Nhận diện lâm trường quốc doanh và mâu thuẫn đất đai

Đất lâm trường: Nghịch lý thiếu-thừa

VOV.VN - "Vấn đề tranh chấp, lấn chiếm về đất đai ở các lâm trường quốc doanh chưa được đặt lên đúng tầm với mức độ của nó"

“Kẻ ăn không hết người lần chẳng ra”
Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số năm 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội cho thấy giai đoạn 2002-2008 cả nước đã có trên 421.000 hộ không có đất ở, đất sản xuất và có chiều hướng ngày càng gia tăng. Chỉ tính trong giai đoạn 2009-2011 đã có trên 347.000 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiếu đất sản xuất.

Gia đình nhà bà Bà Bùi Thị Lý, dân tộc Nùng ở thôn Cốt Cối, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn là một ví dụ điển hình về việc thiếu đất sản xuất. Gia đình bà sống giữa núi rừng nhưng ngoảnh mặt về phía nào cũng là đất, rừng thuộc quyền quản lý của lâm trường nên bà và nhiều hộ dân khác tìm cách lấn chiếm đất để sản xuất từ năm 2008 đến nay.

“Vì chúng tôi đói không có  chế độ gì, không được gì, đói quá thì lấn chiếm đất để sản xuất. Cả làng đi tranh chấp chứ không riêng gì cá nhân nào. Đói quá mà đề nghị với Công ty lâm nghiệp là chia cho chúng tôi để chúng tôi làm nhưng các ông ấy không cho, nên dân chúng tôi bức xúc nổi dậy chiếm giữ thì mới được”, bà Bùi Thị Lý thật thà.

Ông Đặng Hùng Võ

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, người dân thiếu đất canh tác, không đủ khả năng đảm bảo sinh kế là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xâm lấn đất của lâm trường.

Thêm vào đó, khi thành lập các LTQD, khu vực miền núi thường còn rất thưa dân, do vậy việc tổ chức giao đất rừng cho các LTQD quản lý trước đây chỉ giao trên giấy tờ mà không phải trên thực địa, theo kiểu khoanh vùng nên trồng lấn lên cả nương rẫy, đất rừng truyền thống của đồng bào dân tộc tại chỗ.

Các công ty lâm nghiệp có quyền quản lý và sử dụng hợp pháp theo quyết định giao đất, giao rừng của UBND tỉnh, còn người dân cho rằng, những diện tích đó đã gắn bó với họ và họ có thực quyền sản xuất. Vì vậy, mâu thuẫn/tranh chấp đât đai giữa người dân và công ty lâm nghiệp càng khó giải quyết.

“Điều này có nguyên nhân từ lịch sử, do khi thành lập các lâm trường ấy, ranh giới không được xác lập trên bản đồ, hồ sơ đất đai cho chính xác Đất của lâm trường được mở rộng quá nhiều. trong khi ấy người dân thì lại không có đất sản xuất.” ông Võ lý giải.

Do đó, tất cả những nơi có lâm trường mà mối quan hệ địa tô không công bằng thì luôn luôn xảy ra cái tình trạng tranh chấp. Ông Võ nhấn mạnh: “Họ cũng không muốn làm cái việc vi phạm này nhưng vì không có đất, không có cái để sống nên  buộc phải chiếm giữ. Chúng ta thấy rất nhiều nơi đang xảy ra tình trạng như thế này”.

Bất bình đẳng trong giao khoán trồng rừng
Điều đáng nói nữa là sự bất bình đẳng trong quyền nhận khoán trồng rừng làm cho mối quan hệ giữa 1 bên là người dân địa phương thiếu đất sản xuất, có nhu cầu nhận khoán trồng, bảo vệ rừng  với 1 bên là người dân bên ngoài cộng đồng được quyền nhận khoán với diện tích rất lớn trở thành xung đột.

Trường hợp ở Công ty lâm nghiệp Đông Bắc (Lạng Sơn) là 1 ví dụ điển hình khi Công ty này giao khoán cho một cá nhân ở địa phương khác với diện tích hơn 100 ha thay vì ưu tiên giao khoán cho người dân bản địa.

Quan hệ không bình đẳng, không công bằng về quyền tiếp cận đất đai như trường hợp ở xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng cũng gây ra nhiều bức xúc trong cộng đồng người Châu Mạ. Ông K’Lý, Phó chủ tịch xã Lộc Bắc cho biết, từ những năm 2001, người dân ở thôn 3 vì thiếu đất sản xuất nên có đơn xin UBND thu hồi đất của lâm trường Lộc Bắc để giao cho dân nhưng không được vì UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận cho rằng đó là khu rừng nguyên sinh cần phải bảo vệ nghiêm ngặt. Thế nhưng không lâu sau đó, diện tích ấy lại được giao cho các công ty tư nhân khai thác và chuyển đổi mục đích sang trồng cao su.

Vùng rừng tâm linh của cộng đồng người Châu Mạ, thôn 3, xã Lộc Bắc

“Bà con cũng có ý kiến nói rằng công ty thì phá được như thế mà sao dân xin 1 cây gỗ làm nhà lại không cho. Hiện nay bà con vẫn tiếp tục xin đất, vì  bình quân mỗi nhà chỉ có vài sào đất làm sao đủ đất sản xuất được”, ông K’Lý bức xúc.        

Chính quyền địa phương đứng ngoài cuộc

Ở nhiều địa phương, chính quyền các cấp chưa quan tâm  đúng mức đến việc giao đất cho người dân. Sau khi thu hồi đất của lâm trường, chính quyền không tiến hành giao đất giao rừng. Cộng đồng dân cư nhiều nơi gửi kiến nghị hoặc phản ánh những bức xúc liên quan đến việc thiếu đất sản xuất thì chính quyền các cấp chỉ hứa mà chưa giải quyết.

Trường hợp ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình là một ví dụ. Vì thiếu đất sản xuất, không đủ khả năng đảm bảo sinh kế nên đã nhiều lần người dân xã Trường Sơn đề nghị UBND tỉnh cấp đất sản xuất. Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Bình sau khi thu hồi của Công ty Lâm nghiệp Long Đại 2.100 ha lại không thể giao cho người dân với lý do không có kinh phí.

Những vùng đất đủ điều kiện canh tác như thế này còn lại rất ít

Ông Phạm Mậu Tài, Giám đốc Quỹ Phát triển nông thôn huyện Quảng Ninh cho rằng UBND tỉnh Quảng Bình không có thiện ý trong việc giao đất cho người dân vì 2.100 ha đất mà UBND tỉnh thu hồi từ Công ty Long Đại là đất xấu, xa nơi dân cư và khó có khả năng canh tác. “Chỉ có khoảng 300 ha trên tổng số 2.100 ha có thể sử dụng được thôi, còn lại là hoàn toàn không thể sử dụng được. Và tiếp tục câu chuyện thiếu đất.

Những năm qua, quá trình thực hiện phân bố lại dân cư vùng núi cũng như chương trình di dân kinh tế mới với quy mô lớn và ồ ạt theo kiểu di dân tự do… đã đẩy dân số miền núi tăng quá nhanh gây áp lực rất lớn đến quỹ đất đai.

Ông Nguyên Chí Thung, Chủ tịch UBND xã Quảng Thành, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông cho hay, trên địa bàn xã đã có hàng trăm hộ dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào. Các hộ dân này đến định cư trên địa bàn xã không có đất ở và đất sản xuất, nên đã phá rừng của lâm trường, chiếm dụng đất để canh tác. “Đồng bào dân tộc Mông di cư vào xã Quảng Thành hiện nay đã khoảng hơn 300 hộ. Họ ở sâu trong rừng, lấn chiếm đất rừng rồi trồng cà phê và các loại cây khác”

Quản lý nhập nhằng…lâm trường hưởng lợi

Việc phát triển thị trường, đặc biệt là thị trường  lâm sản tại nhiều nơi ở vùng núi đã tác động trực tiếp và theo hướng tiêu cực đối với mâu thuẫn đất đai tại nhiều địa phương.

Điều kiện cơ sở hạ tầng miền núi được cải thiện tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận thị trường, giao thương với bên ngoài giúp cho việc mua bán các sản phẩm lâm sản làm ra được thuận lợi hơn. Lợi nhuận thu được từ sản xuất cũng tăng lên, làm thay đổi giá trị thị trường đất đai.

Nếu như đất trước đây chỉ đơn thuần là phương tiện sản xuất với hiệu quả thấp thì nay đã trở thành nguồn tài nguyên quan trọng. Đất không chỉ có khả năng duy trì sinh kế mà còn có thể tạo ra lợi nhuận rất cao. Giá trị của đất tăng đột biến khiến cho nhiều cá nhân, hộ gia đình và tổ chức tìm nhiều cách để duy trì quyền tiếp cận để được quản lý, dẫn đến tình trạng mua bán, chuyển nhượng, tích tụ đất đai diễn ra nhiều hơn.

Thấy giá trị lớn, đồng bào bán đất lại rơi vào cảnh thiếu đất và tiếp tục tranh chấp, lấn chiếm đất của công ty lâm nghiệp. Ông Đinh Quang Tuấn, Phó trưởng ban Ban đổi mới và Quản lý doanh nghiệp nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho rằng, nhiều giám đốc công ty lâm nghiệp không muốn đổi mới, không muốn giải quyết tranh chấp đất đai, cứ để thực trạng sử dụng đất nhập nhèng nhằm thu lợi cho cá nhân.

“Bây giờ các công ty lâm nghiệp không muốn đổi mới, doanh nghiệp có sắp chết thì vẫn giàu. Chẳng đơn vị nào muốn công khai danh sách nhận giao đất. Ai cũng đồng tình là công khai danh sách giao đất, khoán đất thì sẽ giải quyết được vấn đề tranh chấp, nhưng không bao giờ các công ty cho mình biết cả”, ông Tuấn phân trần. 

        Ông Phạm Quang Tú
Đồng nhất quan điểm về những nguyên nhân dẫn đến tranh chấp đất đai lâm trường, ông Phạm Quang Tú, Viện trưởng Viện Tư vấn và Phát triển cho rằng, vấn đề mâu thuẫn đất đai lâm trường lâu nay không được giải quyết triệt để bởi các nhà quản lý và hoạch định chính sách chưa thực sự đánh giá đúng thực trạng vấn đề này.

Từ quy mô đến mức độ phức tạp, các hình thức tranh chấp đất đai đều không thực tế mà chỉ nhận được các báo cáo theo kiểu “chỉ có 7.600 ha đất lâm trường có tranh chấp lấn chiếm” nên chưa đánh giá được mức độ cần thiết để ra quyết sách giải quyết dứt điểm vấn đề.

“Vấn đề tranh chấp, lấn chiếm về đất đai chưa được đặt lên đúng tầm với mức độ của nó. Chính vì vậy chúng ta xem nhẹ. Vì chúng ta xem nhẹ vấn đề tranh chấp nên trở thành nguy cơ lớn và gây khó khăn cho việc sắp xếp đổi mới lâm trường không có hiệu quả”, ông Tú kết luận./.

Mời quý vị theo dõi tiếp bài cuối của loạt bài với nhan đề: “Quyết sách nào cho lâm trường quốc doanh” giới thiệu ý kiến của các nhà quản lý, các nhà khoa học và  của người dân đối với những vấn đề tồn tại xoay quanh LTQD và mâu thuẫn đất đai của LTQD.

Bài 1:  Đổi mới lâm trường quốc doanh: "Bình mới rượu cũ"?

Bài 2:  Lâm trường quốc doanh: Giao đất kiểu "phát canh thu tô"

Bài 3:   7.600 ha đất tranh chấp: Mới chỉ là phần nổi tảng băng

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đất sản xuất: lâm trường thừa, người dân thiếu
Đất sản xuất: lâm trường thừa, người dân thiếu

(VOV) - Thiếu đất là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo cao tại các địa phương có rừng.

Đất sản xuất: lâm trường thừa, người dân thiếu

Đất sản xuất: lâm trường thừa, người dân thiếu

(VOV) - Thiếu đất là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo cao tại các địa phương có rừng.

Lâm trường quốc doanh: Giao đất kiểu "phát canh thu tô"
Lâm trường quốc doanh: Giao đất kiểu "phát canh thu tô"

VOV.VN -Với cung cách làm ăn trái với tinh thần của NQ 28/ TW, nhiều lâm trường quốc doanh đang trở thành một dạng địa chủ “kiểu mới"

Lâm trường quốc doanh: Giao đất kiểu "phát canh thu tô"

Lâm trường quốc doanh: Giao đất kiểu "phát canh thu tô"

VOV.VN -Với cung cách làm ăn trái với tinh thần của NQ 28/ TW, nhiều lâm trường quốc doanh đang trở thành một dạng địa chủ “kiểu mới"

7.600 ha đất tranh chấp: Mới chỉ là phần nổi tảng băng
7.600 ha đất tranh chấp: Mới chỉ là phần nổi tảng băng

VOV.VN - Những mâu thuẫn, tranh chấp liên quan đến những diện tích đất và rừng được giao cho các LTQD tăng cả về quy mô và hình thức

7.600 ha đất tranh chấp: Mới chỉ là phần nổi tảng băng

7.600 ha đất tranh chấp: Mới chỉ là phần nổi tảng băng

VOV.VN - Những mâu thuẫn, tranh chấp liên quan đến những diện tích đất và rừng được giao cho các LTQD tăng cả về quy mô và hình thức

Đổi mới lâm trường quốc doanh: “Bình mới rượu cũ”?
Đổi mới lâm trường quốc doanh: “Bình mới rượu cũ”?

VOV.VN -Sau 10 năm đổi mới hiệu quả quản lý đất và rừng vẫn còn rất thấp, tài nguyên đất và rừng tiếp tục bị suy giảm nghiêm trọng.

Đổi mới lâm trường quốc doanh: “Bình mới rượu cũ”?

Đổi mới lâm trường quốc doanh: “Bình mới rượu cũ”?

VOV.VN -Sau 10 năm đổi mới hiệu quả quản lý đất và rừng vẫn còn rất thấp, tài nguyên đất và rừng tiếp tục bị suy giảm nghiêm trọng.