Đẩy mạnh dịch vụ chuyển phát hàng hóa trong xu thế mới
VOV.VN - Xu hướng bán lẻ trực tuyến đang hướng tới sự chuyên môn hóa cao, kéo theo đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ dịch vụ chuyển phát ở Việt Nam.
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề “Từ dịch vụ chuyển phát tới hoàn tất đơn hàng” tại Hà Nội ngày 10/11, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia tích cực và hiệu quả vào ngày mua sắm trực tuyến 2015 trong tháng 12 tới.
Hiện nay xu hướng bán lẻ trực tuyến đang hướng tới sự chuyên môn hóa cao, kéo theo đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ dịch vụ chuyển phát ở Việt Nam. Tuy nhiên, sự phát triển này chưa theo kịp bước phát triển nhanh của lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, nhiều đơn đặt hàng vẫn còn chậm, chưa đến được tay người tiêu dùng, các công ty chuyển phát vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu nhanh, chính xác, thuận tiện cho người tiêu dùng.
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Để thúc đẩy thương mại điện tử trong thời gian tới, các doanh nghiệp chuyển phát cần có tư duy mới, chuyển đổi đơn vị chuyển phát truyền thống từ thư, bưu kiện sang chuyển phát cho hàng hóa thương mại điện tử. Các dịch vụ hoàn tất đơn hàng ngoài việc đảm bảo chữ tín, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà bán hàng trực tuyến với công ty cung cấp dịch vụ hoàn tất đơn hàng. Đồng thời, các bên cần đẩy mạnh công nghệ thông tin để quản lý đơn hàng cũng như thông tin về khách hàng, phương thức thanh toán được thuận tiện hơn.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, các dịch vụ chuyển phát, hoàn tất đơn hàng phải có sự chuyển biến đó là đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ thông tin, người bán và người cung cấp đơn hàng phải vô cùng tin cậy, an toàn, thuận tiện cho tất cả các đối tượng liên quan.
Tổng doanh thu từ thương mại điện tử đang gia tăng. |
Theo ông Lê Quốc Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần chuyển phát nhanh Bưu điện, các dịch vụ chuyển phát truyền thống phải có những bước chuyển biến để phù hợp với tình hình mới.
“Cần bổ sung những tiện ích cho thương mại điện tử với đặc thù như ở Việt Nam hiện nay, như hệ thống về mặt kho hàng, hệ thống hậu cần cho thương mại điện tử và tích hợp những hệ thống về mặt thanh toán giúp cho luồng thông tin dịch chuyển nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với khách hàng và đơn vị chuyển phát được cập nhập ở trạng thái tức thời, online,” ông Lê Quốc Anh lưu ý.
Năm 2013, tổng doanh thu từ thương mại điện tử đạt 2,2 tỷ USD, dự báo, trong năm nay, tổng doanh thu từ lĩnh vực này có thể đạt hơn 4 tỷ USD./.