Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: “Không biết thì đi đàm phán làm gì?”

VOV.VN - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên chỉ ra nhiều vấn đề còn bất cập trong quá trình thực thi Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.

Thảo luận ở tổ về Dự án Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi), Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng) phân tích và làm rõ một số vấn đề còn bất cập trong Luật cũ. Trong đó đáng chú ý là, một số vấn đề được quy định theo điều luật trong nước nhưng khác với điều ước quốc tế và cam kết đã ký kết, thì nghiễm nhiên chúng ta phải áp dụng theo cam kết của điều ước quốc tế.

Đáng lo ngại là trong quá trình thực thi Luật, nảy sinh nhiều vấn đề liên quan và ảnh hưởng đặc biệt đối với lĩnh vực kinh tế. Cụ thể như khi Chính phủ vay tiền của các Quỹ tiền tệ như AMF, ADB, Ngân hàng thế giới (WB), quỹ hải ngoại Nhật Bản, Hàn Quốc… trong hợp đồng vay ở mỗi quốc gia này đều có những yêu cầu khác nhau, nên chúng ta vẫn buộc phải thay đổi quy định để phù hợp với hợp đồng vay.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên giải thích, khi Ngân hàng thế giới hoặc ADB cho Chính phủ Việt Nam vay vốn, các cơ quan này sẽ quy định Chủ đầu tư và Cơ quan đấu thầu không được cùng một cơ quan. Cụ thể là, nếu tiến hành đấu thầu một dự án giao thông, tất cả các Tổng công ty của Bộ GTVT (Cienco) không được tham gia đấu thầu những dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư nếu muốn vay vốn của ADB.

“Trong những trường hợp này, chúng ta lại phải sử dụng hình thức đối phó, đó là chuyển Quyết định bổ nhiệm ông Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc của những Cienco này sang cho Bộ Nội vụ để thực hiện việc bổ nhiệm, những cán bộ này không còn thuộc nhân sự của Bộ GTVT mới được vay vốn”, Đại biểu Nguyễn Đức Kiên cho biết.

 

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng) chỉ rõ những mặt còn bất hợp lý trong Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.
Cũng theo Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, trong Luật cũ quy trình tham gia đàm phán điều ước quốc tế và phân chia trách nhiệm không quy định rõ thẩm quyền của Quốc hội và Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng nên đã dẫn đến tình trạng: Việc vay tiền từ các tổ chức quốc tế đưa về trong nước của các cơ quan được ủy quyền như Bộ Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước cho đến thời điểm này không nắm rõ được tổng nợ bao nhiêu và đáo hạn trả nợ như thế nào.

Ngoài ra, khi thực Hiệp định vay vốn lại chia ra nhiều bước như đàm phán, xin chủ trương ký kết… Theo Hiến pháp mới 2013, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định vay vốn từ các tổ chức quốc tế sẽ do Chính phủ có tờ trình lên Chủ tịch nước, Chủ tịch nước ký ủy quyền cho các Bộ và đoàn đi đàm phán, sau đó trình ký các hợp đồng, điều này đã dẫn tới rất khó phân định trách nhiệm.

Cụ thể hơn về hậu quả của quy trình này, Đại biểu Nguyễn Đức Kiên dẫn chứng về việc đàm phán vay vốn ODA của Trung Quốc để làm Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội). Theo đó, vốn vay ODA của Trung Quốc xong lại giao cho chính Tổng thầu của Trung Quốc (EPC) thi công theo kiểu chìa khóa trao tay. Tuy nhiên, từ tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu, đến nay giá dự toán đã tăng gấp 1,5 lần.

“Trước chúng ta vay ban đầu 800 triệu USD và giờ khoản vay đã lên 1,2 tỷ USD nhưng không biết trách nhiệm thuộc về ai? Trong giải trình tăng vốn dự án của Bộ GTVT có nói đến nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính vẫn là ở quá trình đàm phán. Người đàm phán thì phải biết trước, giờ triển khai rồi mới nói lúc đàm phán không chú ý đến điểm này, điều kia. Không biết thì đi đàm phán làm gì để giờ không ai có trách nhiệm. Nói ra thì lại bảo tại sao đại biểu, cử tri phải bức xúc khi tiền nhà nước cứ chảy ra ầm ầm”, Đại biểu Nguyễn Đức Kiên lý giải.

