Đề xuất làm sân bay của nhiều địa phương bị loại khỏi quy hoạch

VOV.VN - Dự kiến, tới năm 2030 Việt Nam sẽ chỉ có 26 sân bay, thay vì kế hoạch phát triển 28 sân bay như hiện hành, nhiều đề xuất mở thêm sân bay tại địa phương mình đã không được đưa vào kế hoạch.

Cục Hàng không vừa đưa ra lấy ý kiến Dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Theo đó, hiện cả nước có 22 sân bay đang hoạt động, trong đó có 9 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa. Khu vực miền Bắc có 7 sân bay: Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Điện Biên, Đồng Hới. Khu vực miền Trung có 7 sân bay: Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Bài, Phù Cát, Tuy Hoà, Pleiku, Chu Lai. Khu vực miền Nam có 8 sân bay: Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Côn Đảo, Cà Mau.

Phần lớn sân bay nội địa hiện có khả năng phục vụ tàu bay thân hẹp A320/A321. Tuy nhiên, có 1 số sân bay chỉ tiếp nhận được tàu bay ATR 72, gồm Điện Biên, Rạch Giá, Côn Đảo, Cà Mau.

Theo quy hoạch phát triển sân bay tới năm 2020, định hướng 2030 được Thủ tướng phê duyệt năm 2018, tới năm 2020 có 23 sân bay, tới năm 2030 có 28 sân bay. Ngoài các sân bay hiện có, sẽ đầu tư thêm các sân bay gồm: Long Thành (Đồng Nai), Nà Sản (Sơn La), Lai Châu, Sapa (Lào Cai), Quảng Trị, Phan Thiết.

Với dự thảo Quy hoạch mới tới năm 2030, định hướng 2050, Cục Hàng không đề xuất, tới năm 2030 chỉ phát triển 26 sân bay (giảm 2 sân bay so với quy hoạch hiện hành). Theo đó, giai đoạn này chỉ xây dựng 4 trong 6 sân bay đã được Quy hoạch trước đó, tạm thời lùi thực hiện sân bay Nà Sản và Lai Châu cho giai đoạn sau năm 2030. 
Định hướng đến năm 2050, sẽ phát triển lên 30 sân bay. Khi đó mới triển khai tới sân bay Nà Sản, Lai Châu, bổ sung thêm sân bay Cao Bằng và sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô.

Như vậy, với Quy hoạch này, chỉ có 2 sân bay mới được bổ sung vào là sân bay Cao Bằng và sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô, còn lại vẫn là những sân bay đã được quy hoạch hiện nay lùi thời gian thực hiện cho phù hợp với nhu cầu thị trường.

Đặc biệt, theo Cục Hàng không, với sân bay số 2 cho Vùng Thủ đô Hà Nội, chỉ được nghiên cứu vị trí sau năm 2040, thay vì nêu rõ là khu vực huyện Ứng Hòa (Hà Nội), như đề xuất của Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội. Do trong bối cảnh hiện tại, với tầm nhìn 30 năm sẽ có nhiều yếu tố đầu vào khác ảnh hưởng lên vị trí lựa chọn vị trí làm sân bay số 2, nên chưa được xác định rõ.

Hàng loạt sân bay hiện nay được mở rộng

Cùng với quy hoạch một số sân bay mới, Cục Hàng không cũng đưa ra kế hoạch nâng cấp, mở rộng một số sân bay hiện hữu. Cụ thể như, mở rộng sân bay Nội Bài lên 3 đường băng vào năm 2030, 4 đường băng vào năm 2050, xây thêm 3 nhà ga mới, để nâng công suất lên 100 triệu khách/năm vào năm 2050.

Hoàn thiện và tiếp tục xây dựng sân bay Long Thành, hoàn thiện giai đoạn 1 vào năm 2025, và tiếp tục phát triển lên 4 đường băng, thêm nhà ga... để đạt công suất 120 triệu khách/năm vào năm 2050.

Mở rộng sân bay Đà Nẵng lên 3 đường băng, mở rộng nhà ga để đạt công suất 40 triệu hành khách/năm vào năm 2050. Sân bay Thọ Xuân sẽ được mở rộng lên 2 đường băng, công suất đạt 10 triệu khách/năm vào năm 2050.

Các sân bay ưu tiên đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030, gồm: Long Thành, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, mở rộng sân bay Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh...

Quy hoạch cũng định hướng phát triển trung tâm logistic tại các sân bay Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn, Chu Lai, Long Thành. Phát triển trung tâm đào tạo và huấn luyện bay tại các sân bay Chu Lai, Cà Mau, Rạch Giá.

Tổng mức đầu tư thực hiện các dự án trong quy hoạch, ước chi phí đầu tư giai đoạn 2020 - 2030 khoảng 365.100 tỷ đồng; giai đoạn 2030 - 2050 khoảng 866.360 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong nghiên cứu của đơn vị tư vấn, chấm điểm các yếu tố, kể cả yếu tố an ninh quốc phòng, giai đoạn 2050 có thể bổ sung thêm sân bay ở Ninh Bình (nghiên cứu sau năm 2040), Hà Tĩnh, Bình Phước. Sau khi đánh giá các yếu tố liên quan, tư vấn đã loại những sân bay này khỏi quy hoạch.

Trước đó, Bộ GTVT đã nhận được một số đề nghị từ phía địa phương về quy hoạch thêm sân bay tại tỉnh mình, như Hà Tĩnh, Cao Bằng, Ninh Thuận, Bạc Liêu… Trong khi Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đề xuất quy hoạch sân bay thứ 2 của Hà Nội tại huyện Ứng Hoà./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Công bố Quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết sân bay Tân Sơn Nhất
Công bố Quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết sân bay Tân Sơn Nhất

VOV.VN - Theo quy hoạch, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là sân bay cấp 4E và sân bay quân sự cấp 1, là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.

Công bố Quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết sân bay Tân Sơn Nhất

Công bố Quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết sân bay Tân Sơn Nhất

VOV.VN - Theo quy hoạch, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là sân bay cấp 4E và sân bay quân sự cấp 1, là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.

Sân bay Nội Bài sẽ có 4 đường băng, tránh phải điều chỉnh quy hoạch
Sân bay Nội Bài sẽ có 4 đường băng, tránh phải điều chỉnh quy hoạch

VOV.VN -Quy hoạch sân bay Nội Bài lên công suất 100 triệu khách/năm, đảm bảo hạn chế tối đa việc mở rộng, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất Thủ đô Hà Nội...

Sân bay Nội Bài sẽ có 4 đường băng, tránh phải điều chỉnh quy hoạch

Sân bay Nội Bài sẽ có 4 đường băng, tránh phải điều chỉnh quy hoạch

VOV.VN -Quy hoạch sân bay Nội Bài lên công suất 100 triệu khách/năm, đảm bảo hạn chế tối đa việc mở rộng, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất Thủ đô Hà Nội...

Cần sớm lập quy hoạch hạ tầng xung quanh sân bay Long Thành
Cần sớm lập quy hoạch hạ tầng xung quanh sân bay Long Thành

VOV.VN - Người dân Long Thành nóng lòng chờ triển khai dự án sân bay để ổn định cuộc sống

Cần sớm lập quy hoạch hạ tầng xung quanh sân bay Long Thành

Cần sớm lập quy hoạch hạ tầng xung quanh sân bay Long Thành

VOV.VN - Người dân Long Thành nóng lòng chờ triển khai dự án sân bay để ổn định cuộc sống