Deutsche Bank vướng bê bối “rửa tiền”

Ngân hàng Đức Deutsche Bank AG (DBK) vừa trở thành 1 trong số 4 ngân hàng châu Âu bị nhà quản lý Mỹ cáo buộc hành vi “rửa tiền”, ngay sau vụ Standard Chartered.

4 cơ quan quản lý liên bang Mỹ tham gia cáo buộc Deutsche Bank bao gồm: phòng kiểm soát tài sản nước ngoài thuộc kho bạc liên bang Mỹ, Cục dự trữ liên bang, Bộ Tư pháp và văn phòng luật sư quận Attorney tại New York.

Deutsche Bank là vụ điều tra mới nhất trong hàng loạt các cáo buộc rửa tiền mà giới chức Mỹ vừa dấy lên, sau khi phát hiện ra rằng lỗ hổng trong chính sách của Mỹ thời kỳ trước năm 2008 đã tạo cơ hội cho rất nhiều ngân hàng nước ngoài di chuyển hàng tỷ USD thông qua chi nhánh Mỹ thay mặt các khách hàng Iran, Cuba và Triều Tiên, tài trợ cho khủng bố, buôn vũ khí, buôn ma túy và tiếp tay cho tham nhũng.

Tuy nhiên, theo phát ngôn viên của Deutsche Bank - Friederika Borgmann, ngân hàng này từ năm 2007 đã hoàn toàn chấm dứt các giao dịch thương mại có liên quan đến Iran, Syria, Sudan và Bắc Triều Tiên – các nước có quan hệ “nhạy cảm” với Mỹ và cố gắng hạn chế đến mức tối đa các quan hệ hợp pháp các khách hàng này. Trước cáo buộc vừa được gửi tới từ giới chức Mỹ, đại diện của ngân hàng chưa đưa ra bất kỳ bình luận gì.

Quá trình điều tra đối với Deutsche Bank mới ở trong giai đoạn đầu. Để có được những dữ liệu mật nhằm xác thực thông tin và phanh phui các hành vi bị coi là phạm pháp này, các cơ quan quản lý Mỹ đã phải phối hợp với các tổ chức tài chính quốc tế và những ngân hàng toàn cầu, bóc tách quyền được bí mật thông tin của các ngân hàng nằm trong diện bị nghi ngờ.

Tuy nhiên, quá trình điều tra cũng gặp phải một số cản trở chủ quan. Những xung đột gần đây giữa Phòng quản lý ngân hàng của New York và các cơ quan liên bang khác về cách xử lý các cáo buộc “rửa tiền” tương tự như trường hợp của Standard Chartered khiến quá trình điều tra đối với Deutsche Bank đang diễn biến khá phức tạp.

Các công tố viên Mỹ lo ngại rằng món tiền 340 triệu USD giải quyết vụ việc của Standard Chartered với các nhà làm luật New York sẽ khiến dự luận quốc tế cho rằng các cơ quan Mỹ hành động không khách quan và chỉ nhằm mục đích xâu xé các khoản tiền phạt. Họ cũng lo lắng rằng các ngân hàng nước ngoài sẽ không còn sẵn sàng hợp tác trong việc chuyển dữ liệu giao dịch phục vụ quá trình điều tra và sự việc sẽ trở nên khó khăn hơn.

Mặc dù vậy, phía Mỹ vẫn khẳng định họ sẽ tiếp tục điều tra trên phạm vi rộng, xem xét toàn bộ các tổ chức có liên quan đến lỗ hổng chính sách thời kỳ 2008 và sẵn sàng đưa ra cáo buộc với bất kỳ hành vi phạm pháp nào./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên