Dân bức xúc do doanh nghiệp làm Thủy điện Quang Huy thiếu trung thực
VOV.VN - Doanh nghiệp thực hiện Dự án Thủy điện Quang Huy ngay từ những bước đầu đã thiếu trung thực với người dân và chính quyền cơ sở.
Như chúng tôi đã đề cập ở bài viết trước, Dự án Thủy điện Quang Huy được Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhất trí chủ trương đầu tư với quy mô công suất thiết kế 12MW, tổng mức đầu tư gần 460 tỷ đồng; địa điểm thực hiện tại xã Quang Huy, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.
Ông Đinh Văn Mờ, Bí thư Chi bộ bản Úm 2, xã Huy Thượng trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV. |
Tuy nhiên, quá trình triển khai vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ chính quyền cơ sở và người dân vùng dự án. Cùng với việc không đồng thuận với chủ trương xây dựng nhà máy vì lo ngại ảnh hưởng đến nguồn nước, mất rừng, tác động xấu đến môi trường… người dân bức xúc cho rằng doanh nghiệp không trung thực khi tiếp xúc, làm việc với bà con!
Ngày 29/3/2018, tại hội trường UBND xã Quang Huy, Công ty cổ phần phát triển năng lượng Việt Cường – đơn vị đầu tư dự án Thủy điện Quang Huy tổ chức họp, tham vấn ý kiến của cộng đồng dân cư về những tác động trực tiếp khi xây dựng và đưa vào khai thác, vận hành nhà máy thủy điện Quang Huy.
Tại hội nghị, đa số đại biểu tham dự đều thẳng thắng bày tỏ sự không đồng thuận với chủ trương xây dựng công trình này, bởi bài học nhãn tiền từ một số công trình thủy điện vừa và nhỏ trong cả nước đã cho thấy hệ lụy mất rừng, gây lũ lụt, hạn hán, thiếu nước sản xuất… Kết thúc hội nghị, biên bản cuộc họp không được thông qua. Mãi cho đến ngày 22/11/2018 – khi dự hội nghị do UBND huyện Phù Yên tổ chức, cũng về các nội dung liên quan đến xây dựng thủy điện Quang Huy… nhiều người mới “ngã ngửa” khi biên bản cuộc họp hồi tháng 3 tại xã được công bố nội dung không như thực tế.
"Tất cả những ý kiến của cán bộ cử tri xã Quang Huy đều nói là không đồng tình nhất trí với chủ trương xây dựng thủy điện. Còn trong biên bản của Công ty cổ phần năng lượng Việt Cường trình tại cuộc họp xin ý kiến cán bộ huyện thì lại là có đồng tình nhất trí. Riêng về số lượng thì tôi đã không đồng tình nhất trí rồi, vì cuộc họp hôm đó có 78 người, nhưng trong biên bản của Công ty Việt Cường thì lại ghi có 35 người. Mà trong 35 người này có 3 người đại diện bản Nà Xá, số thứ tự từ 33 đến 35 không hề có hộ khẩu tại xã Quang Huy, mà lại có tên như thế. Việc này cá nhân tôi và những người tham gia tại huyện hôm đó rất bất bình và làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân", ông Vì Văn Hải, Phó Bí thư Đảng ủy xã Quang Huy búc xúc.
Bí thư Đảng ủy xã Huy Thượng bị mạo chữ ký. |
Thậm chí, có trường hợp khi dự họp không được mời phát biểu, nhưng vẫn có ý kiến trích lược trong biên bản. Đó là trường hợp của ông Lò Tuấn Anh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã này. Ông Lò Tuấn Anh cho biết: "Sau này lấy biên bản về tôi mới thấy là tôi không được phát biểu mà lại ghi trong đó là tôi phát biểu và nhất trí với việc xây thủy điện. Cái này hoàn toàn không phải, thực tế không đúng như nội dung trong biên bản đó. Thâm tâm tôi không nhất trí, kể cả anh em hội viên cựu chiến binh cũng không nhất trí xây dựng thủy điện Quang Huy, đề nghị cấp trên xem lại biên bản đó và chúng tôi không nhất trí cái biên bản như vậy".
