Đàm phán Mỹ - Trung trước hạn chót đình chiến thương mại: Khó đột phá
VOV.VN - Cuộc đàm phán thương mại cấp cao Mỹ - Trung lần này được thực hiện trong bối cảnh hạn chót 90 ngày đình chiến thương mại đang đến gần.
Đoàn đại biểu Trung Quốc với 30 thành viên do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu hôm 29/1 tới Washington, Mỹ theo lời mời của Bộ trưởng Tài chính Secretary Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer.
Trong khuôn khổ chuyến thăm của quan chức Trung Quốc tới Mỹ để đàm phán về thương mại, Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến có buổi tiếp Phó Thủ tướng Lưu Hạc trong nỗ lực gia tăng sức ép lên Trung Quốc để đưa ra những nhượng bộ lớn về cải cách kinh tế cấu trúc, mở đường cho một thỏa thuận giúp chấm dứt cuộc chiến thuế giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Đây là cuộc thảo luận đầu tiên trực tiếp cấp cao giữa hai bên kể từ cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ- Trung Quốc bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11/2018, với nhất trí đình chiến thương mại trong 90 ngày.
Nhận định trước thềm cuộc đàm phán, chuyên gia phân tích thương mại Mỹ James Politi nhận định, các cuộc đàm phán lần này vấp phải thách thức, đặc biệt liên quan đến yêu cầu của Mỹ về thay đổi về cấu trúc kinh tế cần thiết tại Trung Quốc.
Đàm phán Mỹ - Trung trước hạn chót đình chiến thương mại. (Ảnh: Eric Chow/Nikkei Asian Review) |
“Trong những tuần qua, các cuộc đàm phán của cả hai bên đều đạt được các bước tiến nhưng đều trong các lĩnh vực được cho là dễ đàm phán trong mối quan hệ kinh tế hai nước. Đó là Trung Quốc cam kết mua nhiều hơn hàng hóa Mỹ để giảm thâm hụt thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, không có bước tiến lớn nào trong các vấn đề được coi là bất đồng chính giữa hai quốc gia đó là cáo buộc các công ty Mỹ buộc phải chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc, lạm dụng sở hữu trí tuệ hay đảm bảo công bằng trong cuộc đua công nghệ tương lai” - James Politi nói.
Việc nhà chức trách Mỹ chính thức đưa ra cáo trạng, cáo buộc Tập đoàn công nghệ Huawei, Giám đốc Tài chính của tập đoàn Mạnh Vãn Chu, cùng 2 công ty con của Huawei đã vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran phủ bóng lên các cuộc đối thoại này.
Dự kiến trong các cuộc đàm phán, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc có thể đưa những đề nghị mới, nhưng có nhiều lo ngại rằng sẽ không đáp ứng được yêu cầu của Mỹ. Các quan chức Trung Quốc vẫn bác bỏ cáo buộc về vấn đề chuyển giao công nghệ, coi yêu cầu của Mỹ với Trung Quốc về việc chấm dứt trợ cấp và chính sách công nghiệp ưu ái đối với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc là sự xúc phạm đến chủ quyền của nước này.
Theo chuyên gia phân tích Lục Tượng của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, rất khó để đáp ứng các yêu cầu của Mỹ. Các doanh nghiệp nhà nước đã trở thành trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc kể từ khi cải cách và mở cửa bắt đầu và Trung Quốc khó có thể thay đổi điều này.
Không nhiều lạc quan về hai bên có thể đạt được thỏa thuận kết thúc nguy cơ chiến tranh thương mại trong tuần này. Phát biểu trước thềm cuộc gặp, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nhấn mạnh rằng, Trung Quốc và Mỹ còn một con đường dài phía trước để hoàn thành các cuộc đối thoại. Trong khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng nhận định, có các bước tiến được đưa ra nhưng vấn còn nhiều vấn đề phức tạp cần giải quyết.
Mặc dù không nhiều kỳ vọng về tiến bộ đột phá có thể đạt được trong tuần này, nhưng giới chuyên gia phân tích cho rằng, Mỹ và Trung Quốc sẽ cố gắng tránh sự bế tắc hoàn toàn, có thể ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính và làm xấu đi triển vọng của nền kinh tế toàn cầu. Điều đó có nghĩa là họ có thể đưa ra tuyên bố kết thúc đàm phán với các vấn đề hai bên đạt được mặc dù không thể coi là đột phá.
Ông Victoria Ruan, một nhà nghiên cứu chính sách Trung Quốc tại Viện nghiên cứu McLarty ở Washington cho rằng, Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ không đến Mỹ nếu họ không nắm chắc trong tay có thể tạo ra tiến bộ trong các cuộc đàm phán, đặc biệt trong bối cảnh hạn chót đình chiến thương mại 1/3 đang tới gần./.
Mỹ - Trung Quốc đang đạt được tiến triển trong đàm phán thương mại
Việt Nam liên tiếp xuất siêu dù thương mại Mỹ-Trung căng thẳng