Đến 2015, EVN sẽ thoái hết vốn tại 7 công ty cổ phần
VOV.VN -Tổng vốn EVN đã đầu tư vào 7 công ty tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và bất động sản... lên tới 2.334,2 tỷ đồng
Nhân dịp đầu xuân mới, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)- ông Dương Quang Thành đã có cuộc trò chuyện với phóng viên VOV.VN xoay quanh vấn đề mà dư luận đang rất quan tâm đó là lộ trình thoái vốn ngoài ngành của tập đoàn này.
Bởi như công bố kết luận của Thanh tra Chính phủ cuối năm 2013, số vốn mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN đầu tư ngoài công ty mẹ lên tới 121 ngàn tỷ đồng, một số tiền quá lớn trong khi EVN luôn thiếu vốn đầu tư cho các dự án điện.
Ông Dương Quang Thành cho biết: “EVN đang rất tích cực triển khai việc thoái vốn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình thoái vốn và theo đúng quy định hiện hành. Việc thoái vốn của EVN tại Công ty cổ phần không thuộc lĩnh vực, ngành nghề hoạt động kinh doanh chính sẽ giúp EVN tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, có thêm vốn để đầu tư các dự án điện, bảo đảm cung ứng đủ điện cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước”.
Năm 2013, EVN đã chuyển nhượng vốn góp và đã hoàn thành thoái vốn một phần tại Công ty CP Bảo hiểm Toàn cầu và Ngân hàng TMCP An Bình với tổng vốn thu về 278 tỷ đồng. EVN cũng đã thoái toàn bộ vốn tại EVNIC với giá trị là 5 tỷ đồng.
EVN đang khẩn trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành. |
** EVN sẽ tiếp tục tái cơ cấu và thoái vốn ở các lĩnh vực trái nghề. Xin ông dự báo kết quả sẽ đem lại cho EVN nói riêng, cho nền kinh tế nói chung.
Ông Dương Quang Thành: Tính đến ngày 31/12/2012, EVN có vốn góp trực tiếp tại 7 Công ty cổ phần hoạt động ngoài lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính, bao gồm: 3 Công ty cổ phần thuộc lĩnh vực bất động sản và 4 Công ty cổ phần thuộc lĩnh vực tài chính, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm.
Tổng số vốn góp của EVN tại 7 Công ty cổ phần hoạt động ngoài lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính đến thời điểm 31/12/2012 là 2.334,2 tỷ đồng, đến thời điểm 31/12/2013 là 2.072,2 tỷ đồng.
Các khoản đầu tư của EVN vào các Công ty cổ phần ngoài ngành nghề kinh doanh về cơ bản đều được bảo toàn và phát triển vốn.
Tuy vậy, 7 Công ty cổ phần hoạt động ngoài lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính kể trên đều thuộc đối tượng EVN phải thoái vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện EVN đang tích cực triển khai thoái vốn để đến năm 2015, sẽ hoàn thành việc thoái vốn tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank); CTCP Chứng khoán An Bình (ABS); CTCP Bảo hiểm Toàn Cầu (GIC); CTCP BĐS Sài Gòn Vina (Land Sài Gòn); CTCP BĐS Điện lực Miền Trung (Land Miền Trung); CTCP Đầu tư và xây dựng Điện lực Việt Nam (EVNIC).
EVN cũng sẽ thực hiện giảm vốn góp tại Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance) theo quy định Luật Tổ chức tín dụng (các cổ đông là tổ chức không được nắm giữ quá 15% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng).
Riêng tại tại ABBank và GIC, trong năm 2013, EVN đã hoàn thành việc thoái vốn lần 1 thu về 278 tỷ đồng.
Cụ thể, hoàn thành việc thoái vốn lần 1 tại GIC cho Công ty International ERGO với số lượng chuyển nhượng thành công là 1 triệu cổ phần và giá chuyển nhượng là 26.000đ/CP so với giá mua bình quân là: 13.924đ/CP
Hoàn thành việc thoái vốn tại ABBank cho Công ty CP Xuất nhập khẩu Hà Nội (Geleximco) với số lượng chuyển nhượng là 25,2 triệu cổ phần và giá chuyển nhượng là 10.000 đ/CP.
