Đề án 1 triệu ha lúa tại Cần Thơ sẽ nâng cao đời sống, thu nhập của người dân

VOV.VN - Việc triển khai đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp mang lại ý nghĩa rất lớn đối với Cần Thơ cũng như các địa phương trong vùng ĐBSCL, góp phần chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang cơ giới hóa đồng bộ, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.


Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” được triển khai tại 12 tỉnh, thành trong vùng. Mục tiêu của đề án sẽ tăng tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ, giảm thất thoát sau thu hoạch, 100% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được tái sử dụng, điều quan trọng là giảm lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống và nâng cao thu nhập cho hàng triệu hộ dân. Với các mục tiêu cụ thể, Cần Thơ sẽ tham gia đề án với diện tích 50.000 ha tại các huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh và Thới Lai, đây là những địa phương trọng điểm về sản xuất lúa gạo của Cần Thơ.

Hàng năm Cần Thơ sản xuất 3 vụ lúa với sản lượng hơn 1,3 triệu tấn lúa, thời gian qua người dân đã tham gia vào các quy trình canh tác nông nghiệp bền vững đã giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, góp phần khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam. Mặc dù vậy việc sản xuất lúa gạo theo phương thức truyền thống đã làm tăng chi phí sản xuất đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Chính vì vậy, việc Cần Thơ tham gia đề án sẽ giúp người dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập và tạo dựng thương hiệu gạo sạch.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, thành phố xây dựng vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL tại huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh và Thới Lai với tổng diện tích 50.000 ha.

Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ cho biết, việc triển khai đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp mang lại ý nghĩa rất lớn đối với Cần Thơ cũng như các địa phương trong vùng ĐBSCL, góp phần chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang cơ giới hóa đồng bộ, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.

Theo ông Sử: "Đề án 1 triệu ha lúa giảm phát thải khí nhà kính thì Thành ủy, UBND thành phố cũng đang chỉ đạo ngành nông nghiệp tham mưu cho UBND thành phố triển khai thực hiện cái đề án trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa đối với lĩnh vực nông nghiệp".

Để thực hiện đề án 1 triệu ha lúa, Cần Thơ sẽ lấy kết quả của dự án VNSAT làm nền tảng ban đầu. Cho đến nay, những diện tích tham gia dự án VNSAT trên địa bàn Cần Thơ đã tập trung cơ cấu giống theo hướng chất lượng cao, đặc sản gần 100%; lượng giống gieo sạ được người dân giảm đáng kể, có những vụ chưa tới 60/kg/ha. Về vấn đề phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng có nguồn gốc sinh học chiếm đến 50%.

Hiện những diện tích lúa mà Cần Thơ đăng ký tham gia vào đề án 1 triệu ha trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai cũng đã áp dụng tưới ngập khô xen kẽ đạt khoảng 75% diện tích. Ngoài ra, đã có 34 tổ hợp tác của nông dân được thành lập, liên kết với 8 doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ được gần 26.000 ha lúa. Bên cạnh đó, các khâu cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch đều đạt từ 90 đến 100%. Đặc biệt, Cần Thơ có đến 30% cánh đồng đã sử dụng máy bay không người lái áp dụng vào phun thuốc, bón phân, gieo sạ.

Ông Nguyễn Hữu Tín, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Thạnh chia sẻ, đề án được người dân đánh giá cao khi giảm chi phí đầu vào, tăng thu nhập của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Ông Tin cho biết thêm: "Một triệu ha lúa chất lượng cao, an toàn đó thì đối với Vĩnh Thạnh cũng tham gia. Nên Hội nông dân chúng tôi rất là quan tâm đến chất lượng và sản lượng. Vì vậy, khi nông dân có hợp đồng với các công ty theo yêu cầu sản xuất thì chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền, vận động làm sao cho mỗi hội viên, nông dân khi tham gia hợp đồng bao tiêu theo chuỗi giá trị cũng như theo quy trình của hai bên thì thực hiện đúng quy trình, để làm sao đảm bảo chất lượng sản xuất, cũng như trong thu hoạch để hai bên cùng nhau có lợi".

Cần Thơ cũng đã nhận ra những thách thức khi thực hiện đề án 1 triệu ha. Theo đó, giai đoạn 1 từ năm 2024 đến hết năm 2025 Cần Thơ tập trung củng cố, duy trì các hoạt động sản xuất hiệu quả trên diện tích khoảng 38.000 ha với 25 xã tham gia và hỗ trợ phát triển 34 hợp tác xã. Giai đoạn 2 từ năm 2026 đến 2030 sẽ tập trung đầu tư cho các khu vực trọng tâm và đạt 50.000ha theo kế hoạch.

Để phục vụ cho đề án thì Cần Thơ sẽ tiến hành nạo vét kênh mương, xây dựng thêm trạm bơm điện, xây mới cầu và mở rộng đường giao thông nông thôn để phục vụ hạ tầng kỹ thuật của đề án.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nhấn mạnh về cam kết của thành phố trong thực hiện đề án: "Thành phố Cần Thơ cam kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Phấn đấu đến năm 2025 xây dựng được vùng sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao với quy mô 38.000ha, đến giai đoạn 2026-2030 đạt 50.000ha theo kế hoạch".

