Đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình để giảm nghèo bền vững tại Thanh Hóa
VOV.VN - Đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo là một trong 7 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gia đoạn 2021-2025, đây được xem là giải pháp quan trọng giúp khai thác hiệu quả thế mạnh địa phương, khơi dậy tính chủ động, tạo cơ hội để người nghèo tự vươn lên tại Thanh Hóa.
Những dự án sinh kế hiệu quả là “điểm tựa” thoát nghèo
Dự án "Đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo" được triển khai nhằm hỗ trợ các cá nhân và hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật( không có sinh kế ổn định). Với tổng kinh phí hơn 436 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, cùng với sự đóng góp 125 tỷ đồng từ người dân, dự án đã tạo ra một nguồn lực tài chính đáng kể cho tỉnh Thanh Hóa. Nguồn kinh phí này không chỉ hỗ trợ tài chính mà còn nhằm mục đích xây dựng niềm tin vào khả năng phát triển kinh tế của mỗi hộ nghèo.

Trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2024 đã có 606 mô hình và dự án đã được phát triển trên khắp các vùng của tỉnh Thanh Hóa. Các mô hình này bao gồm chăn nuôi gia súc như trâu, bò, dê, trồng cây dược liệu và nuôi cá lồng. Các mô hình được áp dụng linh hoạt, dựa theo đặc điểm kinh tế, địa hình và thế mạnh từng địa phương.
Lĩnh vực chăn nuôi chiếm ưu thế với 583 dự án, bao gồm cả vật nuôi truyền thống và giống loài mới, góp phần tái sinh các khu vực đất đai cằn cỗi từng bị bỏ hoang. Ngoài ra, 21 dự án trồng trọt và 2 dự án lâm nghiệp cũng đang được triển khai, hướng đến một tương lai bền vững. Các dự án này góp phần đa dạng hóa sinh kế và tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Tổng cộng 18.005 hộ gia đình đã được dự án hỗ trợ và đồng hành. Cụ thể, 6.307 hộ nghèo, 5.895 hộ cận nghèo, và 5.213 hộ đã thoát nghèo đã nhận được sự hỗ trợ cần thiết để cải thiện tình hình kinh tế.
Dự án cũng hỗ trợ 344 hộ gia đình có người khuyết tật, mất khả năng lao động giúp họ tiếp cận các nguồn lực để cải thiện cuộc sống. Đặc biệt, 6.675 hộ đồng bào dân tộc thiểu số và 4.530 hộ do phụ nữ làm chủ hộ đã nhận được cơ hội để xây dựng tương lai.
Chị Lê Thị Út, sinh năm 1978, tại xã Công Chính, Thanh Hóa, là một ví dụ điển hình. Chị Út, bị khuyết tật ở chân và tay trái và làm mẹ đơn thân, từng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm để nuôi con nhỏ. Năm 2021, chị nhận được 12 triệu đồng từ chương trình mục tiêu giảm nghèo quốc gia. Với thêm 6 triệu đồng từ gia đình và bạn bè hỗ trợ chị đã mua một con bò cái sinh sản. Đến nay, con bò đã sinh được 3 con bê, mang lại thu nhập khoảng hơn 10 triệu đồng mỗi lần bán. Chị Ut xúc động chia sẻ : "Đối với nhiều người khoản tiền đấy không là bao, nhưng với tôi một người khuyết tật, sống tại vùng quê nghèo, thực sự là khoản tiền lớn… mặc dù không hoàn toàn giúp tôi trang trải cuộc sống hàng ngày, nhưng đó là 1 chỗ dựa, 1 khoản tiết kiệm giúp tôi an tâm hơn và cố gắng nuôi con gái ăn học…".
Trường hợp của chị Út không phải là cá biệt. Anh Nguyễn Văn Hải, Trưởng thôn Yên Nẫm, xã Công Chính cho biết, từ năm 2021, gần 20 hộ nghèo, cận nghèo, và hộ có người khuyết tật trong thôn đã được hỗ trợ từ 9 triệu đến 12 triệu đồng để mua bò sinh sản thông qua chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo.
"Nhiều năm loay hoay với cái nghèo, thiếu sinh kế, các gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng ít ỏi. Với số tiền được hỗ trợ, đồng thời tận dụng lợi thế vườn rộng, đồi thấp nhiều gia đình bà trồng thêm cỏ voi để làm thức ăn cho bò. Sau một thời gian chăm sóc, đến nay, nhiều con giống phát triển khỏe mạnh và sinh sản thêm một con bê con. Mỗi bê con bán được khoảng 10 triệu. Số tiền này giúp các gia đình bà có thêm vốn đầu tư phát triển chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo", anh Hải chia sẻ.

Gia đình anh Hàn Văn Điện (sinh năm 1986), cũng ở thôn Yên Nẫm, là một trường hợp khác. Từ một người khỏe mạnh, anh chẳng may mắc nhiều bệnh và thường xuyên đau ốm, mất khả năng lao động, cuộc sống gần như bế tắc. Năm 2023 anh được hỗ trợ 12 triệu đồng để mua bò. Sau thời gian chăm sóc kĩ lưỡng bò đã sinh sản bê con, mang lại một nguồn thu nhập ổn định và giúp anh vững vàng hơn trong cuộc chiến đấu với bệnh tật.
Thách thức và kỳ vọng vào tương lai bền vững
Mặc dù đã gặt hái được những kết quả tích cực, nhưng tiến độ giải ngân của dự án vẫn còn chậm trễ. Hiện tại, hơn 205 tỷ đồng đã được giải ngân, đạt 42,20% kế hoạch. Dự kiến, vào năm 2025, thêm 100 tỷ đồng sẽ được cấp để chuyển đổi thành các sinh kế bền vững.
Một thách thức lớn khác là sự khác biệt về nhu cầu giữa các nhóm đối tượng. Ở các vùng đồng bằng và đô thị, người nghèo và cận nghèo thường là những người không còn khả năng lao động hoặc người già yếu cần sự chăm sóc. Trong khi đó, những người trẻ và khỏe mạnh hơn thường lựa chọn tìm việc ở các nhà máy, xí nghiệp xa quê, và đôi khi không còn nhu cầu tham gia các dự án sinh kế tại địa phương. Điều này cho thấy công tác giảm nghèo cần có sự thấu hiểu đa chiều về hoàn cảnh, nguyện vọng và lựa chọn của từng nhóm đối tượng.
Dự án "Đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo" không chỉ là một chương trình hành chính. Nó là một cam kết về một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân Thanh Hóa. Dự án thể hiện rằng khi có sự phối hợp giữa chính sách và sự hỗ trợ, hy vọng sẽ lan tỏa, giúp nhiều người thoát nghèo và góp phần xây dựng một xã hội công bằng hơn.
Để dự án tiếp tục phát huy hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp quản lý, các tổ chức và người dân, nhằm khắc phục các trở ngại trong giải ngân và điều chỉnh mô hình sinh kế phù hợp với từng khu vực. Điều này sẽ giúp Thanh Hóa tiếp tục phát triển, tạo ra sinh kế bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.