“Đền bù giải tỏa đất đai rất khó, nghĩ đến đã thấy hãi hùng”
VOV.VN - ĐBQH nêu thực tế việc đền bù, giải tỏa ở các dự án nhượng quyền sử dụng việc tự thỏa thuận rất hay gặp vướng mắc, một số ít gia đình không thỏa thuận được, thậm chí họ không cho gặp để thỏa thuận.
Thảo luận về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Đoàn ĐQBH tỉnh Cà Mau quan tâm đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Đại biểu cho biết, qua tiếp xúc cử tri có nhiều ý kiến nhân dân thấy rằng, nguồn gốc hình thành, sử dụng đất cũng như việc tiến hành các chính sách về sử dụng đất là một thành quả của nhiều thế hệ, vì vậy với công tác thu hồi cần hết sức rõ ràng, minh bạch.
“Trên thực tế, công tác quản lý nhà nước về một số lĩnh vực, nhất là đất đai còn nhiều sai sót, chậm xử lý việc công khai, minh bạch trong quy hoạch, bồi thường, GPMB, tái định cư trong thực hiện quản lý, điều hành một số lĩnh vực còn chưa đầy đủ, có lúc chưa đảm bảo công bằng, nhất là trong công tác GPMB, dẫn đến có nhiều khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh”, Đại biểu Thanh nêu thực tế.
Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng các trường hợp để phù hợp, chính xác, tránh lạm dụng trong thực tiễn, khi thu hồi và bồi thường cho người có quyền sử dụng đất bị thu hồi đảm bảo đời sống tốt hơn. Cụ thể nội dung này trong Nghị quyết 18 đã nêu rõ nhưng trong dự thảo Luật chỉ nhắc lại và không quy định cụ thể hơn.
“Nếu không có ý định cụ thể hơn khi áp dụng thực tế lại phát sinh các hệ lụy pháp lý lẫn nhau, tạo những khoảng trống cho lợi ích nhóm, vận động trục lợi trong công tác GPMB với giá đền bù thấp hơn khi soi chiếu vào quy định đền bù, GPMB được tập trung ở Điều 62, giờ là Điều 73 của Luật Đất đai năm 2013”, Đại biểu Nguyễn Duy Thanh dẫn chứng.
Một vấn đề khác được đại biểu đề cập là nguy cơ lợi ích nhóm, có thể hình thành trong công tác GPMB bắt đầu từ khái niệm “dự án phát triển kinh tế - xã hội phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng”. Khái niệm không rõ ràng trong luật đang vô tình tạo điều kiện cho những lợi ích nhóm thâu tóm đất đai với giá thấp, lợi ích sẽ bỏ vào túi một nhóm nào đó, trong khi Nhà nước và người dân không được lợi.
Để hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi) cũng như hạn chế những bất cập đã bộc lộ trong Luật Đất đai hiện nay, Đại biểu Nguyễn Duy Thanh lưu ý việc chú trọng đến việc giải quyết các vấn đề vướng mắc trong thu hồi, GPMB, tăng khả năng tiếp cận đất đai cho DN. Bên cạnh đó, cần chú trọng giải quyết những bất cập của giá đất để hạn chế tối đa lợi ích nhóm từ chênh lệch địa tô, kiểm soát được quyền lực của Nhà nước trong giao đất, cho thuê đất và thu hồi đất, hoàn thiện chế định thu hồi đất, bảo vệ quyền lợi của Nhà nước và của nhân dân.
Liên quan đến nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại Điều 90 của dự thảo Luật, Đại biểu Bế Minh Đức, Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng thấy rằng, thực tế hiện nay chưa có hướng dẫn việc bồi thường về đất, bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi. Trong dự thảo Nghị định cũng chưa được đề cập nội dung này, do đó đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể, hoặc bổ sung vào dự thảo Nghị định để luật khi được ban hành có thể áp dụng được ngay.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích cơ chế tự thỏa thuận phù hợp về sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển KTXH thông qua việc thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất quy định tại Điều 127.
“Điều đó đem lại lợi ích và nâng cao quyền của người sử dụng đất. Người sử dụng đất có thể nhận lại giá trị cao hơn so với trường hợp thuộc Nhà nước thu hồi, tránh việc đầu cơ về đất đai, đầu tư tràn lan không hiệu quả và loại bỏ được các nhà đầu tư không đủ năng lực. Nội dung này hiện nay chưa có cơ chế xử lý đối với những trường hợp nhà đầu tư không thỏa thuận được 100% diện tích thực hiện dự án”, Đại biểu Thanh dẫn chứng.
Để có thể soạn thảo được sát với thực tiễn, Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đề nghị ban soạn thảo cần dựa vào thực tiễn. Đơn cử việc đền bù, giải tỏa ở các dự án nhượng quyền sử dụng việc tự thỏa thuận rất hay gặp vướng mắc nhưng sau đó phần lớn thỏa thuận được, còn một số ít gia đình là không thỏa thuận được, thậm chí họ không cho gặp để thỏa thuận.
“Tình trạng bế tắc và phá giá đền bù thường xuất hiện ở những tình huống này. Bất bình đẳng, chậm trễ thậm chí không thể triển khai được dự án cũng ở nút thắt này. Được biết vì lý do này mà hàng chục năm trời chỉ thực hiện được việc tự thỏa thuận được một vài dự án, còn phần lớn là chưa xong hoặc phải bỏ dự án. Rất mong Chính phủ, Ban soạn thảo suy nghĩ để tìm ra cho được cách tháo gỡ vướng mắc này, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cử tri và doanh nghiệp trong cả nước”, Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị.
Theo đại biểu, đối với các dự án thuộc nhóm tự thỏa thuận, nếu đã tự thỏa thuận được từ 70% trở lên và thời gian đã chậm gấp 2 lần so với thời gian cấp có thẩm quyền cho phép, chính quyền phải vào cuộc để thực hiện việc giải tỏa và giá đất chỉ bằng giá quy định của nhà nước cho đất ở khu vực đó. “Ban soạn thảo soạn cần viết phần đền bù giải tỏa này thật gọn, dễ hiểu để dễ thực hiện và đưa về một điều hoặc một số điều cho dễ theo dõi”, Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề xuất./.