ĐB Lưu Bình Nhưỡng: Cài cắm nhân sự trong cổ phần hóa DN có thể tạo ra “Vũ nhôm” khác
VOV.VN - ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cảnh báo hiện tượng "cài cắm" trong quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp, có khả năng tạo ra một số Vũ "Nhôm" khác.
Góp ý trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại Hội trường sáng nay (27/10), đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban dân nguyện của Quốc hội chia sẻ lo lắng về phương thức giải quyết, xử lý 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công Thương.
"Với số dự án thua lỗ lớn như vậy, không thực hiện được thì nên cho phá sản. Còn dự án nào bán được, cho thuê được thì đẩy nhanh tốc độ xử lý, tránh thất thoát vốn Nhà nước", ông Nhưỡng nêu quan điểm.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban dân nguyện của Quốc hội (Ảnh: Quochoi.vn) |
"Cần có ngay thể chế, chính sách bịt lỗ hổng trong cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước và tăng cường kiểm toán, thanh tra, điều tra", ông Nhưỡng đề nghị.
Sẽ đề xuất đưa 2 dự án ra khỏi danh sách thua lỗ
Báo cáo giải trình về các vấn đề đại biểu đặt ra tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết đã triển khai tích cực, đồng bộ, toàn diện đề án mà Chính phủ phê duyệt để khắc phục tồn tại của 12 dự án kém hiệu quả. Lộ trình trong năm 2018 và 2019 xử lý tương đối toàn diện để kết thúc vào 2020.
Người đứng đầu ngành Công thương cũng một lần nữa nhấn mạnh lại các nguyên tắc lớn trong xử lý những dự án này. Đó là việc nỗ lực tìm giải pháp khắc phục tất cả các dự án nhưng phải trong khung khổ của luật pháp.
Thứ hai là phải đảm bảo nguyên tắc của thị trường, không có câu chuyện cung cấp, trợ cấp thêm vốn từ ngân sách. Thứ ba là sự tự chủ tự chịu trách nhiệm của chủ đầu tư, doanh nghiệp. Thứ tư là phù hợp nội dung cam kết hội nhập quốc tế của chúng ta.
“Những nội dung lớn Chính phủ chỉ đạo mà Bộ Công Thương làm đầu mối phối hợp rất chặt chẽ với các bộ ngành như Bộ Tài chính, NHNN, KH-CN, Tư pháp... Đến nay, cơ bản đảm bảo tiến độ và đạt một số kết quả tích cực” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.
Theo đó, đối với 6 nhà máy bị dừng được vận hành sản xuất, kinh doanh do thua lỗ thì đến nay có 2 nhà máy bước đầu có lãi (Nhà máy phân bón DAP số 1 Hải Phòng (lãi gần 147 tỷ đồng) và Nhà máy thép Việt Trung (lãi 527,2 tỷ đồng) – PV),
Theo 5 tiêu chí mà Chính phủ giao Bộ Công Thương xây dựng để xem xét, nếu dự án nào đảm bảo được bền vững trong phát triển và khắc phục tồn tại thì có thể đưa ra khỏi danh sách thua lỗ và hai dự án trên đạt yêu cầu đó.
“Chúng tôi sẽ báo báo cáo Chính phủ sớm có giải pháp. Đưa ra khỏi danh sách thua lỗ không phải lấy thành tích mà chính là tạo điều kiện cho các dự án này thật sự trở lại hoà nhập đời sống của cộng đồng kinh tế, khắc phục bền vững hơn” – ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Tuy vậy, để ra khỏi danh sách, dự án phải đảm bảo 5 yếu tố: Không còn nợ quá hạn, nợ tổ chức cung cấp tín dụng. Phải có phương án thương mại, tài chính đảm bảo hiệu quả được các tổ chức tín dụng chấp nhận trong hoạt động kinh doanh. Không nợ các khoản nghĩa vụ về thu ngân sách cũng như khoản nợ với NSNN...
4 nhà máy còn lại cũng đang từng bước khôi phục hoạt động và có lãi, giảm lỗ.
Về các dự án sản xuất nhiên liệu sinh học, ông Trần Tuấn Anh thông tin, hiện Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước đã khôi phục được tất cả trạng thái hoạt động và đang đợi cơ hội để tham gia vào thị trường. Dự án của Bình Sơn cũng đã bắt đầu tham gia sản xuất, cung ứng cho xã hội các sản phẩm và được chấp nhận.
Còn về dự án Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, người đứng đầu ngành Công Thương thừa nận có sự phức tạp như dự án gang thép Thái Nguyên, nhà máy bột giấy Phương Nam.
“Có những vấn đề liên quan công nghệ, liên quan quản lý và thậm chí vi phạm pháp luật ở nhiều khía cạnh, mức độ thì đã có sự vào cuộc của cơ quan điều tra Bộ Công an cũng như kết luận của Thanh tra Chính phủ. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật vào báo cáo đầy đủ” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, đồng thời nhấn mạnh tất cả những nội dung này làm đồng bộ, kể cả xem xét đến trách nhiệm hình sự của cá nhân, tập thể.../.
Thủ tướng: Xử lý nghiêm vụ “Út trọc”, “Vũ nhôm” được cử tri ủng hộ
Cổ phần hóa DNNN: Phải minh bạch và tôn trọng nguyên tắc thị trường