụ cũng như số lượng hàng hóa đưa ra thị trường.
PV: Cách đây 10 năm, chúng ta có suy nghĩ là cần phải đưa ra những mô hình thương mại mới như trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị hiện đại. Thời điểm ấy, có những quan điểm cho rằng mô hình bán lẻ nhỏ lẻ sẽ không có khả năng phát triển. Thế nhưng thực tế bây giờ đã chứng minh những nhận định ấy không hoàn toàn chính xác phải không, thưa bà?
TS. Đinh Thị Mỹ Loan: Thực ra thì trong 10 năm cũng có rất nhiều thay đổi. Ví dụ như trước đây chúng ta cho rằng với sự phát triển hết sức mạnh mẽ của bán lẻ hiện đại thì hình thức bán lẻ truyền thống, các cửa hàng nhỏ lẻ có thể sẽ bị phá sản hoặc bị ảnh hưởng rất nặng nề. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng bản thân bà con tiểu thương, những người bán lẻ truyền thống cũng rất nỗ lực cạnh tranh với các phương thức bán lẻ hiện đại. Nhờ vậy, đến thời điểm này, bán lẻ truyền thống vẫn chiếm đại đa số thị trường bán lẻ Việt Nam.
Còn bán lẻ hiện đại cũng có cuộc đua tranh hết sức ngoạn mục. Các định dạng bán lẻ ở Việt Nam cũng đang phát triển khá tốt. Tuy nhiên, thực tiễn khoảng vài ba năm gần đây cho thấy các mô hình nhỏ hoạt động khá hiệu quả, chứng tỏ một câu khá nổi tiếng ở nước ngoài, đó là “Small is beautiful” (nhỏ là đẹp). Các hình thức mini shop, cửa hàng tiện lợi sau một thời kỳ có vẻ như là bị thoái trào trong những năm đầu tiên vào Việt Nam, thì bây giờ phát triển khắp nơi và mang lại rất nhiều sự tiện lợi cho người tiêu dùng hiện đại.
PV: Như vậy có thể nói là rất khó để đoán định được thị trường bán lẻ, thưa bà?
TS. Đinh Thị Mỹ Loan: Không, những thay đổi trong thực tế hoàn toàn không có nghĩa là chúng ta không thể đoán định được khuynh hướng phát triển cho thị trường bán lẻ. Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, hướng phát triển sắp tới của thị trường là phát triển một ngành công nghiệp dịch vụ bán lẻ hiện đại, vì người tiêu dùng, năng động, mở cửa, hội nhập và văn minh.
Nghe thì có vẻ như chúng tôi đang hô khẩu hiệu, nhưng sự thực đây là yêu cầu từ cuộc sống, yêu cầu từ người tiêu dùng mà tất cả các doanh nghiệp và những người tham gia thị trường bán lẻ đều phải nỗ lực rất nhiều. Hiện đại không chỉ về cơ sở vật chất mà còn hiện đại về lực lượng lao động, không chỉ những người trực tiếp bán hàng mà còn các tầng lớp quản lý, những người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào chuỗi sản xuất - cung ứng, các nhà quản trị cấp trung và cấp cao.
Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam |
PV: Cách đây 10 năm bà cũng từng băn khoăn rất nhiều về vấn đề nhân lực đối với thị trường bán lẻ. Cho đến thời điểm này, bà thấy đội ngũ nhân lực đó như thế nào và Hiệp hội có những biện pháp gì để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực?
TS. Đinh Thị Mỹ Loan: Chúng ta đã có rất nhiều cố gắng và đã có những kết quả bước đầu. Có thể nói là ở các cơ sở bán lẻ, không phải chỉ ở những định dạng bán lẻ như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi thì nhân viên bán hàng mới được đào tạo bài bản, mà ngay tại các cửa hàng nhỏ lẻ, cửa hàng tạp hóa hay ở chợ thì mọi người cũng đều đã chuyển theo chiều hướng văn minh hơn, hiện đại hơn, dịch vụ tốt hơn. Tuy nhiên vẫn còn phải làm rất nhiều để lực lượng bán lẻ vừa tinh nhuệ, vừa hiện đại, có phong cách phục vụ hết lòng vì người tiêu dùng.
Theo tôi, thị trường bán lẻ Việt Nam đang phát triển tích cực cả về khả năng cạnh tranh cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, khi vẫn được đánh giá là một trong những thị trường hấp dẫn nhất khu vực.
PV: Xin cảm ơn bà! Hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ 60% tại các kênh bán lẻ nội địa truyền thống
Những tên tuổi bán lẻ ngoại chia tay Việt Nam
Thị trường bán lẻ Việt Nam có thực sự là “miếng mồi” béo bở?