Đầu tư công - trợ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19
VOV.VN - IMF và JICA đều chung quan điểm: Đầu tư công là yếu tố quan trọng giúp các nền kinh tế phục hồi nhanh sau đại dịch Covid-19.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa đưa ra khuyến nghị: Đầu tư công nên đóng vai trò chính trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19. Việc tăng cường các khoản đầu tư công trên toàn cầu có thể tạo ra hàng triệu việc làm trực tiếp trong ngắn hạn và tạo thêm hàng triệu việc làm gián tiếp trong dài hạn.
Theo phân tích của IMF, nếu đầu tư công tăng thêm 1% GDP có thể dẫn tới đầu tư tư nhân tăng 10%, việc làm tăng 1,2%, GDP tăng 2,7%, đồng thời tạo lòng tin vào sự phục hồi kinh tế hậu Covid-19.
IMF cho rằng, đầu tư công đã ở mức thấp trong một thập niên qua mặc dù hệ thống đường sá, cầu cống ở một số nền kinh tế phát triển xuống cấp và nhu cầu cơ sở hạ tầng giao thông, nước sạch, vệ sinh ở các nước nghèo rất lớn. Hiện tại là thời điểm cần đầu tư, khi nhiều nước vẫn đang nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh và nhiều người thất nghiệp do suy thoái kinh tế đang tìm kiếm việc làm.
Ước tính, sẽ có 2-8 việc làm được tạo ra khi đầu tư 1 triệu USD cho hạ tầng truyền thống và 5-14 việc làm được tạo ra khi đầu tư 1 triệu USD cho hoạt động nghiên cứu, phát triển và công nghệ xanh.
Cùng quan điểm này, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, ông Shimizu Akira, nhận định, thúc đẩy đầu tư công chính là chất xúc tác góp phần phục hồi và phát triển kinh tế.
Tại cuộc họp báo giữa kỳ tài khóa 2020 được tổ chức sáng 6/10, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho biết: "Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã quan tâm và có kế hoạch cụ thể để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Tôi hy vọng sự nỗ lực này của Chính phủ Việt Nam sẽ giúp JICA đẩy nhanh tiến độ các dự án tại Việt Nam", ông Shimizu Akira nói.
Theo đánh giá của ông Shimizu Akira, Việt Nam hiện là quốc gia đang còn thiếu cơ sở hạ tầng cơ bản trong nhiều lĩnh vực để tạo đà phát triển hơn nữa trong tương lai. Bên cạnh những tác động tiêu cực, Covid-19 cũng tạo sức ép cho các nước tái cấu trúc hệ thống, tăng tốc đầu tư hạ tầng, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế.
JICA cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trên cả hai phương diện phần cứng (xây dựng cơ sở vật chất) và phần mềm (hợp tác kỹ thuật), đóng góp vào công cuộc phát triển của Việt Nam./.