Để bệnh viện “tự bơi” làm mờ nhạt vai trò quản lý nhà nước
VOV.VN - Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, biến bệnh viện thành doanh nghiệp là một sai lầm nghiêm trọng và vô cùng nguy hiểm.
Lạm dụng xét nghiệm, lạm dụng chỉ định phẫu thuật, kê đơn thuốc quá mức cần thiết, điều trị quá dài ngày và làm cho bệnh viện quá tải, buộc người bệnh phải sử dụng dịch vụ theo yêu cầu để tăng nguồn thu… đó là những mặt trái của tự chủ bệnh viện với mô hình hoạt động như doanh nghiệp, mà chúng tôi đã đề cập trong bài viết trước.
Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này? Làm thế nào để không còn tình trạng lạm thu, doanh nghiệp hóa bệnh viện? Cần làm gì để chi phí tiền túi của người dân cho dịch vụ y tế không còn ở mức cao như hiện nay? Phóng viên VOV tiếp tục đề cập vấn đề này trong loạt bài “Đừng doanh nghiệp hóa, tư nhân hóa bệnh viện!”.
Sau 15 năm thực hiện tự chủ tài chính bệnh viện, đến nay tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của người dân khi đi khám chữa bệnh vẫn còn ở mức cao, chiếm 40% tổng chi phí y tế. Nếu so với năm 2012 thì tỷ lệ này giảm gần 10% nhưng đặt trong bối cảnh hiện nay, gần như người dân nào cũng tham gia bảo hiểm y tế thì đó lại là mức giảm có phần “ảo”.
Việc tự chủ hoàn toàn đối với 4 bệnh viện lớn này có thể sẽ dẫn đến nguy cơ độc quyền hoàn toàn về tiếng nói chuyên môn. Khi thực hiện thí điểm, cần phải theo dõi, đánh giá độc lập. (Ảnh minh họa: KT) |
Việc người dân phải tự trang trải quá nhiều chi phí y tế đã phản ánh một nền y tế mất cân bằng, tiềm ẩn những rủi ro cao cho người dân trước “bẫy nghèo viện phí”. Bệnh viện được hoạt động theo mô hình một doanh nghiệp, mục tiêu lớn nhất là gì nếu không phải là lợi nhuận?
Bà Nguyễn Kim Phương, chuyên gia tài chính y tế của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho rằng: “Không chỉ tiền túi của bệnh nhân sẽ tăng lên mà cả Quỹ BHYT cũng phải chi nhiều hơn khi số lượng dịch vụ được chỉ định nhiều, chưa kể một số dịch vụ, một số loại thuốc không được BHYT thanh toán.
Vì thế chúng ta phải hướng tới mọi dịch vụ cung ứng phải hợp lý cần thiết, giảm thiềur những dịch vụ thuốc, ngày nằm điều trị tại bệnh viện không cần thiết. Muốn thế phải có quy trình chuyên môn chuẩn và giám sát được các dịch vụ đó là hợp lý, chỉ ra được những dịch vụ không hợp lý".
Trước thực trạng chi phí y tế từ tiền túi của người dân vẫn ở mức cao và xu hướng doanh nghiệp hóa bệnh viện khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, hướng đến tự chủ toàn diện, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, tự chủ trong ngành y tế không phải là làm cho giá dịch vụ tăng lên, mà tạo ra cơ chế thông thoáng, cởi mở để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như chăm sóc sức khỏe người dân được tốt hơn.
Ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định, nguyên nhân sâu xa của tình trạng lạm dụng trong điều trị, tận thu của người bệnh hay làm giá cả khám chữa bệnh tăng cao là do các văn bản hướng dẫn bệnh viện tự chủ chưa hoàn thiện.
“Vấn đề đầu tiên vướng mắc trong thực hiện tự chủ bệnh viện là hệ thống cơ chế chính sách, văn bản quy định pháp luật còn thiếu, không đồng bộ, chưa sửa đổi kịp thời và nhiều chính sách chưa ra đời để đáp ứng nhu cầu thực tế. Bộ Y tế và các Ban, Ngành có liên quan phải tập trung nghiên cứu để ban hành thể chế chính sách để đảm bảo thực hiện tự chủ tài chính cho các bệnh viện" - ông Bùi Sỹ Lợi chia sẻ.
Còn theo ông Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng chuyên ngành 3, Kiểm toán Nhà nước, bệnh viện tự chủ tài chính, đặc biệt là được tự chủ toàn diện sẽ phải đẩy mạnh xã hội hóa y tế. Đây cũng là xu hướng tất yếu vì thiếu ngân sách và chỉ có kết hợp công tư mới đủ nguồn lực để đầu tư các thiết bị y tế đắt tiền và theo kịp các kỹ thuật hiện đại.
Ông Lê Đình Thăng cho biết, xã hội hóa y tế giống như “BOT” trong lĩnh vực khám chữa bệnh, phải có cơ chế giám sát chặt chẽ mới không dẫn đến lạm thu.