EVN cũng đã hoàn thành việc thoái toàn bộ vốn tại EVNIC với giá trị là 5 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, theo phương án thoái vốn đã được Bộ Công Thương phê duyệt, EVN sẽ thoái vốn 3/6 đơn vị thuộc diện thoái vốn còn lại, đó là các CTCP: ABS, Land Sài Gòn, Land Miền Trung theo hình thức bán đấu giá công khai ra công chúng với giá khởi điểm không thấp hơn mệnh giá và giá trị sổ sách của CTCP. EVN đang tích cực triển khai thực hiện các thủ tục với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán để thực hiện các thủ tục theo quy định.
EVN cũng đã trình và đang chờ Bộ Công Thương có ý kiến về phương án giảm vốn của EVN tại EVNFinance (từ 40% vốn điều lệ xuống còn 15% vốn điều lệ theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng, tương đương với số vốn giảm là 625 tỷ đồng theo hình thức bán đấu giá công khai ra công chúng.
** Nhìn lại năm 2013, ông đánh giá thế nào về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu lớn của EVN?
Ông Dương Quang Thành: Trong năm 2013, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện nhiệm vụ kế hoạch trong tình hình kinh tế trong nước nói chung và điều kiện của EVN nói riêng còn nhiều khó khăn: tình trạng khô hạn nghiêm trọng ở miền Trung và Tây Nguyên; tình trạng truyền tải cao liên tục trên hệ thống 500kV Bắc Nam; các đợt cắt khí kéo dài trong tháng 7 và tháng 9; áp lực từ hai lần điều chỉnh tăng giá bán than cho sản xuất điện, hậu quả thiệt hại liên tiếp do bão, lũ khu vực duyên hải miền Trung...
Tuy nhiên, đánh giá tổng quát năm 2013 EVN đã tháo gỡ giải quyết được nhiều tồn tại từ các năm trước, sản xuất kinh doanh có lợi nhuận và đã thực hiện thành công những chỉ tiêu cơ bản kế hoạch đề ra.
Trong đó phải kể đến việc các nguồn điện trên toàn quốc đã đáp ứng được cả về sản lượng và công suất. Điện sản xuất và mua năm 2013 đạt 127,84 tỷ kWh, tăng 8,47% so với năm 2012; trong đó điện do EVN sản xuất hoàn thành vượt mức kế hoạch với sản lượng 56,45 tỷ kWh. Điện thương phẩm đạt 115,06 tỷ kWh, tăng 9,1% so với năm 2012.
Tới cuối năm 2013 có 20,6 triệu khách hàng ký hợp đồng mua điện với các Điện lực, tăng 787.000 khách hàng so với năm 2012. EVN cũng đã đưa điện lưới quốc gia về tới trên 98% số xã, trên 97% số hộ dân nông thôn.
Hoàn thành vượt kế hoạch về giá trị khối lượng thực hiện đầu tư xây dựng với quy mô, khối lượng đầu tư nguồn và lưới điện lớn hơn rất nhiều so với năm 2012. Đặc biệt, EVN đã hoàn thành kế hoạch đưa vào vận hành 6 tổ máy với tổng công suất 1.420MW.
Năm 2013 đánh dấu một năm EVN thực hiện tái cơ cấu theo chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, Các Tổng Công ty Phát điện 1,2,3 đã chính thức hoạt động và dần đi vào hoạt động ổn định.
** Không thể phủ nhận vai trò của EVN trong việc cung cấp điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, EVN đã và sẽ chia khó với người dân và doanh nghiệp như thế nào, thưa ông?
Ông Dương Quang Thành: Điện năng giờ đây đã trở thành sản phẩm không thể thiếu trong toàn bộ hoạt động của nền kinh tế và đời sống sinh hoạt của mỗi gia đình. Chính vì vậy, hoạt động của EVN gắn bó chặt chẽ với cộng đồng xã hội và trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn thì EVN càng phải thể hiện trách nhiệm xã hội của mình, tham gia tích cực trong việc thực hiện chính sách an sinh, phúc lợi xã hội của Chính phủ bằng các hành động cụ thể.
