Đàm phán TPP giậm chân tại chỗ
VOV.VN - Thời điểm tổ chức vòng đàm phán đa phương tiếp theo hiện chưa được ấn định nhưng các vòng đám phán song phương sẽ sớm được nối lại.
Quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã không thể hoàn tất trong tuần này như kỳ vọng khi các bên liên quan chưa tìm được tiếng nói chung về bảo hộ dược phẩm và mở cửa thị trường nông nghiệp trong cuộc họp vừa kết thúc tại đảo Maui, Hawaii vào sáng sớm nay (1/8, theo giờ Việt Nam). Tuy nhiên, các bên đều khá lạc quan về triển vọng sớm kết thúc đàm phán với những tiến bộ đạt được tại vòng đám phán lần này.
Quá trình đàm phán Hiệp định TPP tại Hawaii đã không thể hoàn tất trong tuần này như kỳ vọng (Ảnh minh họa: KT) |
Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi kết thúc vòng đàm phán tại Maui, Đại diện thương mại Mỹ Michael Froman cho biết hiện chỉ còn một số bất đồng và các bên cam kết thúc đẩy nỗ lực để giải quyết trong thời gian tới.
“Sau một tuần đám phán, chúng tôi đã đạt được những tiến bộ đáng kể và sẽ tiếp tục giải quyết một số ít các vấn đề còn tồn tại, mở đường cho việc hoàn tất đàm phán hiệp định TPP. Chúng tôi cam kết sẽ duy trì đà tiến triển này, tiếp tục tiếp xúc và phối hợp chặt chẽ với nhau để tìm kiếm sự đồng thuận”.
Thất bại của vòng đám phán Maui đã cho thấy những thách thức rất lớn trong việc đạt được một thỏa thuận với sự tham gia của nhiều nước với những lợi ích khác nhau. Australia, Chile và New Zealand đều phản đối đề nghị của Mỹ về thời hạn bảo hộ sở hữu trí tuệ của các công dược phẩm lớn lên tới 12 năm, động thái được cho là nhằm hạn chế sự cạnh tranh của các nước khác với các công ty Mỹ vốn đang nắm giữ nhiều phát minh độc quyền về dược phẩm.
Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại New Zealand, Murray McCully cho biết: “Chúng ta không thể tìm các vấn đề khác nhau trong từ điển mà những vấn đề này nảy sinh trong tiến trình đàm phán. Chúng tôi chưa thể thống nhất hoàn toàn về mọi vấn đề tại vòng đàm phán này”.
Một trở ngại nữa là Canada cương quyết không nhượng bộ mở cửa thị trường sữa và gia cầm trong khi Chile, với một chính phủ mới và những thỏa thuận tự do thương mại đang còn hiệu lực với tất cả các nước tham gia đàm phán TPP, thấy không có lý do gì phải nhượng bộ, nhất là trong vấn đề bảo hộ các công ty dược phẩm Mỹ. Australia cũng khẳng định bất kỳ thời hạn bảo hộ dược phẩm nào trên 5 năm cũng sẽ bị Quốc hội nước này bác bỏ.
Thất bại của vòng đàm phán vừa qua được xem là một bước lùi đối với Tổng thống Barack Obama, người rất hy vọng đây sẽ là vòng đàm phán TPP cuối cùng nhờ quyền đàm phán nhanh được Quốc hội phê chuẩn vào tháng 6 vừa qua.
Tuy nhiên, cuộc họp tại Maui cũng đạt được một số thành công nhất định với các thỏa thuận về bảo vệ môi trường và quy tắc ứng xử trong trường hợp xảy ra xung đột lợi ích. Theo thỏa thuận về môi trường, các nước cam kết tuân thủ các hiệp ước chống buôn bán động vật hoang dã hiện hành cũng như luật môi trường của từng nước.
Các biện pháp hỗ trợ gây hại tới môi trường như hỗ trợ của chính phủ cho việc đóng tàu cá tại các khu vực bị khai thác quá mức đều bị cấm. Thỏa thuận cũng nhấn mạnh biện pháp bảo vệ lâu dài đối với các loài động vật có nguy cơ như rùa biển, chim biển, cá voi, cá mập…Các nước vi phạm có thể sẽ bị trừng phạt về thương mại.
Thảo thuận về môi trường được xem là sẽ có tác động sâu rộng khi 12 nước tham gia đàm phán TPP chiếm khoảng 25% thương mại thủy sản và 25% sản lượng gỗ và bột giấy trên thế giới. 5 trong số các nước này nằm trong danh sách các nước đa dạng sinh thái hàng đầu thế giới.
Đại diện thương mại Mỹ Michael Froman cho biết, những tiến triển trong vòng đàm phán vừa qua cho thấy triển vọng sớm kết thúc đàm phán TPP: “Trong giai đoạn đàm phán cuối cùng này, chúng tôi cảm thấy tự tin hơn bao giờ hết rằng TPP đang nằm trong tầm tay. Tiến bộ trong tuần qua đã phản ánh những cam kết lâu dài về một hiệp định toàn diện, tiêu chuẩn cao, đầy tham vọng và sẽ góp phần thúc đẩy việc làm và tăng trưởng kinh tế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.