Đầu tư cho khoa học công nghệ của TP.HCM còn hạn chế

VOV.VN - TP.HCM gặp nhiều thách thức, khó khăn và hạn chế trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đầu tư cho khoa học - công nghệ còn hạn chế, nhỏ lẻ; tỷ lệ chi cho hoạt động khoa học công nghệ chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của TP.

Chiều nay (9/6), Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Hội thảo“Phát huy vai trò của khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội Thành phố” với sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu khai mạc, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồ Hải cho biết, thời gian qua, hoạt động khoa học công nghệ của TP.HCM đạt được nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện. Cơ cấu kinh tế TP đã chuyển biến tích cực, dịch vụ và công nghiệp có giá trị gia tăng cao đã làm nền tảng cho sự phát triển của TP… Kết quả này thể hiện thông qua chỉ số năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) luôn tăng và ở mức cao, đạt trung bình 35,6%. Trong đó, đóng góp của khoa học vào tăng trưởng TFP là 74%.

Giai đoạn 2012 - 2021, năng suất lao động xã hội của TP.HCM cao hơn 2,7 lần so với cả nước, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội cao gấp 1,7 lần so với cả nước.

Bên cạnh đó, TP.HCM gặp nhiều thách thức, khó khăn và hạn chế trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đó là việc đầu tư cho khoa học - công nghệ còn hạn chế, nhỏ lẻ; tỷ lệ chi cho hoạt động khoa học công nghệ chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của TP. Đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ tuy có tăng về số lượng nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nhìn nhận, cơ chế, chính sách hiện còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự tạo động lực phát triển và ứng dụng kết quả  khoa học - công nghệ vào sản xuất; chưa có những cơ chế, chính sách đủ mạnh khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới, nhập khẩu công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao…

Làm khoa học không mệt, thanh quyết toán mới mệt

Các tham luận tại hội thảo cho rằng, TP.HCM cần kiến tạo hệ sinh thái thúc đẩy chuyển đổi và phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ hiện hữu theo tiếp cận hiệu quả, đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số và kinh tế số. Trong bối cảnh liên kết vùng, TP không chỉ là hạt nhân cung cấp dịch vụ đô thị chất lượng cao và dịch vụ hỗ trợ công nghiệp hiện đại mà còn là mắt xích quan trọng góp phần lan tỏa phát triển công nghiệp công nghệ cao của vùng trong thời kỳ mới.

Theo GS–TS Nguyễn Trọng Hoài, Đại học Kinh tế TP.HCM, cần có cơ chế vượt trội cho khoa học công nghệ và TP đang rất kỳ vọng vào các “cơ chế vượt trội” có trong Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54.

"Cơ chế vượt trội này phải đi đến các lĩnh vực, làm sao khoa học công nghệ sẽ đưa TP.HCM phát triển theo mô hình tăng trưởng mới. Tức là mô hình tăng trưởng dựa trên công nghệ và đổi mới sáng tạo. TP.HCM phải trở thành cái hub, là trung tâm để có thể tạo ra các tác động ngoại vi tích cực với các tỉnh trong vùng", GS–TS Nguyễn Trọng Hoài nói.

Đồng quan điểm với GS – TS Nguyễn Trọng Hoài, TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 cũng đã có nhiều nội dung về phát triển khoa học công nghệ như cơ chế sandbox; TP cũng sẽ tập trung vào việc phát triển liên vùng…

"Nếu chúng ta không tạo ra động lực tăng trưởng mới, tăng trưởng đó dựa trên khoa học công nghệ, dựa trên đổi mới sáng tạo thì chắc chắn kinh tế TP sẽ tiếp tục tăng trưởng thấp hơn bình quân tăng trưởng của cả nước cũng như các chỉ số khác sẽ thấp hơn", TS Trương Minh Huy Vũ nêu rõ.

Trong khi đó, TS Bùi Thành Luân, Công ty TNHH Cơ điện tử Hiệp Phát đánh giá, TP chưa ưu tiên thuế cho doanh nghiệp công nghệ. Doanh nghiệp chưa được tiếp cận với các nguồn vốn để phát triển, chính sách thuế nhập khẩu chưa hợp lý; Nhà nước chưa thực sự quan tâm đến phát triển các doanh nghiệp khoa học công nghệ…Ngoài ra các thủ tục về thanh toán, quyết toán còn nhiêu khê dẫn đến tình trạng “làm khoa học không mệt nhưng làm thủ tục quyết toán rất mệt”. Do đó, TS Bùi Thành Luân kiến nghị, TP.HCM cần phải hành động ngay.

"Thế giới thì phát triển không ngừng và ngày càng nhanh, còn chúng ta thì có tiến lên nhưng quá chậm nên khoảng cách ngày càng cách khá xa. Chúng ta có thể đỗ lỗi cho nhiều nguyên nhân về cơ chế về điều kiện xã hội về con người …Nhưng nếu chúng ta chỉ đỗ lỗi mà không thay đổi và hành động thì con đường công nghiệp hóa đất nước sẽ còn rất dài", TS Bùi Thành Luân nhấn mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

TP.HCM ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy nhanh cấp sổ hồng
TP.HCM ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy nhanh cấp sổ hồng

VOV.VN - Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa có báo cáo gửi Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND TP về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là sổ hồng).

TP.HCM ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy nhanh cấp sổ hồng

TP.HCM ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy nhanh cấp sổ hồng

VOV.VN - Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa có báo cáo gửi Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND TP về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là sổ hồng).