Đại biểu Quốc hội bức xúc vì nhà công vụ bị biến thành nhà cá nhân
VOV.VN -Tình trạng này xảy ra rất nhiều, lại rơi vào những người có địa vị xã hội nên gây phản cảm, bất bình.
Vấn đề sử dụng nhà công vụ lại “nóng” trên nghị trường khi hầu hết các đại biểu đều cho rằng: “Nhà công vụ phải được trả về đúng vị trí của nó chứ không thể biến thành nhà cá nhân như tình trạng đang diễn ra phổ biến hiện nay”.
Trong thảo luận về Luật Nhà ở sửa đổi, Đại biểu Vũ Viết Ngoạn (đoàn Khánh Hòa) cho rằng: Nhà công vụ có thu hồi hay không, cần phải phân loại rõ ràng. Đối với các vị lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa chúng ta đã xử lý dứt điểm rồi. Các đối tượng còn lại thì nguyên tắc là phải thu. Hiện nay nhà công vụ của một số cán bộ đang ở, đã nghỉ hưu, hoặc về quê vẫn không trả lại nhà là không được.Ví dụ nhà công vụ của Chính phủ ở Hoàng Cầu, cán bộ nghỉ hưu rồi, dứt khoát phải trả lại.
Hướng xử lý mới là dứt điểm không xây mới nhà công vụ, phụ cấp thuê nhà được tính vào lương. Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư quy định 5 trường hợp phải thu hồi nhà công vụ thì phải kiên quyết làm. Trong đó, các bộ, ngành, cơ quan đều phải đảm bảo có trách nhiệm thực hiện, nhưng cái quan trọng là thực thi thế nào, có nể nang nhau không. Chỉ sợ trong quá trình thực thi lại “dĩ hòa vi quý”, nể nang nhau thôi!
Cùng chung quan điểm này, đại biểu Cao Sỹ Kiêm (đoàn Thái Bình) cho rằng: Phải làm rõ tiêu chuẩn, tiêu chí, thời gian sử dụng nhà công vụ. Bây giờ, nhà công vụ đang bị biến tướng thành nhà cá nhân. Một số nơi xây nhà công vụ xong, cán bộ đến ở, rồi lại chuyển công tác khác, chuyển sang địa phương, ngành khác nhưng vẫn “giữ chặt”. Nhiều người chuyển công tác rồi chuyển cho con, cháu ở. Căn nhà trị giá cả chục tỷ đồng. Đấy là một sơ hở mà phải qui định chặt chẽ trong luật. Bao nhiêu nhà công vụ hứa trả nhưng không có pháp luật nào bắt họ trả. Nhiều người được cấp đất rồi, làm nhà ra ngoài rồi nhưng vẫn ở. “Ở Hà Nội tình trạng này xảy ra rất nhiều, lại rơi vào những người có địa vị xã hội, gây phản cảm về mặt công bằng xã hội, phẫn uất, mất lòng tin” – đại biểu Cao Sỹ Kiêm nói.
Đại biểu Vũ Chí Thực (đoàn Quảng Ninh) cũng thẳng thắn nhấn mạnh: Tôi rất đồng tình với việc phải trả lại nhà công vụ. Rõ ràng, nhiều người đang lạm dụng nhà công vụ, coi như một tài sản riêng. Vì thế, phải qui định rõ ràng khi nào anh được sử dụng nhà công vụ, khi nào anh phải trả lại cho Nhà nước. Trả lại nhà công vụ không có nghĩa là Nhà nước lại phải giao đất cho người ta. Nhà công vụ liên quan đến trách nhiệm, công việc mà người đó đảm nhận, chủ yếu là cán bộ cấp cao mới có nhà công vụ. “Quan chức phải hết sức gương mẫu vấn đề này. Báo chí nói nhiều và thực tế chúng ta đã xác nhận là có người đã bán. Thậm chí có người bán cả nhà công vụ đi”.
Nhiều ý kiến trong Ủy ban pháp luật cho rằng, cần phải làm rõ định hướng phát triển nhà ở công vụ ngay trong Luật để tránh việc phát triển phiến diện, chỉ bó hẹp đối tượng được thuê, cấp nhà ở công vụ như hiện nay. Việc Nhà nước đầu tư xây nhà ở công vụ hiện nay cho một số ít đối tượng thực chất là bao cấp về nhà ở, trong khi số đông cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ, công chức, viên chức ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có nhu cầu cấp thiết thì chưa được đáp ứng. Vì vậy, ý kiến này cho rằng, yêu cầu đặt ra là phải xây dựng định hướng phát triển nhà cho thuê đối với mọi đối tượng thực hiện công vụ, chứ không nên đặt vấn đề chỉ bao cấp cho một số đối tượng nhất định.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, trong điều kiện hiện nay, việc cho thuê nhà ở công vụ cho một số ít đối tượng đang công tác là cần thiết nhưng chỉ nên duy trì hình thức nhà ở công vụ với đối tượng là cán bộ cao cấp được luân chuyển, điều động công tác và cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị nghiên cứu bỏ nhà ở công vụ mà cần tính đúng, tính đủ các khoản tiền này vào lương của cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm công bằng cho mọi đối tượng./.