Đắk Lắk phát huy vai trò liên kết sản xuất trong nông nghiệp
VOV.VN - Thời gian qua, nhiều nông dân ở Đắk Lắk đã tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã để cùng nhau tạo ra những cách làm mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, cho thu nhập ổn định.
Vườn cà phê vừa tái canh năm thứ 2 của ông Phan Công Tùng, xã Hòa An, huyện Krông Pắc trong những ngày mùa khô vẫn xanh tốt. Tầng cao có cây sầu riêng che bóng, tầng trung có cây cà phê, tầng thảm thấp có cây nghệ cho củ.
Ông Phan Công Tùng cho biết, dù phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình luân canh trong tái canh cà phê, nhưng gia đình ông không quá lo lắng về kinh tế. Bởi trong thời gian này, cùng với thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ông tham gia hợp tác xã sản xuất, nhờ đó được hướng dẫn chăm sóc, đầu tư cây trồng và thu mua nông sản với giá cả ổn định.
“Bên hợp tác xã tìm giúp mình đầu ra. Mua số lượng nhiều mình làm ra nhiều dễ bán hơn, với lại hợp tác xã giờ xây dựng được kho bãi đầy đủ. nếu thời tiết không thuận thì hợp tác xã vẫn trữ hàng lại được” - ông Phan Công Tùng chia sẻ.
Vùng sản xuất tập trung, xã Hòa An, huyện Krông Pắc, tỉnh Đăk Lăk có trên 1.200 ha của gần 600 hộ dân. Trên vùng sản xuất này, đường bê tông đã cơ bản bao quanh, hệ thống điện phục vụ sản xuất đến từng vườn.
Ông Lê Tấn Dũng, Giám đốc HTX cho biết, hệ thống này đầu tư trên 7 tỷ đồng, mỗi hộ đóng góp hàng chục triệu đồng, việc không hề đơn giản. Song, khi phân tích thiệt hơn được người dân đồng tình, công trình đã nhanh chóng hoàn thành và phục vụ tối đa lợi ích người dân.
“Mục tiêu của chúng tôi là phục vụ nông dân, phục vụ chính thành viên của mình. Làm thế nào đó những sản phẩm bà con làm ra được tiêu thụ hết. Chúng tôi đã tiến hành xây dựng đường, điện, nhà kho, sân phơi, nói chung đảm bảo được nhu cầu cho bà con sản xuất, hướng dẫn cho các thành viên chúng tôi làm cà phê bền vững hay cà phê cảnh quan hay thiết lập mã vùng trồng, một phần nhờ sự hỗ trợ của nhà nước, một phần nhờ tự bản thân của hợp tác xã cũng như của các thành viên cố gắng đóng góp” - ông Lê Tấn Dũng nói.
Toàn tỉnh Đăk Lăk hiện có hơn 660 HTX, trong đó có 470 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo ông Huỳnh Bài, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đăk Lăk, việc liên kết trong sản xuất đã dần khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, đưa sản xuất theo hướng tập trung, đáp ứng nhu cầu thị trường. Trên cơ sở hoạt động hiệu quả của các HTX, các chương trình, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đến với nông dân cũng hiệu quả hơn, từng bước hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, nâng cao thu nhập đời sống cho người dân.
Thời gian qua, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, Liên minh HTX tỉnh Đăk Lăk cũng tăng cường công tác tư vấn hỗ trợ giúp các HTX quản lý vận hành đi vào chiều sâu, đóng góp thiết thực trong xây dựng và phát triển nông thôn mới.
Ông Huỳnh Bài, cho biết: “Hợp tác xã khi thành lập phải có nhu cầu thực tế. Nông dân ở đó họ có nguyện vọng tham gia hợp tác xã để cùng nhau sản xuất ra một sản lượng để cùng tiêu thụ hiệu quả hơn. Thứ 2, thành lập hợp tác xã thực sự có mục đích, về mặt tổ chức có hoàn thiện không, về số lượng thành viên tham gia nhiều thành viên được hỗ trợ chính sách này, thứ 3 đánh gia tài chính 2 năm của hợp tác xã hoạt động có hiệu quả hay không. Từ đó chúng tôi đánh giá cho kỹ để hỗ trợ hợp tác xã cho hiệu quả”./.