Cuối năm, áp lực lạm phát vẫn tồn tại
Từ nay đến cuối năm 2016 có nhiều yếu tố dự báo sẽ gây áp lực lên CPI, đặc biệt khi các mặt hàng y tế và giáo dục được đồng loạt điều chỉnh.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nhìn lại CPI 6 tháng đầu năm 2016 đã tăng liên tục trong 5 tháng là hiện tượng hiếm thấy trong 20 năm qua. Dự báo tốc độ lạm phát chung cho cả năm 2016 sẽ ở mức khoảng 4,2%. Tuy nhiên, không loại trừ việc lạm phát sẽ vượt qua mức mục tiêu 5% của Chính phủ bởi mặt bằng giá có thể sẽ có những diễn biến phức tạp.
Chỉ số giá tiêu dùng có thể vẫn sẽ tăng cao vào dịp cuối năm (Ảnh minh họa) |
Mặt bằng giá phức tạp
Cụ thể, theo PGS. TS Ngô Trí Long, những yếu tố ngoại sinh ảnh hưởng trực tiếp gồm: thị trường thế giới và biến đổi khí hậu gây xáo trộn trên thị trường lương thực, việc Anh rời khỏi EU… Bên cạnh đó, những yếu tố nội sinh như khả năng kiểm soát cung tiền của Ngân hang nhà nước (NHNN) và biến động của tổng cầu.
Theo ông Long, dù mức lạm phát 6 tháng đầu năm còn thấp và cách khá xa mục tiêu kiểm soát, song đây vẫn là một biến số khó lường và đòi hỏi cẩn trọng trong điều hành. Bởi lẽ, từ nay đến cuối năm 2016 có nhiều yếu tố dự báo sẽ gây áp lực lên CPI, đặc biệt khi các mặt hàng y tế và giáo dục được đồng loạt điều chỉnh, thiên tai, thời tiết mất mùa; tăng lương cơ bản; độ trễ của tăng cung tiền; áp lực tỷ giá… Giá cả nhập khẩu tính bằng USD tăng so với các tháng trước cũng là một yếu tố gây ảnh hưởng không nhỏ. Ngoài ra, cũng phải kể đến lãi suất vay ngân hàng còn cao, tiền thuê địa điểm sản xuất kinh doanh khá lớn, các phí “bôi trơn” khá phổ biến…
“Những yếu tố này đã làm giảm, thậm chí triệt tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp (DN). DN muốn sống được phải tìm cách nâng giá bán bằng cách nâng đơn giá, giảm lượng, cân đo thiếu… Trong khi yếu tố sâu xa, tiềm ẩn của lạm phát là hiệu quả đầu tư và tốc độ tăng năng suất lao động lại thấp hơn năm trước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại và không đạt được mục tiêu” - ông Long khẳng định.
Không nên quá lo lắng về lạm phát
Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế và tổ chức khác lại dự báo lạc quan hơn, lạm phát năm nay sẽ tăng khoảng 3,5 - 4% so với cuối năm ngoái, trước khi tăng mạnh hơn vào năm 2017. Với mức tăng này, theo các chuyên gia kinh tế thì chưa có gì quá đáng lo ngại và một phần rất lớn trong dự báo lạm phát tăng lên này là do điều chỉnh giá dịch vụ.
Đồng tình với quan điểm không nên quá lo lắng về lạm phát 2016, chuyên gia Ngô Trí Long nhận định, nguyên nhân quan trọng đẩy lạm phát năm 2016 là do yếu tố tiền tệ tác động. Dẫu vậy, không thể chủ quan bởi nhiều khả năng mục tiêu lạm phát không quá 5% của năm 2016 sẽ bị phá vỡ nếu không kiểm soát chặt lượng cung tiền ra nền kinh tế. Đặc biệt, cần cẩn trọng với nguy cơ hứng khởi quá đà của thị trường bất động sản - lĩnh vực cho thấy cầu của nền kinh tế đã có sự khởi sắc mạnh.
Báo cáo của Tạp chí The Economist về tình hình Việt Nam 2016 cũng đã đưa ra nhận xét: Áp lực lạm phát ở Việt Nam vẫn ẩn chứa trong năm nay. Giá cả sẽ tăng với tốc độ nhanh hơn một chút. Áp lực lạm phát từ phía cầu cũng sẽ mạnh hơn. Dù vậy, Economist cho rằng mức tăng của lạm phát từ nay đến 2018 sẽ ở mức độ vừa phải, chứ không tăng sốc như giai đoạn 2011-2015. Economist cũng dự báo rằng NHNN sẽ có động thái để lạm phát không tăng đột biến bằng chính sách thắt chặt tiền tệ thực hiện từ năm 2017 và 2018.
Dẫu vậy, ông Long cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay khó có thể đạt được. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế cả năm 2016 sẽ ở mức 6% cho kịch bản thấp, và dưới 6,5% ngay cả trong trường hợp có nhiều điều kiện thuận lợi hơn. Do đó, mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho năm 2016 do Quốc hội đề ra nhiều khả năng không thể đạt được. Theo đó, ông Long đề xuất, để kiềm chế lạm phát dưới 5%, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung, cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế, làm tốt công tác phân tích, dự báo thông tin thị trường./. Lạm phát cả năm 2016 sẽ ở khoảng 3,5 - 4%