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác, hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, bảo đảm chất lượng và hiệu quả. Đề án đưa ra mục tiêu giảm 30% chi phí đầu vào, góp phần giảm chi phí sản xuất lúa cho các nông hộ ở ĐBSCL khoảng 9.500 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa cũng tăng lên 50%; góp phần giảm 10% lượng khí nhà kính phát thải.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết, đề án sẽ tổ chức lại ngành hàng lúa gạo ở ĐBSCL với mục tiêu giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị hạt gạo, giảm phát thải và phát triển bền vững khu vực nông thôn.

Theo ông Tùng, nòng cốt của đề án là hình thành những hợp tác xã, những tổ chức nông dân liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để tiêu thụ lúa gạo bền vững, nâng cao thu nhập cho người nông dân và đây cũng là mục tiêu của đề án hướng đến, muốn đề án thành công thì cần sự chung tay của người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương cùng đồng hành để thực hiện.

"Trong quy trình của đề án 1 triệu ha này, chúng ta có nhiều từ khóa phải giải quyết. Một là chất lượng cao, tức là đồng bộ hóa tất cả các công nghệ để làm sao cho chi phí sản xuất giảm. Vấn đề thứ hai, đó là chúng ta làm sao phải giảm phát thải, muốn phát thải thấp thì các cái yếu tố bắt buộc là phải giảm lượng giống gieo sạ, hai là chúng ta phải tưới ngập khô xen kẽ và ba là chúng ta phải xử lý được rơm rạ, di chuyển rơm đi khỏi đồng ruộng và làm công việc khác. Vấn đề thứ ba nữa chúng ta phải tăng trưởng xanh, chúng ta gọi là nông nghiệp tuần hoàn, hay là kinh tế tuần hoàn giảm đi tất cả những yếu tố gây tác động cho cái sản xuất này" - ông Tùng nhấn mạnh.

ĐBSCL là vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam với sản lượng lúa luôn ổn định ở mức 24 - 25 triệu tấn/năm, chiếm trên 50% sản lượng lúa và 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Việc triển khai đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp sẽ mang lại ý nghĩa rất lớn khi hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, bảo đảm chất lượng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Theo tính toán của Bộ Nông và Phát triển nông thôn, để thực hiện đề án một triệu ha lúa ở ĐBSCL từ nay đến năm 2030 dự kiến cần khoảng 2,7 tỷ USD.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Khởi động Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa tại Đồng Tháp
Khởi động Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa tại Đồng Tháp

VOV.VN - Ngày 12/6, tại huyện Tháp Mười, Bộ NN&PTNT phối hợp với tỉnh Đồng Tháp tổ chức Lễ khởi động Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” tại tỉnh Đồng Tháp.

Khởi động Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa tại Đồng Tháp

Khởi động Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa tại Đồng Tháp

VOV.VN - Ngày 12/6, tại huyện Tháp Mười, Bộ NN&PTNT phối hợp với tỉnh Đồng Tháp tổ chức Lễ khởi động Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” tại tỉnh Đồng Tháp.

Thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở 5 địa phương
Thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở 5 địa phương

VOV.VN - Chiều 2/5 tại Cần Thơ, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở 5 địa phương với tổng diện tích khoảng 250ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp và làm liên tục trong 3 vụ hè thu, thu đông 2024 và đông xuân 2025 – 2026.

Thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở 5 địa phương

Thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở 5 địa phương

VOV.VN - Chiều 2/5 tại Cần Thơ, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở 5 địa phương với tổng diện tích khoảng 250ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp và làm liên tục trong 3 vụ hè thu, thu đông 2024 và đông xuân 2025 – 2026.

Phác họa “bức tranh” lúa gạo ở ĐBSCL qua đề án 1 triệu ha
Phác họa “bức tranh” lúa gạo ở ĐBSCL qua đề án 1 triệu ha

VOV.VN - Vùng ĐBSCL là vùng trọng điểm về nông nghiệp cả nước khi đóng góp tới 90% lượng gạo, gần 65% lượng thuỷ sản nuôi trồng và gần 70% các loại trái cây xuất khẩu. Những con số này đã phần nào khắc họa thêm những điểm sáng về nông nghiệp của vùng đất Châu thổ Cửu Long trên thị trường quốc tế.

Phác họa “bức tranh” lúa gạo ở ĐBSCL qua đề án 1 triệu ha

Phác họa “bức tranh” lúa gạo ở ĐBSCL qua đề án 1 triệu ha

VOV.VN - Vùng ĐBSCL là vùng trọng điểm về nông nghiệp cả nước khi đóng góp tới 90% lượng gạo, gần 65% lượng thuỷ sản nuôi trồng và gần 70% các loại trái cây xuất khẩu. Những con số này đã phần nào khắc họa thêm những điểm sáng về nông nghiệp của vùng đất Châu thổ Cửu Long trên thị trường quốc tế.