5 lý do nhà đầu tư không nên chờ “bắt đáy” bất động sản

VOV.VN - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn cung sẽ còn thiếu hụt sang tận năm 2021, khó có tình trạng xả hàng cắt lỗ, dự báo giá BĐS sẽ tăng mạnh sau dịch.

Khủng hoảng “ngoài da”

Thị trường bất động sản (BĐS) sẽ không thể đổ vỡ hay đóng băng như các giai đoạn 1997 - 1998 hay 2008 – 2009 là nhận định của chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh. Theo ông Ánh, hai cuộc khủng hoảng trên bắt nguồn từ việc hệ thống ngân hàng phát triển quá nóng dẫn đến buông lỏng về quản lý rủi ro tín dụng, vay nợ để đầu tư BĐS quá dễ dàng làm giá BĐS leo thang rất cao. Đây là vấn đề nội tại của thị trường nên khi bong bóng xì hơi, giá nhà đất rơi tự do, thị trường thực sự ngấm đòn.

Dự đoán, nguồn cung bất động sản sẽ thiếu hụt sang tận năm 2021.

Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay hoàn toàn khác. Thị trường BĐS đang trầm lắng do sự chia cắt thị trường bởi dịch bệnh. Đây là vấn đề “ngoài da” không mang tính bản chất do đó, không thể đốn ngã các nhà đầu tư như các cuộc khủng hoảng vì “nội thương”.

“Vì thế việc nhiều người hy vọng BĐS xuống giá tương tự như trong các cuộc khủng hoảng trước đây là không có căn cứ”, TS. Vũ Đình Ánh khẳng định.

Khó khăn ngắn hạn

Khủng hoảng vì Covid 19 hoàn toàn mang tính ngắn hạn. Bằng chứng là sau vài tuần “sợ hãi” - thị trường chứng khoán đã “bình tĩnh” lại và bắt đầu đà hồi phục mạnh mẽ sau chuỗi ngày đỏ sàn.

Liên hệ đến bất động sản, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng :“Chỉ cần dịch bệnh chấm dứt là mọi lĩnh vực có thể ngay lập tức trở lại guồng quay cũ”. 

Cung thắt – Cầu tăng

“Năm 2019, do ảnh hưởng từ hoạt động thanh, kiểm tra, tổng số dự án được phê duyệt chỉ bằng 20% so với năm 2018, dẫn đến thị trường bị thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng” - nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường, GS Đặng Hùng Võ cho biết.

Thực tế, tình trạng cung ít cầu nhiều sẽ còn tiếp diễn trong dài hạn, thậm chí đến đầu năm 2021 do thời gian hoàn tất các thủ tục và triển khai một dự án thường phải mất tới 2 năm. Bên cạnh đó, việc siết chặt tín dụng với BĐS theo Thông tư 22/2019 của Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ khiến nguồn cung càng thêm khan hiếm do doanh nghiệp khó tiếp cận với nguồn vốn để phát triển dự án.

Chính phủ hỗ trợ, giảm áp lực thị trường BĐS

Mới đây, doanh nghiệp BĐS đã được đưa nhóm được hưởng gói “giải cứu” của Chính phủ trong dịch Covid 19. Đây là động thái kịp thời, giảm áp lực phải xả hàng để thu hồi vốn cho các Doanh nghiệp BĐS. Ngay thị trường thứ cấp cũng khó có việc nhà đầu tư cá nhân phải bán tháo để cắt lỗ như chờ đợi của nhiều người. Lý do là sau hai đợt khủng hoảng, các nhà đầu tư đã không quá lệ thuộc ngân hàng, họ dùng tiền tích lũy cá nhân nhiều nên khả năng chịu đựng cũng lâu hơn khi thị trường biến động.

“Vì thế, đừng trông chờ vào nguồn hàng bán cắt lỗ” – một giám đốc sàn môi giới BĐS khẳng định.

Giá BĐS đã “chạm đáy”

Mặc dù đang trong bối cảnh cung – cầu “cách ly vì dịch Covid-19”, nhưng giá BĐS không thể giảm hơn được nữa. Các chiến dịch kích cầu mùa thấp điểm đầu năm và các gói ưu đãi mùa dịch đã đẩy giá BĐS hiện tại chạm đáy. Thậm chí, kịch bản thị trường nhà đất do CBRE vừa công bố còn cho rằng, giá nhà vẫn có thể tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao như hiện nay, thậm chí tăng 5% so với năm 2019.  

Ở góc độ nhà quan sát, TS. Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, những nỗ lực chống dịch hiệu quả thời gian qua càng đã chứng tỏ cho thế giới thấy, Việt Nam là một quốc gia an toàn, đáng sống, một điểm đến hấp dẫn để đầu tư. Vì thế, sau khi dịch bệnh được khống chế, chắc chắn sẽ có một làn sóng đầu tư BĐS mới từ kiều bào và nhà đầu tư quốc tế. Giá nhà sẽ còn tăng cao theo lực cầu.

“Cho dù với mục đích để ở, cho thuê hay là một kênh đầu tư an toàn, chắc chắn BĐS sẽ tiếp tục tăng giá mạnh sau khi dịch bệnh đi qua và kinh tế phục hồi”, TS. Vũ Đình Ánh nhận định./.  

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên