ĐBSCL tăng cường hợp tác, xây dựng liên kết chuỗi cá tra 3 cấp
VOV.VN - Từ nay đến cuối năm, một số thị trường như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nga… vẫn còn triển vọng, sẽ là cơ hội lớn cho sản phẩm cá tra Việt Nam xuất khẩu.
Sáng nay (18/8), tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp, tổ chức Hội nghị “giải pháp thúc đẩy sản xuất và tăng cường kiểm soát chất lượng giống cá tra". Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT tham dự và chỉ đạo hội nghị…
Theo Tổng cục thủy sản, Bộ NN&PTNT, trong 7 tháng đầu năm nay, tại các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, có diện tích thả nuôi cá tra ước khoảng 3.200 ha, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, địa phương có diện tích thả nuôi tập trung nhiều nhất gồm Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, chiếm khoảng gần 70% tổng diện tích thả nuôi của toàn vùng. Trong 7 tháng qua, sản lượng thu hoạch đạt hơn 900.000 tấn, tương đương so với cùng kỳ năm 2021.
Giá bán cá tra giống cỡ 30 con/kg hiện đang trong khoảng 28.000 đồng - 29.000 đồng/kg, giảm khoảng 13.000 đồng/kg so với thời gian đầu năm và tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2021. Còn đối với giá bán cá tra thương phẩm duy trì ở mức >30.000 đồng/kg trong 4 tháng đầu năm 2022 (từ tháng 2 - 5). Với mức giá này, người nuôi có lãi. Tuy nhiên, giá có xu hướng giảm từ tháng 6 cho đến nay, hiện dao động trong khoảng 27.50028.500 đ/kg (size cá từ 0,8 đến > 1,2 kg), cao hơn 7.000-8.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu khoảng 1,6 tỷ USD.
Dự báo những tháng cuối năm và năm 2023, thị trường xuất khẩu thể có những diễn biến phức tạp, nhu cầu cá tra có thể chững lại và không cao như các tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, một số thị trường như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nga…vẫn còn triển vọng. Bên cạnh đó, thị trường EU có khả năng thiếu nguyên liệu cá thịt trắng trong bối cảnh địa chính trị phức tạp tại Đông Âu và lạm phát tăng kỷ lục tại EU; đây sẽ là cơ hội lớn cho sản phẩm cá tra Việt Nam xuất khẩu cá tra sang thị trường này.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, các tỉnh thành nuôi cá tra tại ĐBSCL phải tiếp tục triển khai các đề án, nhiệm vụ nâng cao chất lượng giống cá tra phục vụ nuôi thương phẩm. Ứng dụng công nghệ mới vào công đoạn ương dưỡng cá tra nhằm nâng cao tỉ lệ sống, giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên nước và điều kiện tự nhiên. Tăng cường hợp tác, liên kết chuỗi: Chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng liên kết chuỗi cá tra 3 cấp. Các doanh nghiệp, cơ sở nuôi cá tra quan tâm liên kết với vùng sản xuất giống một cách chặt chẽ thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm có đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cùng có trách nhiệm trong việc giám sát theo dõi quá trình thực hiện sản xuất….
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho biết, dự báo năm nay sẽ vượt đỉnh 2,26 tỷ USD, tốc độ xuất khẩu tăng hơn 80%, đây là lĩnh vực xuất khẩu trên 1 tỷ USD để bù lại cho các lĩnh vực xuất khẩu khác.
“Về nông nghiệp nói chung, cá tra nói riêng; giống là quyết định về năng xuất và chất lượng. Do đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án cá tra 3 cấp. Thứ nhất là năng cao năng lực quản lý về giống và chứng nhận các cơ sở giống đủ điều kiện. Từ nay đến cuối năm, các chi cục thủy sản và thú y ở các địa phương cũng như Tổng cục Thủy sản và Cục Thú y phải có sự phối hợp chặt chẽ, để vừa quản lý, vừa giám sát, vừa có giải pháp hạn chế dịch bệnh, nâng cao năng xuất chất lượng… Đây là những giải pháp căn bản để nâng cao chất lượng giống cá tra trong thời gian tới; đồng thời nâng cao được sức cạnh tranh của ngành hàng cá tra”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ./.