Đà Nẵng nỗ lực vượt qua tăng trưởng âm trong năm 2021

VOV.VN - Năm 2020, Đà Nẵng đối mặt với nhiều gian khó khi nền kinh tế thành phố chịu tổn thương nặng nề, làm thay đổi chóng vánh kết quả tích lũy cả một nhiệm kỳ.

Lần đầu tiên sau hơn 20 năm trực thuộc Trung ương, tổng sản phẩm xã hội (GRDP) của thành phố âm 9,77%, đã kéo lùi quy mô kinh tế địa phương trở về 3 năm trước. Đà Nẵng cần làm gì để từng bước khôi phục kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng của một thành phố năng động.

Ngay từ Mùng 1 Tết Canh Tý, tin tức về đoàn khách 218 người từ tâm dịch Vũ Hán ở lại Đà Nẵng đã khiến dư luận xôn xao. Trong Tết, cả thành phố căng cứng vì thông tin dịch bệnh, tiếp đó là 2 đợt dịch bùng phát, phải thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố, mọi hoạt động kinh tế ngưng trệ. Các ngành dịch vụ du lịch một năm u ám, thiệt hại nặng chưa từng thấy. Việc tập trung khắc phục các sai phạm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên lĩnh vực quy hoạch, đất đai, xây dựng, đô thị cũng làm cho mạch máu kinh tế chậm lưu thông. Nhiều vụ án xảy ra trước đó liên quan tới nhiều cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật tác động tiêu cực đến thái độ làm việc ở nhiều cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, một số chủ trương về điều chỉnh hoặc dừng hoạt động một số cơ sở sản xuất, dự án đầu tư, rà soát, điều chỉnh, khắc phục những bất cập trong quy hoạch phát triển cũng chi phối tư duy phát triển. Nhiều người cho rằng, 3 năm qua, Đà Nẵng cứ loay hoay với việc dừng hoạt động 2 nhà máy thép, đổi đất mở rộng công viên APEC, thỏa thuận với doanh nghiệp mở rộng 5 đường xuống biển, cấm xây dựng nhà cao tầng khu vực ven biển…mà thiếu những giải pháp, quyết sách mang tính đột phá.

TS. Lê Văn Lợi, Trưởng Khoa Kinh tế Chính trị, Học viện Chính trị khu vực III cho rằng, trong cơ cấu kinh tế của Đà Nẵng phụ thuộc quá nhiều vào dịch vụ, trong khi ngân sách thu về từ dịch vụ không cao.

“Mặc dù thành phố Đà Nẵng đã có khảo sát về chỉ số PCI, chỉ số về DDCI (PCI là thuộc về trách nhiệm cấp tỉnh, còn DDCI thuộc về trách nhiệm của các sở, ngành) cũng đã khá rõ. Tuy nhiên, bên trong thì không phải ánh đúng thực trạng. Tôi cho rằng để đảm bảo tính thực chất, ngoài vấn đề về cải cách thủ tục hành chính, minh bạch thời gian, ứng dụng công nghệ thông tin thì vấn đề đạo đức công vụ là quan trọng” - TS. Lê Văn Lợi nói.

Trước đây, ngày 2/3/2018, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng ra Thông báo Kết luận về giải quyết ô nhiễm Nhà máy thép Dana Ý và Nhà máy thép Dana Úc. Lãnh đạo thành phố thống nhất chủ trương không để nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc tiếp tục hoạt động tại xã Hòa Liên; đồng thời thu hồi, hủy bỏ chủ trương giải tỏa, di dời các hộ dân tại khu vực lân cận.

Việc thành phố Đà Nẵng đột ngột dừng hoạt động 2 nhà máy thép và hủy bỏ chủ trương di dời dân khiến nhiều người bất ngờ, doanh nghiệp điêu đứng. Sau đó, Đà Nẵng cho nhà máy hoạt động trở lại, rồi lại đóng cửa.

Suốt 3 năm qua, từ chỗ một doanh nghiệp nộp ngân sách lớn, giải quyết việc làm cho cả ngàn lao động, 2 nhà máy thép lâm cảnh nợ nần, phá sản, doanh nghiệp kiện chính quyền ra Tòa. Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng khóa mới phải xem xét và điều chỉnh lại các chủ trương, chính sách cho phù hợp. Ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thép Đa Na- Ý cho biết, thành phố đã tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

“Thành phố vừa rồi đã cấp cho Nhà máy một khu đất mới để làm phân xưởng cán, còn phân xưởng luyện sẽ tìm khu đất khác. Luyện phôi mới cán thép được. Tất cả mọi việc vẫn đang chờ quy hoạch của thành phố do Thủ tướng ký thì mới làm được. Đây cũng là một bước mà thành phố tháo gỡ khó khăn, doanh nghiệp thiệt hại cũng đã thiệt hại rồi” - ông Huỳnh Văn Tân nói.

Mấy năm nay, điều mà hầu hết các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp ở Đà Nẵng mong muốn là chính quyền thành phố mạnh dạn tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính, đẩy nhanh các thủ tục đầu tư để khơi thông mạch máu kinh tế vốn đã bị ì ạch 3 năm nay. Ông Nguyễn Hữu Huy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Gia Thịnh cho biết, doanh nghiệp mong muốn các sở ngành đừng để văn bản chạy lòng vòng rồi quay lại cửa đầu tiên.

