Đánh thức tiềm năng từ dự án điện mặt trời Cư Jút Đắk Nông
VOV.VN - Các dự án điện năng lượng mặt trời tại Đắk Nông đã và đang được triển khai, dự báo sẽ mang đến tiềm năng lớn trong phát triển nguồn năng lượng sạch.
Với diện tích lên đến gần 65 ha, với hơn 187.000 tấm pin thu điện mặt trời, từ trên cao nhìn xuống, nhà máy điện mặt trời Cư Jút (thị trấn Ea T’Linh, huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông) mang lại nguồn năng lượng sạch vô tận. Trước đó, “cánh đồng năng lượng” này từng là khu vực có đất đai cằn cỗi, với các loại cây nông nghiệp năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao.
Các tấm pin thu bức xạ của nhà máy điện mặt trời Cư Jút. |
Anh Nguyễn Văn Đức, điều hành viên của nhà máy điện mặt trời Cư Jút cho biết, sau khi đi vào hoạt động, quân số của đơn vị được chia ra 2 ca trực để đảm bảo công việc. Mặc dù vận hành quản lý lên đến hơn 187.000 tấm pin, nhưng đội ngũ cán bộ chỉ cần làm việc trên máy tính và quản lý công việc bằng camera truyền về trung tâm. Đội ngũ điều hành cũng thường xuyên kiểm tra các tấm pin, luôn giữ cho pin sạch để việc vận hành an toàn, đảm bảo, hiệu suất của pin đạt lượng bức xạ cao nhất.
“Công việc của các anh em điều hành viên ở đây là luân phiên theo dõi kiểm tra thiết bị và quản lý tình hình chung của nhà máy trong ca trực, nếu một số tấm pin bị hỏng thì nhiệm vụ của anh em là đi thay, hoặc một số giàn pin bị sụt lún thì sẽ nâng lên. Về giờ phát cao điểm thì từ 11 giờ đến 13 giờ (lượng bức xạ lớn), còn phát đều từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối”, anh Đức nói.
Ông Lưu Phúc Anh, Phó giám đốc Nhà máy Điện mặt trời Cư Jút cho biết, đơn vị chủ đầu tư là Công ty cổ phần Thủy điện Miền Trung đã khảo sát nhiều khu vực trong cả nước và kết quả là khu vực huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông có tiềm năng bức xạ tốt, số giờ nắng trung bình hàng năm khoảng 2.600 giờ. Hệ thống truyền tải điện, cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện.
Trong khi thời tiết ở đây ổn định, ít xảy ra thiên tai, đơn vị đã đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng để xây dựng Nhà máy điện mặt trời với công suất 50MW. Nhà máy đã hoạt động với sản lượng điện dự kiến là 90 triệu KWh/năm với doanh thu khoảng 200 tỷ đồng, dự kiến trong 9 năm sẽ thu hồi toàn bộ vốn đầu tư.
“Số liệu bức xạ của Đăk Nông, đặc biệt là Cư Jút là khu vực có tiềm năng bức xạ tương đối tốt. Đặc biệt, ở địa điểm chọn xây dựng có nhiều thuận lợi như gần vị trí đường dây 110KV, bức xạ tốt. Qua làm việc với địa phương thì địa phương rất cởi mở và hỗ trợ rất nhiều. Sản lượng điện hàng tháng đạt khoảng 7 triệu KWh, sản lượng điện từ lúc vận hành 20/4 đến bây giờ đã phát vào lưới điện quốc gia hơn 31 triệu KWh, góp phần giảm tình trạng thiếu điện của đất nước cũng như giảm tổn thất điện năng trong khu vực”, ông Lưu Phúc Anh cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Trình, Phó giám đốc Công ty Điện lực Đắk Nông, việc phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời đang được Chính phủ khuyến khích. Đây là hướng đi rất cần thiết, trong bối cảnh các loại năng lượng truyền thống như thủy điện, nhiệt điện ngày càng giảm sản lượng cũng như tính cạnh tranh.
“Nhà máy điện mặt trời của Tổng Công ty Điện lực Miền Trung phát thẳng lên lưới 110 KV đã góp phần cho việc tăng thêm nguồn điện tại chỗ, tại địa phương và cũng làm cho việc ổn định lưới điện, điện áp của Đăk Nông cũng sẽ tốt lên. Mặt khác, đây là một nguồn điện bổ sung rất hữu ích, rất cần thiết trong bối cảnh việc tăng phụ tải của cả nước nói chung và Đăk Nông nói riêng hiện nay trên 10%”, ông Nguyễn Văn Trình cho hay.
Ông Nghiêm Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Jút thông tin, hiện huyện có 2 dự án điện mặt trời đã được vận hành thương mại với công suất gần 95MW, tổng vốn đầu tư trên 2.200 tỷ đồng. Việc đầu tư các dự án điện mặt trời đã tận dụng được các tiềm năng của địa phương. Nhiều khu vực đất đai kém màu mỡ, thường xuyên xảy ra khô hạn, khan hiếm nước tưới vào mùa khô đang trở thành miền đất hứa cho những dự án năng lượng mặt trời lớn.
“Hiệu quả thứ nhất đối với địa phương là chuyển cơ cấu kinh tế, thứ 2 là tăng thu ngân sách cho địa phương, thứ 3 là giải quyết tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, đó là những tác động rõ nét, tích cực nhất của dự án. Thời gian tới, với trách nhiệm và mong muốn của địa phương, dự án này tiếp tục phát huy hiệu quả. Quan trọng nữa là khi dự án vào cuộc thì sẽ có tác động, lan tỏa đến doanh nghiệp, các nhà đầu tư có niềm tin rằng, khi đến với huyện sẽ được chào đón và tạo điều kiện”, ông Nghiêm Hồng Quang chia sẻ./.
Sẽ giải tỏa hết công suất điện mặt trời tại Ninh Thuận trong quý 2/2020