Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp
VOV.VN - Hiện chỉ có 3.500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm khoảng 1% tổng doanh nghiệp trong nước, chủ yếu là quy mô vừa và nhỏ.
Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu, ngành nông nghiệp đang được xem là lĩnh vực hưởng lợi nhiều nhất khi ký kết các Hiệp định Thương mại tự do (FTAs). Để thích ứng với quá trình hội nhập, cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản, rất cần đến vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân.
Khẳng định về mối quan hệ mật thiết, tác động quan trọng của doanh nghiệp đối với sự phát triển của nền nông nghiệp nước nhà, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng: quan hệ giữa doanh nghiệp với nông dân là mối quan hệ “máu thịt”, nếu có sự quan tâm, đầu tư của doanh nghiệp thì nền nông nghiệp sẽ phát triển. Do đó rất cần doanh nghiệp và nông dân liên kết với nhau.
Ông Lộc nói: “Chúng ta nói liên kết 3 nhà, nhà nước, nhà nông, doanh nhân; nhà nước, nhà nông, nhà khoa học. Dù là 3, 4 hay 5 nhà đi chăng nữa thì doanh nhân vẫn là trung tâm, nhà tổ chức. Vai trò tổ chức của doanh nghiệp rất quan trọng đối với kinh tế nông thôn và đối với nông dân, nền nông nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới. Ở đâu thiếu vắng doanh nhân thì nền nông nghiệp mãi là nền nông nghiệp nhỏ lẻ và không bao giờ cạnh tranh được.”
Hiện nay thủ tục hành chính rườm rà, tốn nhiều thời gian và chi phí là những rào cản doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp. |
Thế nhưng trên thực tế, hiện số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ khoảng 3.500, chiếm khoảng 1 % tổng doanh nghiệp trong nước, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có tới 64% số doanh nghiệp có vốn dưới 5 tỷ đồng…
Vì sao doanh nghiệp ít muốn đầu tư vào nông nghiệp?
Theo đại diện của nhiều doanh nghiệp, khi quyết định đầu tư vào nông nghiệp thường gặp nhiều rủi ro về thời tiết, thu hồi vốn chậm, lao động thủ công nhỏ lẻ dựa vào nông hộ là chủ yếu… Thêm vào đó, các thủ tục hành chính rườm rà, tốn nhiều thời gian và chi phí cũng là những rào cản đối với doanh nghiệp.
Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu (Aprocimex) chia sẻ: “Đầu tư vào nông nghiệp quá rủi ro, thêm vào đó những chính sách của ta từ trước tới nay, từ khi chủ trương đến ra văn bản, khi thực hiện vào cuộc sống thì thời gian và độ trễ quá lớn. Khi cơ hội sắm mất rồi mới ra những cơ chế chính sách áp dụng.”
Chủ tịch Aprocimex đề nghị đơn giản hóa thủ tục để những chế độ chính sách có lợi phải được thực hiện ngay.
Trong bối cảnh đất nước đã và đang ký kết nhiều Hiệp định quan trọng, với ngành nông nghiệp đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp tham gia vào thị trường nước ngoài. Song do quy mô còn nhỏ, manh mún, nên những đơn hàng với sản lượng lớn, thời gian ngắn đồng thời còn phải đáp ứng nhiều quy định, tiêu chuẩn ngặt nghèo của các nước nhập khẩu…vẫn đang là bài toán khó cần phải giải quyết trong xu thế mới.
Có sự quan tâm, đầu tư của doanh nghiệp thì nền nông nghiệp của đất nước sẽ có cơ hội phát triển. |
Theo ông Đàm Quang Thắng, Giám đốc Cty TNHH Agricare, ngoài việc gắn kết chặt chẽ doanh nghiệp và bà con nông dân, thì những cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp là rất cần thiết. Từ đó, đưa nông sản Việt Nam tới được thị trường thế giới một cách thuận lợi nhất nhằm giữ vững vị thế trên thị trường.
Ông Đàm Quang Thắng cho rằng, nông dân và doanh nghiệp phải gắn kết trách nhiệm. Muốn có sản phẩm tốt, thì phải có định hướng của nhà nước, ý thức của nông dân, quy tình sản xuất của từng doanh nghiệp...
Nhiều chuyên gia nhận định, để tận dụng hiệu quả các cơ hội từ việc hội nhập quốc tế mang lại thì đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp là rất cần thiết. Doanh nghiệp và nông dân phải liên kết thành một tổ chức vững mạnh. Nhà nước tạo môi trường về điều kiện cho nông dân phát triển nhưng doanh nhân vẫn đóng vai trò trung tâm. Theo đó cần tạo điều kiện về cơ chế chính sách, đất đai, thủ tục hành chính… nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào lĩnh vực này.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn cho biết: “Giải pháp chúng ta đã xác định toàn bộ hệ thống quản lý nhà nước, cùng với hỗ trợ các doanh nghiệp và cùng với các doanh nghiệp để hướng dẫn, tạo điều kiện cho bà con nông dân sản xuất những gì có lợi gắn với thị trường. Tiếp tục thực hiện thành công tái cơ cấu thì chúng ta có thành công trong việc hội nhập.”
Để vượt qua thách thức từ các Hiệp định Thương mại thì các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hội nhập và các hàng rào kỹ thuật. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và tăng cường vai trò của các hiệp hội ngành hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh của các mặt hàng nông, lâm, thủy sản để đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng tại các thị trường mới ./.