ĐBSCL giàu tiềm năng sao người dân thu nhập chưa cao?
VOV.VN - Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của ĐBSCL còn hạn chế, thu nhập của người nông dân chưa cao.
“Phát triển tài nguyên bản địa kết hợp sức mạnh công nghệ để phát triển kinh tế theo hướng bền vững" là chủ đề đặt ra tại diễn đàn kinh tế - kinh doanh Mekong Connect 2017 (ABCD), do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre và TP Cần Thơ tổ chức, tại tỉnh Bến Tre ngày 26/10.
Quang cảnh diễn đàn Mekong lần 3 tại tỉnh Bến Tre. |
Theo các đại biểu tham gia diễn đàn, muốn phát triển và nâng cao giá trị các sản phẩm mang tính bản địa, ngoài việc mở rộng diện tích, tăng sản lượng các địa phương cần có cơ chế, chính sách, biện pháp đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ngoài ra, vấn đề sản xuất sạch, an toàn thực, theo chuỗi giá trị...để xuất khẩu cần được nông dân và các doanh nghiệp quan tâm.
Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Phạm Đại Dương cho biết, để hỗ trợ việc ứng dụng công nghệ vào phát triển tài nguyên bản địa, Bộ đang tập trung vào công tác nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới để tăng giá trị sản phẩm.
Đồng thời, tạo sự kết nối giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân để chia sẻ kinh nghiệm và ứng dụng công nghệ. Trong đó, Bộ Khoa học- công nghệ đã đặt hàng với Trung tâm công nghệ Hàn Quốc nghiên cứu giải pháp công nghệ để xây dựng nền sản xuất nông sản hữu cơ cho vùng ĐBSCL.
“Theo định hướng, Bộ và các doanh nghiệp đã thay đổi cách nghĩ để đưa được khoa học công nghệ vào sản xuất, sản phẩm được thị trường chấp nhận. Bến Tre nói riêng và các tỉnh ĐBSCL nói chung cũng đã được Bộ nghiên cứu và có chương trình để phát triển khoa học- công nghệ vào sản xuất nông nghiệp”, Thứ trưởng Phạm Đại Dương cho hay.
14 doanh nghiệp tiêu biểu được cấp Giấy công nhận "Hàng Việt Nam chất lượng cao" |
Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho rằng, liên kết ABCD kết nối lãnh đạo, kết nối doanh nghiệp 4 địa phương nhằm tăng cường mối liên kết hợp tác và hỗ trợ nhau cùng phát triển bền vững.
Trong đó, đẩy mạnh các hoạt động hội nhập cho các doanh nghiệp ở 4 địa phương như xây dựng thương hiệu, kết nối truyền thông, quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường, nghiên cứu và đề xuất các cơ chế, chính sách và triển khai các chương trình, dự án cụ thể, để tăng cường hợp tác bền vững giữa địa phương và khu vực./.
ĐBSCL phát triển tài nguyên bản địa kết hợp sức mạnh công nghệ