Đảm bảo tính nhân văn trong phát triển kinh tế thị trường
VOV.VN - Tổng Thư ký Hội khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần đổi mới mạnh mẽ hơn, khuyến khích nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế.
Sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam đã từng bước hình thành và phát triển; thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN được quan tâm xây dựng và dần hoàn thiện. Thực lực của nền kinh tế ngày một tăng lên. Những kết quả đó là thành tựu nổi bật trong thực hiện các chủ trương, giải pháp xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên VOV đã phỏng vấn Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam.
GS.TS Nguyễn Quang Thái - Tổng Thư ký Hội khoa học Kinh tế Việt Nam |
PV: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một mô hình hoàn toàn mới trong chặng đường phát triển 30 năm đổi mới của đất nước. Ông đánh giá như thế nào về những kết quả bước đầu trong việc thực hiện các đường lối phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua?
GS. TS Nguyễn Quang Thái: Quá trình đổi mới 30 năm nay của nước ta là xuất phát từ nhu cầu bức xúc của cuộc sống, từ thực tiễn cho nên chúng ta đã giải phóng lực lượng sản xuất, đã tháo bỏ một số quy định cũ ràng buộc, tháo bỏ cơ chế đang cản trở.
Sau 30 năm đổi mới, bây giờ đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ hơn, phải thiết kế được hệ thống, khuyến khích được nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Đây là chủ trương của Đảng được nêu rõ trong Nghị quyết Đại hội 12.
Tuy nhiên, việc thực hiện những điều này không phải là dễ. Theo tôi, rào cản đầu tiên là không phải nhận thức của tất cả các cấp các ngành đều như nhau, có người cho rằng đổi mới đã đáp ứng yêu cầu, có người cho rằng cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Bây giờ không phải kinh tế hàng hóa nhiều thành phần mà chuyển sang kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Đấy là chủ trương rất mới, mà tình hình kinh tế thế giới chuyển biến rất nhanh nếu không làm thị trường đích thực, chỉ làm thị trường nửa vời thì không đáp ứng được.
PV: Dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng hiện nay nhiều chính sách chưa thực sự hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân nên lòng tin đang bị suy giảm. Ông có đánh giá như thế nào về thực trạng này, thưa ông?
GS. TS Nguyễn Quang Thái: 20 năm đầu đổi mới tăng trưởng 7%, hơn 7% nhưng sau này hiệu quả cũng giảm bớt. Tức là có tăng trưởng tương đối cao nhưng dưới tiềm năng và ngay cả dưới tiềm năng ấy cũng không phát huy hết. Nhưng cái cản trở là tổ chức chưa lắng nghe, chưa tạo môi trường đầu tư thông thoáng. Cho nên Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 để phát triển doanh nghiệp nhưng chỉ là một bước để tháo gỡ, cái chính phải thấy là kinh tế thị trường đòi hỏi cạnh tranh bình đẳng giữa các nền kinh tế.
Trong khi đó, bộ máy vẫn quan liêu, tình trạng tham nhũng, lãng phí làm người dân không tin tưởng từ những việc nhỏ nhất. Do đó, chúng ta phải tiếp tục xử lý vấn đề này, để không trở thành vấn đề lớn hơn là vấn đề xã hội chứ không đơn thuần là vấn đề kinh tế.
PV: Theo ông, để khắc phục những vấn đề này, đâu là những điều kiện và giải pháp để chúng ta xây dựng ở Việt Nam một cơ chế kinh tế thị trường hoạt động có hiệu quả mang định hướng xã hội chủ nghĩa?
GS.TS Nguyễn Quang Thái: Kinh tế thị trường là kinh tế thị trường đích thực đó là tuân theo quy luật của thị trường, của cung- cầu, của giá cả thị trường và của cạnh tranh thị trường quốc tế và nhất là hội nhập. Cho nên Trung ương đã xác định là kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế đó là yêu cầu rất cao.
Đồng thời, chúng ta cũng nhấn mạnh đến tính nhân văn của xây dựng Chủ nghĩa xã hội của nước ta. Chúng ta phấn đấu đến một nền kinh tế thị trường phát triển nhanh, bền vững nhưng đồng thời cũng hướng đến người dân để làm cho mỗi người dân và cả dân tộc được hưởng thành quả của công cuộc đổi mới, phát triển. Chính vì vậy, yếu tố xã hội, môi trường trong phát triển bền vững, đi liền với phát triển kinh tế; quyền làm chủ của người dân tham gia từ đầu quá trình, giám sát quá trình và thụ hưởng thành quả của quá trình phát triển thì đó là định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ngoài ra, vấn đề ở đây lý luận phải được tiếp tục nghiên cứu thêm nhưng thực tiễn nói là chúng ta phát triển kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế nhưng đảm bảo tính nhân văn. Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, lợi ích thành quả cũng thuộc về nhân dân, chứ không cho phép một nhóm lợi ích nào đó lợi dụng quá trình đổi mới có khi tổ chức chưa tốt để thu lợi bất chính, hoặc phân phối không đều. Ví dụ, những nhóm người yếu thế phụ nữ, người tàn tật, hay tuy nước ta nông nghiệp đóng góp 20% GDP, nhưng 40% lao động nông nghiệp và 2/3 ở nông thôn thì làm thế nào chuyển đổi ngành nghề cho hiệu quả. Những cái đó chính là vừa phát triển, vừa đảm bảo tính nhân văn của sự phát triển.
PV: Xin cảm ơn ông!