“Chúng tôi vẫn đặt câu hỏi với các bệnh viện: tại sao máy xét nghiệm mà bệnh viện mua thì hoạt động ít, trong khi máy xã hội hóa thì lại xét nghiệm nhiều? Phải chăng vì lợi ích nào đó. Chúng tôi cũng đã khuyến cáo các bệnh viện là máy của bệnh viện máy xã hội hóa phải được sử dụng như nhau, không được phân biệt. Chúng ta phải kiểm soát từ giá đầu vào để đảm bảo không bị nâng giá hoặc tìm mọi cách tăng nguồn thu. Về cơ chế kiểm soát giá dịch vụ thì vẫn là câu chuyện phải công khai, minh bạch" - ông Thăng chỉ rõ.
Vậy cần giám sát bệnh viện thực hiện xã hội hóa và tự chủ toàn diện như thế nào? Tiến sĩ, bác sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và Phát triển cộng đồng cho rằng, cần có sự giám sát, đánh giá thường xuyên bởi một Hội đồng độc lập để đảm bảo khách quan, minh bạch.
Tiến sĩ Trần Tuấn nêu một ví dụ cụ thể, với 4 bệnh viện lớn (là K, Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy) vừa được Bộ Y tế lựa chọn thí điểm tự chủ toàn diện nhưng Ban giám sát việc thực hiện lại là những viên chức của chính 4 bệnh viện này nên sẽ không đảm tính khách quan.
Theo Tiến sĩ Tuấn: “Việc tự chủ hoàn toàn đối với 4 bệnh viện lớn này có thể sẽ dẫn đến nguy cơ độc quyền hoàn toàn về tiếng nói chuyên môn. Khi thực hiện thí điểm, cần phải theo dõi, đánh giá độc lập. Cụ thể là giao cho một tổ chức (ngoài Bộ Y tế) thực hiện giám sát, đánh giá độc lập. Chứ không thể tự thí điểm, tự đánh giá".
Tại các bệnh viện lớn, Bộ Y tế đang khuyến khích vay vốn ngân hàng, xây dựng những tòa nhà riêng phục vụ khám chữa bệnh dịch vụ theo yêu cầu nhằm hạn chế tình trạng công tư lẫn lộn. Tuy nhiên, do thiếu những quy định, hướng dẫn cụ thể, việc này đang dẫn đến một thực tế là bệnh viện đưa ra những khoản thu “lạ” để tăng nguồn thu.
Chẳng hạn, khoản thu phí người nhà vào chăm bệnh nhân được một số bệnh viện thực hiện, rất khó chấp nhận, nhưng vẫn không sai luật. Nếu để các bệnh viện “tự bơi” như hiện nay thì việc giám sát sẽ càng trở nên khó khăn hơn.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, y tế là một trong những lĩnh vực tiền vệ, nếu để bệnh viện tự chủ hoàn toàn theo thị trường sẽ gây ra những bất ổn lâu dài trong cung cấp dịch vụ. Còn theo ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội đoàn Bến Tre thì không thể chỉ vì muốn giảm ngân sách cấp cho bệnh viện mà xa rời mục tiêu xây dựng một nền y tế vì dân.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Không nên doanh nghiệp hóa bệnh viện. Biến bệnh viện thành doanh nghiệp là một sai lầm nghiêm trọng và vô cùng nguy hiểm. Tự chủ không phải mang con bỏ chợ, thu được bao nhiêu chi bấy nhiêu. Theo tôi Bộ Y tế nên đề xuất hỗ trợ ngân sách cho y tế. Thứ 2 là xã hội hóa còn là tăng cường các nguồn lực, huy động toàn xã hội xây bệnh viện, tặng đất, tặng máy móc. Bản thân Nhà nước phải hỗ trợ cho bệnh viện nếu thấy cần thiết”.
Không thể phủ nhận, thời gian qua, bệnh viện (bộ mặt của ngành y tế) đã có những đổi thay tích cực, nhất là về thái độ phục vụ của nhân viên y tế đối với người dân. Tuy nhiên, tự chủ bệnh viện mới chỉ đem lại thuận lợi cho những người có tiền; còn với những bệnh nhân nghèo, người yếu thế trong xã hội vẫn rất khó khăn.
Quyền lợi của họ sẽ không được đảm bảo khi mục tiêu chính của xu hướng doanh nghiệp hóa bệnh viện là tăng nguồn thu và tình trạng nghèo hóa có thể diễn ra chỉ sau một đêm nhập viện vì bệnh nặng. Mặt trái của tự chủ bệnh viện đang đe dọa chính sách an sinh xã hội nhưng vai trò quản lý nhà nước đang rất mờ nhạt khi để bệnh viện phải “tự bơi” như hiện nay. /.
Cùng loạt bài "Đừng doanh nghiệp hóa, tư nhân hóa bệnh viện!"
Bài 1: Tự chủ bệnh viện: ranh giới mong manh giữa đổi mới và lạm thu.
Bài 2: Để bệnh viện “tự bơi” làm mờ nhạt vai trò quản lý nhà nước
Bài 3: Làm gì để bệnh viện công không bị tư nhân hóa?