Tăng cường đầu tư các công trình điện mới, nâng cấp, cải tạo hệ thống điện hiện có để đảm bảo cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất, giúp người dân đảm bảo các điều kiện sinh hoạt bình thường, ổn định. Đối với các doanh nghiệp mới hoặc doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh thì EVN tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu điện trong thời gian sớm nhất theo tiến độ sử dụng điện mà doanh nghiệp đề nghị.
Tiếp tục đầu tư đưa điện về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đưa điện lưới quốc gia ra các đảo Cô Tô, Phú Quốc, Lý Sơn, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, dân cư, góp phần cải thiện, nâng cáo chất lượng cuộc sống người dân và ổn định chính trị xã hội ở khu vực nông thôn, biên giới.
Tiếp tục tiếp nhận lưới điện hạ áp ở khu vực nông thôn, tiếp nhận lưới điện ở huyện đảo Côn Đảo để bán điện trực tiếp theo giá điện của Chính phủ quy định, góp phần giảm bớt khó khăn trong chi trả tiền điện cho doanh nghiệp và người dân ở khu vực nông thôn và ở các huyện đảo.
Tiếp tục bán điện cho trên 2 triệu hộ nghèo với mức giá bán điện theo quy định của Chính phủ, thấp hơn giá thành sản xuất kinh doanh điện.
** Việc đưa lưới điện quốc gia ra các huyện đảo không chỉ giúp người dân được hưởng giá đúng quy định mà còn là bệ phóng thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, dịch vụ du lịch tại các huyện đảo của đất nước. ông có thể cho biết cụ thể những dự án cung cấp điện trực tiếp cho các huyện đảo mà EVN đã và đang triển khai?
Ông Dương Quang Thành: Năm 2013 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc điện lưới quốc gia vươn ra tới các huyện đảo, cải thiện đáng kể đời sống vật chất, tinh thần nhân dân trên đảo, góp phần thực hiện nhiệm vụ giữ vững an ninh biển đảo.
Ngày 16/10/2013, dự án đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô đã được khánh thành, với quy mô gồm 23,2km cáp ngầm xuyên biển cấp điện áp 22kV, 40km đường dây cấp điện áp 110kV trên đất liền, 14 trạm biến áp và khoảng 35km đường dây trung và hạ thế trên đảo. Dự án có tổng vốn đầu tư 1.106 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn kêu gọi đóng góp của tỉnh Quảng Ninh là 821,531 tỷ đồng và vốn của Tổng công ty Điện lực miền Bắc là 277,4 tỷ đồng. Dự án cung cấp điện cho hơn 1.600 hộ dân khu vực thị trấn Cô Tô và xã Thanh Lân thuộc huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh.
Cùng với cấp điện lưới quốc gia ra huyện đảo Cô Tô, dự án cáp ngầm 110 kV xuyên biển ra huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đã được khởi công ngày 17/11/2013 với vốn đầu tư gần 2.336 tỉ đồng, sử dụng vốn vay của Ngân hàng thế giới từ nguồn Hỗ trợ phát triển chính sách cải cách ngành điện giai đoạn 2 và vốn đối ứng của Tổng công ty Điện lực miền Nam. Dự án gồm phần cáp ngầm xuyên biển có chiều dài 57,33 km từ Hà Tiên đến Phú Quốc, phần đường dây 2 mạch trên không gần 8 km hai đầu Hà Tiên - Phú Quốc, trạm biến áp 110/22 kV Phú Quốc. Dự án dự kiến khánh thành vào ngày 7/2/2014. Với dự án này, sẽ có thêm 16.000 hộ dân trên đảo Phú Quốc được sử dụng điện lưới quốc gia và hưởng giá điện của Chính phủ như trên đất liền.
Bên cạnh đó, EVN đang chuẩn bị dự án cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) bằng cáp ngầm với khối lựong xây dựng 26,2km cáp ngầm xuyên biển cấp điện áp 22kV, 8,7km đường dây trên không có tổng mức đầu tư là 652 tỷ đồng trong đó vốn ngân sách cấp 85% và vốn của EVN là 15%, đồng bộ với hệ thống lưới điện trên đảo đang được thi công do EVN thực hiện bằng ngồn vốn vay kfW có tổng vốn đầu tư 14 tỷ đồng, cấp điện cho 5.714 hộ dân. Toàn bộ dự án dự kiến hoàn thành đóng điện vào cuối năm 2014./.