Cứu vườn cây ăn quả từ dịch vụ nước ngọt tư nhân
VOV.VN - Hàng chục dịch vụ cung cấp nước ngọt tư nhân tại huyện Cái Bè, Cai Lậy... đã góp phần phòng chống hạn mặn rất hiệu quả.
Hiện nay, ngoài các điểm cấp nước ngọt miễn phí từ ngân sách nhà nước để "cứu nguy” vườn cây ăn quả, tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) đã xuất hiện hàng chục dịch vụ cung cấp nước ngọt tư nhân đã góp phần phòng chống hạn mặn rất hiệu quả.
Chỉ tại các xã ven sông Tiền của huyện Cai Lậy đã có hơn 20 điểm cung cấp nước ngọt, do người dân dùng sà lan đến các khu vực thượng nguồn của sông Tiền chuyển nước về. Nguồn nước ngọt được dự trữ tại các ao chứa, đảm bảo có độ mặn dưới 0,5 phần nghìn. Nhà vườn có nhu cầu phun tưới cho vườn cây dùng xe bồn đến chở về với giá từ 30.000 - 40.000 đồng/m3.
Sà lan cập bến bơm nước ngọt "cứu khát" cho vườn cây. |
Một số nhà vườn kéo ống nước bơm thẳng vào mương trong vườn cây. Nhờ các dịch vụ cung cấp nước ngọt tư nhân này mà hàng nghìn ha cây sầu riêng, nhất là khu vực hẻo lánh… thoát chết do hạn mặn kéo dài.
Ông Ngô Tân Lâm, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, mỗi ngày gia đình ông cung ứng cho nhà vườn hơn 1.000m3 nước ngọt, chủ yếu phục vụ bà con là chính.
Ao trữ nước ngọt để cung ứng cho nhà vườn |
Nhiều vườn cây sầu riêng "thoát nạn" mùa khô hạn do đủ nguồn nước ngọt. |
"Ở đây còn tôi bán nước ngọt với giá 40.000 đồng/ khối, vừa phải thôi, phục vụ cho người dân là chính. Ở đây phục vụ 100%, ngày, đêm không có nghỉ. Một ngày tôi cung ứng thấp nhất là 1.000m3. Nước ngọt lấy vào thì sà lan đi đến chỗ nào mà độ mặn dưới 1 phần nghìn; thậm chí người dân đến mua nước ngọt thử đạt mới lấy, không đạt không lấy" - ông Lâm cho biết./.
Cà Mau tính cơ cấu vụ mùa để hạn chế thiệt hại do hạn, mặn
Gần 96.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt do hạn mặn