Đà Nẵng kiên quyết xử lý nuôi trồng thủy sản trái phép trên sông, vịnh

VOV.VN - Tình trạng nuôi trồng thủy sản trái phép trên sông, vịnh tại thành phố Đà Nẵng kéo dài hàng chục năm nay gây ô nhiễm môi trường, cản trở dòng chảy, phá vỡ cảnh quan...

Những năm qua, UBND thành phố Đà Nẵng đã có nhiều văn bản yêu cầu các đơn vị, địa phương chấn chỉnh, xử lý dứt điểm tình trạng này.

Suốt 6 năm qua, gia đình ông Huỳnh Văn Tèo trú tổ 50, phường Thuận Phước, quận Hải Châu làm nghề nuôi hàu tại khu vực vịnh Mân Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Mỗi năm, thu nhập từ nuôi hàu lên đến 200 triệu đồng. UBND phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà đã nhiều lần vận động ông tháo dỡ lồng bè nhưng đến nay ông Huỳnh Văn Tèo vẫn cố tình không thực hiện.

Ngày 10/6, UBND phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Huỳnh Văn Tèo về việc tự ý làm bè nuôi hàu tại vịnh Mân Quang không có sự cho phép của cơ quan chức năng, yêu cầu ông Tèo phải tự tháo dỡ công trình vi phạm, trả nguyên hiện trạng ban đầu trước ngày 14/6.

“Theo qui định của UBND thành phố, vùng nước đã qui hoạch thì tôi phải chấp hành. Tôi xin phép thành phố sắp xếp chỗ để nuôi dưỡng số hàu hiện tại để có thu nhập cho gia đình. Bây giờ không nuôi nữa, gia đình cũng không biết làm nghề gì” - ông Tèo nói.

Hơn một tuần qua, UBND phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà gửi văn bản yêu cầu các hộ dân nuôi trồng thủy sản trái phép tại vịnh Mân Quang tháo dỡ lồng bè. Các lực lượng Quy tắc đô thị, Bộ đội Biên phòng… chia thành nhiều tổ công tác đến nhà dân, ra tận lồng bè thông báo, vận động, thế nhưng nhiều hộ vẫn cố tình lần lữa, chây ỳ.

Ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, cho biết: “Địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng tiến hành tháo dỡ toàn bộ lồng, bè theo qui định của pháp luật. Đến nay, địa phương đã lập biên bản, đề xuất UBND quận Sơn Trà xử lý vi phạm hành chính khoảng 30 trường hợp. Dự kiến đầu tuần sau, chúng tôi tiếp tục tiến hành tháo dỡ”.

Vịnh Mân Quang nằm ở địa bàn 3 phường Thọ Quang, Mân Thái và Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà hiện có hơn 500 lồng bè, rò nuôi trồng các loại cá, nghêu, hàu… Ngoài ra, còn có hơn 100 chòi canh, nhà tạm của gần 250 hộ dân. Mật độ lồng bè dày đặc, nhếch nhác, đủ loại kích cỡ, vật liệu gây mất mỹ quan, phá nát cảnh quang của vịnh. Rác thải, thức ăn chăn nuôi thải trực tiếp xuống biển gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.

Ông Trương Quang Minh, tổ 10, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà cho biết: Năm nào các hộ nuôi trồng thủy sản ở đây luôn đối mặt với rủi ro do mưa bão, dịch bệnh…

“Chủ trương của nhà nước thì chúng tôi cũng phải chấp hành nhưng cũng nên cho thêm một thời gian để chúng tôi trang trải cuộc sống. Năm ngoái, chúng tôi bị bão thiệt hại, rồi đến dịch Covid-19. Nói chung, lồng bè ai cũng bị lỗ hết, vay mượn để bù đắp. Chúng tôi xác định năm nay kiếm lại chút vốn để trả nợ” - ông Minh đề nghị.

