Đàm phán TPP tại Hawaii: Hiện thực hóa tham vọng thương mại
VOV.VN - Vòng đàm phán TPP tại Hawaii lần này được xem là cơ hội cuối cùng để 12 nước đạt được một thỏa thuận trong năm nay.
Vòng đàm phán mới cấp Bộ trưởng về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã bắt đầu từ ngày hôm qua (28/7) tại Hawaii (Mỹ), đi thẳng vào các rào cản then chốt đang tồn tại giữa các bên trong vấn đề tiếp cận thị trường và quyền sở hữu trí tuệ. Một số ý kiến phân tích cho rằng, Bộ trưởng các nước gặp gỡ tại Hawaii với hy vọng có thể kết thúc đàm phán hoặc hoàn tất căn bản tiến trình này, vốn sẽ hiện thực hóa tham vọng về một hiệp định thương mại châu Á-Thái Bình Dương.
Giới phân tích cho rằng, hy vọng về đàm phán TPP thành công đã gia tăng trong những tuần gần đây. Cuộc gặp cấp Bộ trưởng kéo dài 4 ngày tại Hawaii có thể là vòng đàm phán cuối cùng để các bên đi đến thỏa thuận. Trước đó, đàm phán TPP rơi vào bế tắc trong nhiều tháng khi các nước tham gia phải miễn cưỡng chấp nhận những nhượng bộ lớn để tiến gần hơn tới thỏa thuận, cho tới khi Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật thúc đẩy thương mại (TPA), còn gọi là quyền đàm phán nhanh cho Tổng thống Obama.
Hội nghị đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Một trong những điểm nhấn tại vòng đàm phán TPP lần này là cuộc gặp song phương giữa Mỹ và Nhật Bản, 2 nước đóng vai trò lớn nhất trong TPP. Nếu Mỹ-Nhật hoàn tất đàm phán về tiếp cận thị trường song phương trong lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất ô tô, nó sẽ đồng thời định hình cho cả tiến trình đàm phán TPP.
Đại diện thương mại Mỹ - Michael Froman kỳ vọng vào cuộc gặp hôm qua với Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Chính sách tài chính Nhật Bản Akira Amari để giải quyết những nút thắt còn tồn tại, trong đó có yêu cầu của Mỹ về việc mở rộng sự tiếp cận với thị trường gạo của Nhật Bản. Theo giới chuyên gia, Mỹ và Nhật Bản đều đang chờ đợi bên kia cam kết trong đàm phán về tiếp cận thị trường trước khi có hành động cuối cùng.
Ông Tami Overby, Phó trưởng phòng Thương mại Mỹ phụ trách khu vực châu Á nhận định, đàm phán Mỹ-Nhật sẽ kết thúc đồng thời với đàm phán TPP.
Về phía Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Chính sách tài chính Nhật Bản Akira Amari hôm 28/7 cũng nói rằng, các bên đều đang nỗ lực để đạt được tham vọng về một hiệp định thương mại châu Á-Thái Bình Dương.
“Mọi điều đang được xem xét, với 12 nước tham gia đàm phán. Chúng tôi đang làm việc để có được một kết quả toàn diện trước thời hạn chót. Có 2 nội dung chính mà Mỹ và Nhật Bản thảo luận. Hai nước có một số điểm đàm phán cần phải thông qua và chúng tôi cần thiết phải hợp tác để hướng tới các cuộc đàm phán của tất cả các bên liên quan”, Bộ trưởng Akira Amari cho biết.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Australia đã cảnh báo, nếu vòng đàm phán TPP trong tuần này thất bại, thì nó sẽ làm trì hoãn một thỏa thuận thương mại xuyên Thái Bình Dương trong vài năm vì các cuộc bầu cử tại Mỹ và Canada. Do đó, vòng đàm phán tại Hawaii lần này rất quan trọng. Đây được xem là cơ hội cuối cùng để 12 nước đạt được một thỏa thuận trong năm nay.
Hy vọng này gia tăng sau khi Tổng thống Mỹ Obama hồi cuối tháng trước được Quốc hội trao quyền đàm phán nhanh, theo đó cho phép Nhà Trắng toàn quyền đàm phán các thỏa thuận thương mại với các đối tác bên ngoài và Quốc hội chỉ được quyền bỏ phiếu tán thành hoặc bác bỏ.
Đàm phán TPP được khởi động từ năm 2005 và đến nay đã thu hút sự tham gia của 12 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Các nước này đang nỗ lực hướng tới việc ký kết thoả thuận trong thời gian sớm nhất, sau khi đã bỏ lỡ hạn chót đặt ra cuối năm 2013. Theo ước tính, một khi được ký kết, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới./.