Cuối năm và chuyện những con số đẹp
VOV.VN - Có những con số đi ra từ các báo cáo đã khiến người ta nghi ngờ, càng tệ hơn khi sự nghi ngờ đó lại đúng vào những lĩnh vực quan trọng.
Cuối năm là dịp của những cuộc hội nghị tổng kết. Sẽ không có gì đáng phải bàn nếu những con số từ các bản báo cáo khiến mỗi người, mỗi ngành, mỗi địa phương ý thức hơn về trách nhiệm của mình đối với những việc làm được và chưa được để tiếp tục phấn đấu. Đằng này, có những con số đi ra từ các báo cáo đã khiến người ta nghi ngờ. Càng tệ hơn nếu sự nghi ngờ đó lại đúng vào những lĩnh vực liên quan đến sự phát triển đi lên của đất nước.
Không chỉ các nhà lãnh đạo, các chuyên gia cần đến những con số để điều chỉnh chiến lược, vạch ra quyết sách phù hợp với mục tiêu phát triển của đất nước mà người dân, doanh nghiệp cũng rất cần đến các số liệu để làm cơ sở định hướng làm ăn, kế hoạch học tập, đào tạo, cách ứng xử sao cho phù hợp với các qui tắc xã hội và giám sát hoạt động của chính quyền.
|
Vì vậy, sẽ rất ý nghĩa nếu những bản báo cáo chỉ gồm những con số phản ánh chân thực, khách quan cuộc sống. Không thể đánh đồng mọi con số do các cơ quan chức năng đưa ra là không sát với thực tiễn. Nhưng quả thật mấy năm gần đây, dư luận rất băn khoăn với không ít số liệu được công bố.
Không ai mong đất nước có tham nhũng. Nhưng cũng không ai vui mừng, xem là thành tích khi nghe một số địa phương báo cáo không có tham nhũng, đặc biệt là những địa phương giữ vị trí là “đầu tàu” nọ, “trung tâm” kia của đất nước! Những con số kiểu này liệu đã phản ánh đúng thực tế khi chúng ta xem tham nhũng là “quốc nạn”?
Trên nhiều diễn đàn, trong không ít nghị quyết, chúng ta từng thừa nhận tham nhũng có trong “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”. Các tổ chức quốc tế luôn xếp Việt Nam vào nhóm có thứ hạng thấp về chỉ số minh bạch, chỉ số nhận thức tham nhũng.
Mới đây, khi tiếp xúc cử tri thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã phải xót xa nói rằng: “Tại sao nước mình anh hùng trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm hàng nghìn năm, hàng trăm năm oanh liệt như thế mà nạn tham nhũng lại đứng thứ hạng trên 100. Bê bối quá, không thể chấp nhận được!”
Còn bao nhiêu con số nữa được các tập đoàn, doanh nghiệp nêu ra khi trong năm thì liên tục kêu lỗ để đòi giảm thuế, tăng giá bán, nhưng cuối năm thì lương thưởng cao ngất ngưởng; hoặc khi cần bán cổ phiếu thì lại báo lãi khủng; rồi nếu như số liệu về thực phẩm bẩn không quá khiêm tốn thì chắc người dân không kêu bị “thực phẩm bẩn bủa vây”; tỉ lệ bệnh nhân ung thư liên quan đến ăn uống không thể tăng cao như hiện nay. “Vì sao hơn 85% gia đình đạt chuẩn văn hóa mà đạo đức xã hội vẫn xuống cấp”? Vì sao “nhà lá mà phải xây cổng bê tông” để xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới? Những hoài nghi về chỉ số trung thực trong việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức đến bao giờ mới chấm dứt!
Số liệu là công cụ để đánh giá. Nhưng nhiều khi cũng là thứ dùng để tô hồng, làm đẹp cho văn bản, nếu nó được làm ra bởi những người đam mê thành tích. Và đất nước sẽ chỉ phát triển trên giấy, nếu căn bệnh ấy không được chữa trị tận gốc./.