Một số dẫn chứng khác về quy trình tham gia đàm phán điều ước quốc tế cũng được Đại biểu Nguyễn Đức Kiên đưa ra, ví như khi thẩm định dự án Dự án Hỗ trợ phát triển kinh tế tiểu vùng Mekong nhưng lại được thực hiện ở các tỉnh Bắc Giang, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị… “Đại biểu ngạc nhiên vì không hiểu sao Dự án Hỗ trợ phát triển kinh tế tiểu vùng Mekong lại được đặt ở những tỉnh này, khi hỏi lại được giải thích là tên dự án nó thế, giờ mình đi vay nên đưa vào và muốn được đoàn thẩm định thông cảm, cho ý kiến thông qua để đi đàm phán”, Đại biểu Kiên tiết lộ.

Với nhiều thực tiễn còn bất cập, Đại biểu Nguyễn Đức Kiên đề xuất trong việc thực hiện điều ước quốc tế, cần thể hiện rõ hơn trách nhiệm của Chủ tịch nước, Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đến đâu. Đặc biệt, nếu Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế không tiến hành sửa đổi, chính chúng ta sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn trong triển khai luật trong nước, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến lĩnh vực kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên còn cho rằng, trên thực tế, khi chúng ta đàm phán và ký kết vẫn phải nhân danh là Nhà nước, là Chính phủ. Tuy nhiên có những điều luật vẫn không sửa đổi được, có những vụ việc không xử được theo điều luật trong nước, phải xử lý theo đúng cam kết đã ký. Đại biểu ví dụ vụ án Trịnh Vĩnh Bình tại Khánh Hòa: “Nếu theo cam kết quốc tế, nhà nước sẽ phải bồi thường mấy chục triệu USD, trong khi nếu xử theo luật trong nước thì rõ ràng đối tượng này phạm tội”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thứ trưởng Bộ GTVT xin lỗi Nhật Bản vì nhầm thông tin vay vốn ODA
Thứ trưởng Bộ GTVT xin lỗi Nhật Bản vì nhầm thông tin vay vốn ODA

VOV.VN - Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu đã có thư xin lỗi gửi ngài Fukada Hiroshi vì nhầm thông tin vay ODA xây sân bay Long Thành.

Thứ trưởng Bộ GTVT xin lỗi Nhật Bản vì nhầm thông tin vay vốn ODA

Thứ trưởng Bộ GTVT xin lỗi Nhật Bản vì nhầm thông tin vay vốn ODA

VOV.VN - Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu đã có thư xin lỗi gửi ngài Fukada Hiroshi vì nhầm thông tin vay ODA xây sân bay Long Thành.

Bộ Tài chính đại diện chính thức cho “bên vay” vốn ODA
Bộ Tài chính đại diện chính thức cho “bên vay” vốn ODA

(VOV)-Bộ Tài chính cũng là cơ quan hướng dẫn chuẩn bị nội dung liên quan đến điều kiện sử dụng vốn, quản lý tài chính các dự án...

Bộ Tài chính đại diện chính thức cho “bên vay” vốn ODA

Bộ Tài chính đại diện chính thức cho “bên vay” vốn ODA

(VOV)-Bộ Tài chính cũng là cơ quan hướng dẫn chuẩn bị nội dung liên quan đến điều kiện sử dụng vốn, quản lý tài chính các dự án...

Ký kết ba hiệp định vay vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc
Ký kết ba hiệp định vay vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc

Các khoản vay cho các dự án cung cấp thiết bị dạy nghề có lãi suất vay 0,1%/năm, thời hạn trả nợ 35 năm (bao gồm 5 năm ân hạn). Đặc biệt Dự án xây dựng bệnh viện đa khoa Yên Bái có lãi suất vay 0,05%/năm, thời hạn trả nợ 40 năm (bao gồm 10 năm ân hạn).

Ký kết ba hiệp định vay vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc

Ký kết ba hiệp định vay vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc

Các khoản vay cho các dự án cung cấp thiết bị dạy nghề có lãi suất vay 0,1%/năm, thời hạn trả nợ 35 năm (bao gồm 5 năm ân hạn). Đặc biệt Dự án xây dựng bệnh viện đa khoa Yên Bái có lãi suất vay 0,05%/năm, thời hạn trả nợ 40 năm (bao gồm 10 năm ân hạn).