Đang điều tra làm rõ Asanzo có đội lốt hàng “Made in Vietnam” không?
VOV.VN - Hiện Bộ Công Thương đang chủ trì soạn thảo Dự thảo và dự kiến sẽ ban hành Thông tư về vấn đề này trong thời gian sớm nhất.
Tại cuộc họp báo thường kỳ Quý II/2019 tại Bộ Công Thương ngày 4/7, trả lời báo chí xung quanh nghi vấn Công ty CP Điện tử Asanzo Việt Nam nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường, Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Đỗ Thắng Hải cho biết, Thủ tướng đã giao cho Bộ Tài chính làm đầu mối, phối hợp với các bộ ngành trong đó có Bộ Công Thương tích cực điều tra làm rõ vụ việc này.
Thông tin thêm về quy định xuất xứ hàng hoá "sản xuất tại Việt Nam" và "hàng hoá của Việt Nam", tại cuộc họp báo, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với quy định cụ thể phục vụ cho hàng hoá hưởng ưu đãi thuế quan, nhưng chưa áp dụng với nhãn hàng tại thị trường nội địa Việt Nam.
Bộ Công Thương cho biết, vẫn chưa có có quy định rõ ràng về việc như thế nào là “Hàng hóa Việt Nam” và “Hàng hóa sản xuất tại Việt Nam”. |
Theo ông Trần Thanh Hải, quy định hiện hành ở Nghị định 43/2017, hàng hoá lưu thông trong nước bắt buộc phải dán nhãn tên người sản xuất, tổ chức cá nhân, xuất xứ hàng hoá. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tự xác định và có trách nhiệm với thông tin về xuất xứ mình đưa ra.
Tuy nhiên, Việt Nam đang tham gia nhiều hiệp định FTA có liên quan đến quy định về xuất xứ hàng hóa, do đó sẽ phải có điều luật riêng để quy định xuất xứ hàng hóa phục vụ cho việc tham gia thị trường xuất khẩu.
Cụ thể như trong hiệp định FTA với ASEAN có quy định, hàng hóa có 40% thành phần có xuất xứ trong ASEAN, dù chỉ có 5% xuất xứ từ Việt Nam cũng được tính là hàng hóa có đủ điều kiện hưởng thuế quan ưu đãi theo hiệp định.
“Tuy nhiên hiện nay, vẫn chưa có có quy định rõ ràng về việc như thế nào là “Hàng hóa Việt Nam” và “Hàng hóa sản xuất tại Việt Nam”. Hiện Bộ Công Thương đang chủ trì soạn thảo Dự thảo và dự kiến sẽ ban hành Thông tư về vấn đề này trong thời gian sớm nhất”, ông Trần Thanh Hải cho biết.
Trước đó, trên một số phương tiện truyền thông phản ánh việc Công ty CP Điện tử Asanzo Việt Nam nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác, nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam với quảng cáo "Made in Vietnam - Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản". Điều này khiến người tiêu dùng hoang mang và nghi ngờ về những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam vốn đã có uy tín trên thị trường.
Phản hồi với báo chí về những cáo buộc liên quan đến những sản phẩm của doanh nghiệp được cho là “mập mờ” về nguồn gốc xuất xứ, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Công ty CP Điện tử Asanzo Việt Nam vẫn khẳng định rằng, theo quy tắc xuất xứ, doanh nghiệp Việt Nam mua linh kiện từ nước ngoài và đưa về Việt Nam để lắp ráp thành thành phẩm tại lãnh thổ Việt Nam thì sản phẩm đó được phép ghi “Made in Vietnam”.
Ông Tam cũng nêu rõ, theo pháp luật hiện hành thì chưa có quy định rõ về việc một doanh nghiệp phải sản xuất hoặc nhập khẩu bao nhiêu linh kiện thì mới được ghi “Made in Vietnam”. Nhà nước cũng chưa quy định sản phẩm của một thương hiệu khi sử dụng 60% hay 70% linh kiện nước ngoài là không được ghi “Made in Vietnam”./.
Vụ Asanzo: Cần sớm kết luận có đúng pháp luật hay không?