Đề án 1 triệu ha lúa ở ĐBSCL: Cần giải pháp nhân rộng các mô hình thành công
VOV.VN - Đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp là mô hình đầu tiên trên thế giới, tạo sự khích lệ lớn đối với nông dân, doanh nghiệp tham gia phát triển ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL nói riêng và ngành lúa gạo cả nước nói chung.
Để triển khai, nhân rộng theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, ngày 23/11, tại Cần Thơ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam tổ chức diễn đàn “Giải pháp nhân rộng các mô hình thí điểm thành công Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp”.
Theo Bộ NN&PTNT, qua thí điểm 7 mô hình trên địa bàn 5 tỉnh, thành gồm Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng đã cho kết quả tích cực, giảm trên 50% lượng giống, giảm trên 30% lượng phân đạm, giảm 2-3 lần phun thuốc BVTV, giảm khoảng 30-40% lượng nước tưới; tăng năng suất 10%; tăng thu nhập cho nông dân thêm 20-25%, lợi nhuận tăng thêm từ 4 - 7,6 triệu đồng/ha, giảm từ 5 - 6 tấn CO2 trên 1 ha và tất cả sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp đăng ký bao tiêu với giá mua cao hơn 200-300 đồng/kg. Kết quả đạt được các mô hình thí điểm đã tạo khích lệ lớn cho các hộ nông dân và HTX tin tưởng và tiếp tục tích cực tham gia Đề án.
Với kết quả của các mô hình thí điểm, sự đồng tình ủng hộ của nhiều hộ nông dân, HTX trồng lúa, Bộ NN&PTNT thống nhất chủ trương với các địa phương nhân rộng các mô hình trên toàn bộ 12 tỉnh, thành và áp dụng ngay trong vụ Thu - Đông 2024 và Đông - Xuân 2024-2025.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, để nhân rộng Đề án các địa phương cần thống nhất triển khai trong từng vụ sản xuất, mục tiêu, diện tích và các tiêu chí. Bên cạnh đó phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị như Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, Chi cục trồng trọt - bảo vệ thực vật, Chi cục thủy lợi để xây dựng chương trình cụ thể cho từng vùng canh tác phù hợp với từng địa phương.
Theo ông Lê Thanh Tùng, việc hình thành liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa nông dân, HTX và DN là yếu tố then chốt để giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải, tăng giá trị của ngành hàng lúa gạo trong Đề án. Vấn đề xây dựng thương hiệu gạo là một mục tiêu quan trọng của Đề án, đòi hỏi sự cam kết, tham gia liên kết của DN, để hình thành các vùng chuyên canh ổn định, xây dựng sản phẩm chất lượng, an toàn và chứng minh các tiêu chí về giảm phát thải.
“Việc nhân rộng Đề án phải theo lộ trình, bởi DN cũng không phải lúc nào cũng có đầy đủ tiền để có thể mở rộng 10.000 – 20.000 ha, hay HTX cũng không thể nào có đủ tiền để có thể cho các thành viên tham gia. Vì vậy, chúng ta phải có tính toán cụ thể, bao nhiêu HTX và cách nhân rộng dựa trên nền tảng tài chính, dựa trên năng lực HTX, dựa trên năng lực của DN. Như vậy từng cụm DN nhỏ đảm nhận được bao nhiêu ha, phân vùng ra cho họ để định hình cho các DN xây dựng thương hiệu gạo sau này”, ông Tùng đề nêu ý tưởng.
Ở góc độ DN, ông Phạm Thái Bình, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, TP. Cần Thơ nhấn mạnh, Đề án hết sức cần thiết đối ngành hàng lúa gạo ĐBSCL nhằm nâng cao chất lượng lúa gạo, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm phát thải khí nhà kính.
“Xây dựng thương hiệu gạo phải theo chuỗi, từ sản xuất cho đến tiêu thụ, không phải xây dựng ở trên bàn giấy. Chính vì thế Đề án cần thực hiện liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ là 100% trong xây dựng thương hiệu, ngay từ khi sản xuất theo quy trình nâng cao chất lượng lúa gạo của Việt Nam”, ông Bình lưu ý.
Đề án 1 triệu ha được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2024 - 2025 tập trung vào 200.000 ha có điều kiện về hạ tầng sản xuất và năng lực của các HTX trong sản xuất và liên kết tiêu thụ với các DN, nhằm đạt tiêu chí lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Giai đoạn 2 từ năm 2026 – 2030 tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng và tiếp tục nâng cao năng lực của cả hệ thống, từ đó mở rộng thêm 800.000 ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.