Đại biểu Quốc hội “rất lo” vì Bộ trưởng KHĐT “nói nước đôi“
VOV.VN - Sau khi nghe giải trình của Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nói "rất lo" vì Bộ trưởng "nói nước đôi".
Tại phiên thảo luận ngày 1/6 về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch, một số ý kiến đại biểu Quốc hội tranh luận về quy hoạch các văn phòng công chứng.
Các đại biểu cho rằng, công chứng là một hoạt động tư pháp, là chủ trương rất lớn của Đảng và Nhà nước khi thực hiện xã hội hóa, nhưng vẫn cần phải bảo đảm chất lượng, điều kiện, tiêu chuẩn đối với các công chứng viên cũng như việc thành lập văn phòng công chứng.
(Ảnh minh họa: KT) |
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM), không nên quy hoạch tổng thể trên quy mô quốc gia đối với quy hoạch công chứng, nhưng vẫn cần thiết phải quy hoạch cấp tỉnh.
"Hoạt động công chứng không giống những dịch vụ như là mát-xa hay karaoke, hệ quả và hậu quả cực kỳ lớn, người ta làm 1 di chúc 20 năm sau mới mở ra, và rất nhiều tài sản quý giá, đất đai, những thỏa thuận của các doanh nghiệp có thể kéo dài tới 20 - 30 năm, nếu chúng ta phát triển không có quy hoạch chặt chẽ và không kiểm soát chặt chẽ, thì 5 - 7 năm sau phòng công chứng dẹp đi mất", ông Nghĩa phân tích.
Thay mặt cơ quan soạn thảo giải trình một số vấn đề, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh khi ban hành Luật Quy hoạch cũng đã xác định đây là luật rất khó, sửa đổi để ban Luật này có liên quan đến 25 luật khác. Và tại lần sửa đổi này có 13 luật phải sửa đổi, trong đó có 2 luật phát sinh là Luật An toàn thực phẩm và Luật Phòng chống thiên tai.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch, tại khoản 5 Điều 59 cũng quy định giao Chính phủ tiếp tục rà soát có những điều khoản nào liên quan cần sửa đổi cho nhất quán.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: Quochoi.vn) |
Bộ trưởng KHĐT cam kết cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra sẽ tiếp tục rà soát theo tinh thần những gì trùng lắp với quy hoạch tỉnh và các quy hoạch chuyên ngành khác thì loại bỏ, còn cái gì hợp lý, không trùng lắp thì giữ lại.
Giơ biển xin tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng, trong Báo cáo năm 2014 về tổng kết 8 năm thực hiện cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đã xác định hoạt động công chứng được coi là một trong những điểm sáng nhất của cải cách tư pháp.
Đặc biệt, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai được việc thực hiện xã hội hóa hoạt động công chứng, nâng cao chất lượng của các hoạt động công chứng.
Ông Nhưỡng và nhiều đại biểu khác thống nhất quan điểm không đưa vào quy hoạch đối với quy hoạch các văn phòng công chứng. Nhưng nếu dự thảo Luật giao Chính phủ quy định các chính sách, điều kiện đối với hoạt động công chứng sẽ dẫn đến sự chồng chéo về mặt chính sách.
"Theo quy định của Luật Công chứng đã giao cho Chính phủ quy định vấn đề này rồi thì Chính phủ cứ thế thực hiện trách nhiệm của mình theo Luật Công chứng do Quốc hội ban hành. Nếu đưa vấn đề đó vào trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch là trái với phương châm được chính Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã trình bày trước Quốc hội, đó là chỉ xem xét những vấn đề liên quan đến quy hoạch, còn những vấn đề về chính sách sẽ không được xem xét tại kỳ họp này", đại biểu Nhưỡng tranh luận.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Ảnh: Quochoi.vn) |
Vì thế, theo ông Nhưỡng, không nên đưa nội dung "giao Chính phủ quy định" vì thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
"Thẩm quyền của Chính phủ đã được giao rồi thì Chính phủ cứ thực hiện. Nâng cao và thêm những điều kiện nào đó thì Chính phủ báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo lại Quốc hội. Tôi đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và nên có phản biện rõ ràng, nếu không tôi thấy Bộ trưởng nói nước đôi như thế tôi rất lo", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng kết thúc tranh luận./. Quy hoạch “méo mó” do nhóm lợi ích?
Ông Trương Trọng Nghĩa: Quy hoạch cũng là nguồn rất nhiều tiêu cực