Đang trình Chính phủ cho phép đầu tư cấp điện đảo Côn Đảo bằng lưới điện quốc gia
VOV.VN - Tổng vốn đầu tư ngân sách cho điện miền núi, hải đảo khoảng 21.143 tỷ đồng, nếu được đầu tư cấp điện đảo Côn Đảo bằng lưới điện quốc gia, vốn sẽ tăng thêm khoảng 4.800 tỷ đồng.
Thực hiện Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1740/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tới nay đã có 100% số xã, 1,55 triệu hộ dân trên địa bàn 9.890 thôn, bản được cấp điện; trong đó, việc cấp điện từ nguồn năng lượng tái tạo ngoài lưới điện quốc gia khoảng 21.000 hộ dân.
Tại Hội nghị tham vấn huy động nguồn vốn đầu tư dự án cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2021-2025, vốn vay Ngân hàng Thế giới do Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức sáng 18/12, tại Hà Nội, ông Bùi Quốc Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, việc phát triển lưới điện cung cấp cho các trạm bơm tưới có quy mô vừa và nhỏ khu vực ĐBSCL tại 13 tỉnh, thành phố được bổ sung vào chương trình.
“Chương trình đã tăng cường cấp điện cho các huyện đảo/xã đảo, hoàn thành bổ sung cấp điện cho 2 huyện đảo và 3 xã đảo vào chương trình. Tổng số nguồn vốn thực hiện cho giai đoạn này khoảng 30.116 tỷ đồng. Trong đó, cấp điện từ lưới điện khoảng 28.648 tỷ đồng, từ năng lượng tái tạo khoảng 1.432 tỷ đồng”, ông Hùng cho biết.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay, nhờ có Chương trình, Quảng Ngãi từ địa phương có tỷ lệ sử dụng điện thấp nay đã đạt hơn 99,5% số hộ dân nông thôn có điện. Nhờ đó, đời sống, của người dân có sự thay đổi, giảm nghèo. Hiện tỉnh cũng rất mong muốn cấp điện ở 1 số xã, đặc biệt là các xã khó khăn nhất.
Đánh giá về Chương trình cấp điện khí hóa ở Việt Nam, ông Rahul Kitchlu, Trưởng nhóm Ngành Năng lượng của Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam đã trở thành hình mẫu toàn cầu về chương trình điện khí hóa và nhiều quốc gia trên thế giới mong muốn học hỏi Việt Nam về quá trình điện khí hóa trong 2 thập kỷ qua.
Tính đến nay, WB đã huy động khoảng 2 tỷ USD trong cam kết 5 tỷ USD của WB cho chương trình điện khí hóa ở Việt Nam. Khẳng định điện khí hóa là một trong những ưu tiên của WB dành cho Việt Nam, WB hoan nghênh sáng kiến của Bộ Công Thương, Chính phủ Việt Nam trong việc huy động các nguồn lực để thực hiện chương trình này.
Theo ông Rahul Kitchlu, để thực hiện được tốt chương trình này, Việt Nam cần cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan, đây là yếu tố quyết định sự thành công bởi đây là công việc đòi hỏi có sự tham gia của rất nhiều bên, của các địa phương và cơ quan chức năng nên cần phải có những quy chế để đảm bảo có sự điều phối, phối hợp chặt chẽ...
Ông Rahul Kitchlu cũng cho rằng, điện khí hóa nông thôn rất cần sự đổi mới và sáng tạo để thực hiện, thông qua các giải pháp kỹ thuật như giải pháp không nối lưới để cấp điện nông thôn… Việc áp dụng công nghệ mới sẽ là một phần rất quan trọng quyết định sự thắng lợi cho chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo.
“Việc sử dụng điện năng cho sản xuất là một phần rất quan trọng trong việc cung cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo. Bởi điện năng không chỉ sử dụng cho thắp sáng nữa mà còn dành cho sản xuất và cũng là thành phần rất quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế số”, ông Rahul Kichlu lưu ý.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, điện khí hóa nông thôn Việt Nam thời gian qua đã đạt được những kết quả, tỷ lệ hộ sử dụng điện tăng theo các mốc thời gian, từng bước, từ việc được sử dụng điện với giá hợp lý đến giá điện thống nhất theo quy định của Chính phủ và chất lượng dịch vụ ngày càng cao.
Theo kế hoạch đến năm 2025, hầu hết số hộ dân nông thôn, miền núi và hải đảo có điện (tương ứng cấp điện cho khoảng 871.263 hộ dân của 6.811 thôn, bản trên địa bản 2.197 xã; cấp điện cho 2.638 trạm bơm quy mô vừa và nhỏ khu vực ĐBSCL kết hợp cấp điện cho nhân dân; cấp điện lưới quốc gia hoặc các nguồn năng lượng tái tạo cho các đảo còn lại như Đảo Cồn Cỏ tỉnh Quảng Trị, Thổ Chu, An Sơn và Nam Du tỉnh Kiên Giang; các thôn đảo Ninh Tân, Ninh Đảo, Điệp Sơn, Bích Đầm của tỉnh Khánh Hòa và đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án cấp điện Côn Đảo...
Tổng vốn đầu tư ngân sách Trung ương vào khoảng 21.143 tỷ đồng. Nếu được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư cấp điện đảo Côn Đảo bằng lưới điện quốc gia, vốn sẽ tăng thêm khoảng 4.800 tỷ đồng. “Đây là số vốn rất lớn, do vậy một trong những giải pháp quan trọng là thu hút vốn từ nguồn quốc tế”, ông An cho hay.
Để thực hiện được kế hoạch này, theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, Bộ Công Thương đã bàn với WB và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) để có 2 khoản tín dụng rất quan trọng, khoản tính dụng của WB khoảng 360 triệu USD (Bộ đã trình Bộ Kế hoạch đầu tư vào ngày 31/12/2019) và khoản tín dụng thứ 2 là của ADB 400 triệu USD cũng đã trình Bộ Kế hoạch đầu tư (từ 31/12/2019).
“Bộ Công Thương cũng đang thiết kế tiếp một khoản vay của Chương trình phát triển chuyển đổi năng lượng bền vững với EU 141 triệu USD, dự kiến dành riêng cho chương trình phát triển điện nông thôn miền núi, hải đảo là 71 triệu USD”, ông An cho biết./.