Đặc khu kinh tế sẽ có ưu đãi vượt trội
VOV.VN -Đặc khu kinh tế được xây dựng với nhiều ưu đãi vượt trội, thậm chí còn thuận lợi hơn so với các đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do ở các nước.
Tại cuộc trao đổi về Dự án Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tại Hà Nội mới đây, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, Dự án Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt được xây dựng với nhiều ưu đãi vượt trội, thậm chí còn cao hơn, thuận lợi hơn so với các đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore...
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế |
Bảo đảm vượt trội và cạnh tranh
Theo ông Đông, các cơ chế, chính sách về kinh tế-xã hội, tổ chức chính quyền và công tác tư pháp xây dựng trong Dự thảo Luật cũng cao hơn và hiện đại hơn một số đặc khu của Trung Quốc hiện nay, chỉ kém về chính sách thuế so với một số đặc khu được mệnh danh là "thiên đường thuế".
Dự án Luật sẽ áp dụng tại một số khu vực có ranh giới địa lý xác định nên cần mạnh dạn cho phép thực hiện các chính sách mới, đột phá và đặc biệt về kinh tế - xã hội. Các chính sách này cần được quy định với mức ưu đãi cao hơn và thuận lợi hơn so với quy định của các luật hiện hành áp dụng cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghiệp cao, không trái với Hiến pháp và các cam kết quốc tế của Việt Nam, bảo đảm vượt trội và cạnh tranh với khu vực và quốc tế, ông Đông nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, thành công của các đặc khu kinh tế dựa vào các yếu tố: có luật, trong đó đơn giản hóa thủ tục hành chính và xóa bỏ hạn chế về đầu tư kinh doanh; chế độ ưu đãi thuế, phí;...
Đến năm 2016, đã có khoảng 4.500 đặc khu tại 140 quốc gia. Vì thế, theo ông Đông, các đặc khu kinh tế của Việt Nam ra đời sau nên cần có những điểm thu hút mạnh hơn.
Một góc Phú Quốc - một trong 3 đặc khu kinh tế được hình thành tại Việt Nam (Ảnh minh họa: vpcp.chinhphu.vn) |
Ông Đông cho hay, các nước đã phát triển học thuyết đặc khu kinh tế, khu kinh tế mở, khu kinh tế tự do... đem đến sự phát triển của các nền kinh tế. Việt Nam đã đi quá chậm, từ năm 2003 ra đời các phương pháp nghiên cứu, đề xuất nhưng vẫn chưa quyết được.
So với các nước trong khu vực, hiện Trung Quốc đã có các đặc khu xây dựng đến đời thứ 4 (đặc khu trong đặc khu), tính lan tỏa của các đặc khu đối với nền kinh tế nước này rất lớn. Các nước Trung Đông và nhiều quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật hay tại ASEAN đã đều phát triển đặc khu và tận dụng nó để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Ngay láng giềng của Việt Nam là Campuchia từ năm 2014 - 2015 thành lập 3 đặc khu. Myanmar cũng đã hiện thực hóa xây dựng đặc khu. Chúng ta không thể chậm trễ hơn được nữa, ông Đông nêu quan điểm.
Dựa trên kinh nghiệm quốc tế
Nghiên cứu thực tiễn tại Thâm Quyến (Trung Quốc), Singapore và Nhật Bản..., cho thấy: các yếu tố, điều kiện quyết định thành công của các đặc khu kinh tế là: Có luật điều chỉnh riêng cho đặc khu kinh tế; vị trí chiến lược; chiến lược và mục tiêu phát triển rõ ràng; môi trường đầu tư kinh doanh và chính sách ưu đãi cạnh trạnh quốc tế; hỗ trợ đầu tư của Chính phủ; bộ máy quản lý hành chính tinh gọn và hiệu quả.
Bên cạnh đó nghiên cứu của Bộ KH&ĐT cũng nêu rõ: Các yếu tố, nguyên nhân dẫn đến sự không thành công là: vị trí không thuận lợi; chính sách ưu đãi thiếu tính cạnh tranh; chính sách lao động cứng nhắc; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư; giá thuê và các dịch vụ mang tính bao cấp; mô hình quản lý và tổ chức bộ máy cồng kềnh.
Bộ KH&ĐT cũng chỉ ra xu hướng phát triển của các đặc khu kinh tế trên thế giới thông qua 3 giai đoạn: Xuất phát từ các ngành sản xuất gia công, lắp ráp, thâm dụng lao động; Tập trung các ngành chế biến, chế tạo; Thương mại, dịch vụ, tài chính, ngân hàng, logistic, du lịch, văn hóa, giáo dục, y tế và công nghệ cao, thông minh và thân thiện mô trường, công nghiệp lần thứ 4.
Vân Đồn (thuộc Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (thuộc Khánh Hòa) và Phú Quốc (thuộc Kiên Giang) là 3 đặc khu kinh tế đang hình thành của Việt Nam.
Dự thảo Luật Đơn vị Hành chính Kinh tế đặc biệt dự kiến sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Quốc hội khoá XIV, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2017 và thông qua tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2018./.