Tại thành phố Đà Nẵng, tình trạng nuôi trồng thủy sản trái phép diễn ra chủ yếu ở khu vực vịnh Mân Quang, khu vực biển quận Liên Chiểu, trên các sông Cổ Cò, Cẩm Lệ, Cu Đê, Túy Loan... Hiện có hơn 120 hộ nuôi trồng thủy sản trên sông với gần 150 bè, 800 lồng; 290 hộ nuôi trên vịnh với khoảng 290 bè, 450 lồng.

Hơn 20 năm trước, UBND thành phố Đà Nẵng đã có chủ trương chấm dứt hoạt động nuôi trồng thủy sản tự phát, thế nhưng đến nay vẫn tái diễn. Đa số các hộ dân nuôi trồng thủy sản trái phép, trước đây làm ngư nghiệp, nhiều hộ bị giải tỏa, nhường đất cho các dự án lớn nhưng chưa chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp. Chính quyền thành phố chỉ đạo các địa phương rà soát, chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản trên các sông, vịnh và xử lý dứt điểm trong năm nay, tiến tới chấm dứt theo lộ trình từ năm 2021 đến 2025.

Về lâu dài, thành phố Đà Nẵng quy hoạch tập trung, thu hút các dự án đầu tư theo hướng công nghệ cao, quy mô lớn, đảm bảo môi trường và cảnh quan sông nước theo hướng phát triển bền vững.

Ông Lưu Quang Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thành phố Đà Nẵng thông tin: “Trong văn bản chỉ đạo của UBND thành phố cũng đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phố hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất hướng hỗ trợ, giới thiệu việc làm, chuyển đổi nghề phù hợp cho các hộ nuôi lồng bè. Hiện nay, UBND các quận, huyện tổ chức lấy ý kiến các hộ nuôi, sẽ có tổng hợp đưa vào phương án trình UBND thành phố”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Khánh Hòa rút kinh nghiệm vụ nuôi trồng thủy sản trái phép
Khánh Hòa rút kinh nghiệm vụ nuôi trồng thủy sản trái phép

(VOV) - Không có đơn vị, cá nhân nào bị kỷ luật trong vụ người nước ngoài nuôi trồng thủy sản trái phép tại Khánh Hòa.

Khánh Hòa rút kinh nghiệm vụ nuôi trồng thủy sản trái phép

Khánh Hòa rút kinh nghiệm vụ nuôi trồng thủy sản trái phép

(VOV) - Không có đơn vị, cá nhân nào bị kỷ luật trong vụ người nước ngoài nuôi trồng thủy sản trái phép tại Khánh Hòa.

Nuôi trồng thủy sản sạch, bền vững: Cách làm mới ở Quảng Ninh
Nuôi trồng thủy sản sạch, bền vững: Cách làm mới ở Quảng Ninh

VOV.VN - Để có môi trường biển sạch và bền vững, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên của cả nước đưa ra quy chuẩn vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản.

Nuôi trồng thủy sản sạch, bền vững: Cách làm mới ở Quảng Ninh

Nuôi trồng thủy sản sạch, bền vững: Cách làm mới ở Quảng Ninh

VOV.VN - Để có môi trường biển sạch và bền vững, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên của cả nước đưa ra quy chuẩn vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản.

Công tác đăng ký nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL triển khai còn chậm
Công tác đăng ký nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL triển khai còn chậm

VOV.VN - Theo báo cáo của Tổng cục thủy sản, hiện nay diện tích sản xuất tôm nước lợ ở ĐBSCL hơn 667.000 ha, chiếm 94% cả nước, trong đó tôm sú hơn 596.000 ha, tôm thẻ chân trắng hơn 71.000 ha, tổng sản lượng tôm hơn 455.000 tấn.

Công tác đăng ký nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL triển khai còn chậm

Công tác đăng ký nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL triển khai còn chậm

VOV.VN - Theo báo cáo của Tổng cục thủy sản, hiện nay diện tích sản xuất tôm nước lợ ở ĐBSCL hơn 667.000 ha, chiếm 94% cả nước, trong đó tôm sú hơn 596.000 ha, tôm thẻ chân trắng hơn 71.000 ha, tổng sản lượng tôm hơn 455.000 tấn.