Đầu tư hạ tầng dự trữ xăng dầu, khí đốt cần 270.000 tỷ đồng
VOV.VN - Đơn vị tư vấn lập Quy hoạch ước tính tổng vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt đến năm 2030 khoảng 270.000 tỷ đồng, được huy động chủ yếu từ nguồn vốn ngoài ngân sách, vốn của DN và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Tại cuộc họp của Hội đồng thẩm định Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch) diễn ra sáng 30/3 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hệ thống kho dự trữ xăng dầu được phân bố trên phạm vi cả nước, nhưng hiện chưa có hệ thống kho riêng cho dự trữ quốc gia. Vì thế, tổng mức dự trữ xăng dầu mới ở mức khiêm tốn khoảng 65 ngày nhập ròng.
“Một số cơ sở vật chất được thiết kế theo các tiêu chuẩn cũ đã không đáp ứng được các tiêu chuẩn hiện tại, cần cải tạo, sửa chữa nhiều để đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tế và bảo đảm an toàn cho quá trình vận hành”, ý kiến từ Bộ Công Thương nêu.
Theo đại diện Bộ Công Thương, sức chứa của hệ thống kho khí hóa lỏng (LPG) còn hạn chế. Hiện cả nước chỉ có 10 kho có dung tích từ 10.000 m3 trở lên và chưa có kho khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) được đưa vào hoạt động. Việc xây dựng mới các tuyến ống dẫn khí từ kho khí LNG đến các hộ tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn, do khi quy hoạch các khu công nghiệp chưa dành hành lang cho tuyến ống dẫn khí đốt.
Trong khi đó, Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đảm bảo sức chứa dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu cả nước đạt 75-80 ngày nhập ròng, tiến tới đạt 90 ngày nhập ròng, đáp ứng tiêu chí của Tổ chức Năng lượng quốc tế; đảm bảo sức chứa dự trữ khí đốt tối thiểu đáp ứng 15 ngày tiêu thụ.
Từ đó Bộ Công Thương đề xuất hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt được định hướng phát triển trên cơ sở tận dụng năng lực kết nối giao thông vận tải, ưu tiên tại các khu vực đã được quy hoạch cảng biển quy mô lớn, những khu vực thuận lợi về giao thông thủy, giao thông bộ; khai thác mọi nguồn lực trong nước và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt, đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật hiện đại và phù hợp với yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Góp ý cho dự thảo Quy hoạch, nhiều ý kiến kiến nghị bổ sung, điều chỉnh và làm rõ một số vấn đề liên quan đến việc đảm bảo quyền lợi của DN, người dân và hài hoà yếu tố môi trường. Trong đó nêu bật tính khả thi, chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng xanh, tái tạo...
Theo TS. Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Quy hoạch chịu tác động rất lớn biến động thị trường quốc tế, khả năng cung ứng và nhu cầu thị trường. Do đó, quá trình thực hiện Quy hoạch cần tiếp tục có sự điều chỉnh phù hợp, tránh quy hoạch cứng khi cơ cấu năng lượng sẽ có sự thay đổi trong thời gian tới…
Thông tin từ đơn vị tư vấn lập Quy hoạch cho thấy, ước tính tổng vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt đến năm 2030 khoảng 270.000 tỷ đồng, được huy động chủ yếu từ nguồn vốn ngoài ngân sách, vốn của DN và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tầm quan trọng, sự cần thiết của Quy hoạch trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đặc biệt trong thời gian qua, tình hình cung ứng xăng dầu có nhiều biến động, khó khăn, bất ổn, có thể gây ảnh hưởng lập tức đến thị trường trong nước. Chính vì thế, Quy hoạch này đòi hỏi độ chính xác lớn, tính khả thi cao, sát với nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra của thực tiễn và dự báo dài hạn, bảo đảm sự chủ động, ổn định về nguồn cung năng lượng cho nền kinh tế.
Từ đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương, đơn vị tư vấn lập Quy hoạch, các chuyên gia, thành viên Hội đồng đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt giai đoạn trước đây, nguyên nhân những nhiệm vụ chưa thực hiện được, nhất là tình trạng bất ổn khi nguồn cung ngắt quãng.
“Quy hoạch phải được tính toán, phân tích, so sánh các vấn đề thực tiễn với nhu cầu phát triển kinh tế, khả năng tiêu thụ của thị trường, thời gian dự trữ, yêu cầu chất lượng sản phẩm, công nghệ dự trữ, an toàn phòng cháy, chữa cháy và vệ sinh môi trường…”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch chuyên ngành hết sức quan trọng và cần thiết, là xương sống của nền kinh tế. Bộ Công Thương đã triển khai các bước lập Quy hoạch hết sức kịp thời, bài bản, khoa học. Đơn vị tư vấn lập Quy hoạch nghiên cứu, rà soát, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các uỷ viên phản biện, thành viên Hội đồng, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Quy hoạch./.