“Hiện nay có rất nhiều trình tự thủ tục hành chính dành cho doanh nghiệp chưa được xử lý theo trình tự một cửa, thời hạn hoàn trả thủ tục một cửa như đối với thủ tục hành chính dành cho cá nhân. Dĩ nhiên, việc này khó, bởi quy trình thủ tục dành cho doanh nghiệp phức tạp hơn trình tự thủ tục dành cho cá nhân nhiều. Tuy nhiên việc này thành phố nên cố gắng hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thời gian tới. Các thủ tục phải thực hiện với các bộ ngành Trung ương thì thành phố phải là đơn vị đầu mối hỗ trợ cho doanh nghiệp địa phương” - ông Nguyễn Hữu Huy nói.

TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, việc Đà Nẵng bị suy giảm kinh tế sâu là do quá lệ thuộc vào kinh tế dịch vụ, du lịch. Theo ông Trần Đình Thiên, do nguồn lực có hạn nên Đà Nẵng tập trung khai thác lợi thế về kinh tế du lịch là đúng chứ không thể đầu tư dàn trải. Vì vậy, khi gặp “rủi ro” từ đại dịch Covid-19 thì thành phố cũng cần bình tĩnh để khôi phục kinh tế, vượt qua khó khăn hiện nay.

Thành phố nên tiếp tục phát huy lợi thế phát triển dịch vụ, du lịch nhưng phải cơ cấu lại nguồn khách, chú trọng hơn nguồn khách du lịch nội địa. TS. Trần Đình Thiên cho rằng, Đà Nẵng nên có thể chế, chính sách khuyến khích và đầu tư cho phát triển kinh tế đêm.

“Tôi nói, Đà Nẵng có lợi thế phát triển công nghiệp không? Tất nhiên là có, như cảng Liên Chiểu hoặc đặc biệt là phát triển đô thị theo hướng đổi mới sáng tạo, một đô thị khoa học công nghệ. Nên nhấn mạnh điểm này, nên xúc tiến đầu tư tập trung vào đấy. Và nên mở hướng đô thị, những nền tảng hạ tầng đô thị thì nó sẽ khác đi. Đối với Đà Nẵng, kinh tế đêm rất đặc sắc. Nó có thể trở nên rất đặc sắc nên mình sẽ phải tạo cho nó về mặt thể chế, chính sách” TS. Trần Đình Thiên nói.

Đà Nẵng chọn năm 2021 là “Năm khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế” với quyết tâm thực hiện tốt “mục tiêu kép”, sớm phục hồi tăng trưởng kinh tế. Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, thành phố sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp lớn và quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công.

“Trong năm 2021, thành phố tiếp tục rà soát điều chỉnh và ban hành các cơ chế chính sách để cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tập trung nguồn lực cho xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút mạnh sự đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn, quyết liệt triển khai vốn đầu tư công, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, pháp lý về các dự án đất đai tồn đọng kéo dài tạo nên nguồn thu cho ngân sách. Và quan trọng hơn là khắc phục tình trạng để lãng phí nguồn lực của nhà nước, xã hội và doanh nghiệp. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế của thành phố” - ông Nguyễn Văn Quảng nói.

Suy giảm kinh tế của Đà Nẵng là hiện tượng tạm thời, phụ thuộc vào sự gián đoạn của nhu cầu và các khả năng cung ứng do biện pháp phòng chống dịch bệnh. Với cơ sở hạ tầng và nền tảng dịch vụ của thành phố tương đối hoàn thiện, tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng sẽ nhanh chóng được khôi phục, lấy lại đà phát triển nhanh và bền vững hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Vì sao kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng chậm?
Vì sao kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng chậm?

VOV.VN - Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm và không đạt mục tiêu đề ra được các vị đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng đặc biệt quan tâm.

Vì sao kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng chậm?

Vì sao kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng chậm?

VOV.VN - Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm và không đạt mục tiêu đề ra được các vị đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng đặc biệt quan tâm.

Bí thư Đà Nẵng yêu cầu chuẩn bị kịch bản phục hồi kinh tế
Bí thư Đà Nẵng yêu cầu chuẩn bị kịch bản phục hồi kinh tế

VOV.VN - Bí thư Đà Nẵng đề nghị đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đối với dự án trọng điểm, có tính lan tỏa, thúc đẩy phát triển KTXH thành phố

Bí thư Đà Nẵng yêu cầu chuẩn bị kịch bản phục hồi kinh tế

Bí thư Đà Nẵng yêu cầu chuẩn bị kịch bản phục hồi kinh tế

VOV.VN - Bí thư Đà Nẵng đề nghị đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đối với dự án trọng điểm, có tính lan tỏa, thúc đẩy phát triển KTXH thành phố

Đà Nẵng và nhiều tỉnh miền Trung tăng trưởng kinh tế âm trong năm 2020
Đà Nẵng và nhiều tỉnh miền Trung tăng trưởng kinh tế âm trong năm 2020

VOV.VN - Nhiều tỉnh miền Trung tăng trưởng kinh tế âm, như Đà Nẵng thu ngân sách đạt 70% kế hoạch, tỉnh Khánh Hòa kinh tế suy giảm sau nhiều năm nay...

Đà Nẵng và nhiều tỉnh miền Trung tăng trưởng kinh tế âm trong năm 2020

Đà Nẵng và nhiều tỉnh miền Trung tăng trưởng kinh tế âm trong năm 2020

VOV.VN - Nhiều tỉnh miền Trung tăng trưởng kinh tế âm, như Đà Nẵng thu ngân sách đạt 70% kế hoạch, tỉnh Khánh Hòa kinh tế suy giảm sau nhiều năm nay...