Biên bản cuộc làm việc của đại diện chủ đầu tư khi tham vấn cộng đồng dân cư xã Huy Thượng ngày 11/7/2018 cũng tương tự. Kết thúc cuộc làm việc, biên bản không được thông qua. Đến khi họp trên huyện, thông qua nội dung biên bản cuộc họp này, nhiều người mới giật mình bởi ý kiến tại cuộc họp một đằng, biên bản ghi một nẻo. Thậm chí như trường hợp ông Hoàng Ngọc Son, Bí thư Đảng ủy xã Huy Thượng còn bị mạo chữ ký ở mục “thành phần tham dự”…
Danh sách 3 người có tên, nhưng không có hộ khẩu và không có thực ở xã, ở bản. |
Ông Đinh Văn Mờ, Bí thư Chi bộ bản Úm 2, xã Huy Thượng bức xúc cho rằng, "Đã là biên bản cuộc họp phải ghi đầy đủ hết các ý kiến của dân, người ta phản ánh thế nào thì phải ghi đầy đủ vào trong biên bản. Nhưng mà cái này đến lúc đi họp trên huyện, nhận được biên bản chúng tôi mới biết nội dung biên bản bị thay đổi. Do vậy chúng tôi cũng đã phát biểu luôn là ngay từ bước đầu các anh đã không tạo niềm tin rồi, biên bản còn thay đổi, bây giờ các chủ trương, chính sách các anh hứa là công trình thủy điện này nó sẽ khác hoàn toàn các công trình thủy điện khác trên toàn quốc này, nhưng mà làm sao chúng em tin tưởng được."
Nhiều người dân ở các xã Huy Thượng, Huy Hạ, Huy Tân, Quang Huy, Tường Phù…cũng bày tỏ bức xúc về cách làm lừa dối dân của đại diện chủ đầu tư trong quá trình triển khai xây dựng công trình. Bà Sòi Thị Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Quang Huy thẳng thắn chỉ ra sự thiếu trung thực của doanh nghiệp: "Mọi lần đến tham vấn tôi đều phát biểu quan điểm chung là nhân dân không nhất trí làm đập thủy điện này. Nhưng mà trong biên bản, ở phần kết luận chỉ ghi ý dân là làm sao đến lúc hoàn thành đập thủy điện xong thì đủ nước cho hạ lưu thế thôi. Còn phản đối thì nó lại không đọc biên bản ngay lúc đấy. Sau khi anh em chúng tôi đến dự tham vấn ở dưới huyện, ông Đào Nguyên Chủ tịch huyện đưa biên bản đấy ra đọc thì chúng tôi mới biết văn bản này là văn bản giả tạo thôi".
Suối Tấc ngày càng cạn kiệt. |
Tại buổi tiếp công dân của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, do ông Quang Văn Hương, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La và ông Đinh Công Sỹ, Ủy viên Thường trực Ủy Ban Đối ngoại của Quốc hội, tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân của huyện Phù Yên vào ngày 26/11/2018, sau khi nghe ý kiến phản ánh của người dân về việc không nhất trí xây dựng nhà máy thủy điện Quang Huy; cũng như biên bản họp tham vấn cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi dự án có dấu hiệu không đúng với thực tế cuộc họp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La đã có văn bản báo cáo, đề nghị UBND huyện Phù Yên chủ động phối hợp với chủ đầu tư làm rõ những nội dung kiến nghị của cử tri.
Bên cạnh đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La cũng có công văn số 212, ngày 29/11/2018 đề nghị UBND tỉnh Sơn La báo cáo về quá trình thực hiện dự án Thủy điện Quang Huy gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh trước ngày 5/12/2018. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan làm rõ đối với nội dung phản ánh về việc thực hiện của chủ đầu tư và có báo cáo bằng văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khi hoàn thành. Tuy nhiên, cho đến nay, các yêu cầu của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La đối với phía UBND tỉnh Sơn La vẫn “bặt vô âm tín”.
Cũng xin được nhắc lại là Dự án xây dựng thủy điện Quang Huy trước đây không hề có trong quy hoạch. Cho đến năm 2017, không hiểu sao Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La lại có công văn đề nghị Bộ Công thương bổ sung dự án này vào quy hoạch!
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về dự án này./. Vì sao người dân không đồng thuận xây thủy điện Quang Huy